Lập công ty hoạt động “tín dụng đen” xuyên quốc gia
Thượng tá Đặng Việt Quảng, Phó trưởng Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết, một trong những chuyên án lớn đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” xuyên quốc gia vừa bị đơn vị phát hiện, triệt xóa, đó là nhóm đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc cầm đầu.
Theo đó, ngày 24/5/2022, Phòng CSHS đã khám phá chuyên án cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, trốn thuế. Có tới 62 đối tượng hoạt động ở nhiều tỉnh, thành đã bị Phòng CSHS bắt giữ, khởi tố về nhiều tội danh khác nhau.
Cầm đầu đường dây tội phạm trên là đối tượng Li Zhao Qiang (SN 1988; quốc tịch Trung Quốc). Qiang phân công cho Nguyễn Quang Vũ (SN 1987; HKTT: P406 tập thể Ban đối ngoại, phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) thay mặt Li Zhao Qiang điều hành hoạt động cho vay tại Việt Nam. Để thuận lợi cho việc điều hành, quản lý đường dây “tín dụng đen” công nghệ cao này, Vũ được Li Zhao Qiang cấp tài khoản, mật khẩu nhằm đăng nhập và quản lý hệ thống App "Cash Vn" qua web:http://Plat.cash.com.vn; App "Vay nhanh pro" qua web:https://vaynhanhpro.vn.
Cùng với Vũ, đối tượng Trần Bá Phan (SN 1990, HKTT: Thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, TP. Hưng Yên, Hưng Yên) giúp việc trực tiếp, phiên dịch cho Li Zhao Qiang. Nếu Li Zhao Qiang không có tại Việt Nam thì Phan sẽ làm theo chỉ đạo của Vũ và được giao nhiệm vụ thành lập Công ty Ngôi Sao Việt.
Ngoài ra, Phan còn được giao nhiệm vụ liên hệ trả lương cho các nhân viên làm việc tại Công ty CSKH DCS. Trần Thị Hằng (làm việc tại Công ty METAG) phụ trách, quản lý, hướng dẫn và điều hành một nhóm nhân viên “Telesale” gọi điện thoại kêu gọi, tư vấn khách hàng vay tiền tại App “Cashvn”, “vaynhanhpro”.
Mỗi nhân viên khi mới đến làm sẽ được cung cấp file hướng dẫn trả lời điện thoại cụ thể cho từng tình huống có thể xảy ra. Nếu khách đồng ý vay tiền thì nhân viên “Telesale” hướng dẫn khách tải App “Cashvn” hoặc “vaynhanhpro” về điện thoại di động có kết nối Internet và đăng ký tạo tài khoản.
Khi truy cập App hệ thống sẽ yêu cầu khách hàng cấp quyền (cho phép) truy cập lấy các thông tin trong điện thoại của khách hàng (như danh bạ điện thoại; ảnh; quản lý cuộc gọi, vị trí của điện thoại, tin nhắn điện thoại...), khách hàng sẽ sử dụng số điện thoại của mình để tạo tài khoản trong app, sau đó điền đầy đủ các thông tin cá nhân theo yêu cầu của hệ thống.
Hệ thống này được thiết kế buộc khách hàng vay tiền phải nhập đầy đủ những thông tin cần thiết như họ tên, năm sinh, địa chỉ nơi ở, tình trạng hôn nhân, thu nhập hàng tháng, nghề nghiệp. Đặc biệt, khách vay phải cung cấp 2 số điện thoại của người thân hoặc bạn bè đồng nghiệp đồng thời sử dụng app để chụp ảnh mặt trước, mặt sau CMND, CCCD và chụp ảnh khuôn mặt đang cầm CMND, CCCD.
Sau khi khách hàng vay tiền đã cung cấp đầy đủ thông tin, bộ phận thẩm định do Trần Thị Hằng là Trưởng bộ phận sẽ kiểm tra xác thực thông tin. Thời gian duyệt thẩm định khoảng từ 20 phút – 4h. Qua kiểm tra nếu khách vay đủ điều kiện, bộ phận thẩm định sẽ duyệt cho khách vay với số tiền vay khác nhau (từ 500 nghìn đồng đến 10 triệu đồng, tùy theo “chất lượng” và thang điểm của khách hàng). Thời hạn vay thường rơi vào khoảng 7 ngày hoặc 14 ngày và yêu cầu khách vay cung cấp vào app số tài khoản ngân hàng (mang đúng tên người vay).
Lúc này, hệ thống Công ty sẽ duyệt lệnh chuyển cho Công ty YooPay Việt Nam do Liu Dan Yang (SN 1992; Quốc tịch: Trung Quốc; Nơi ở hiện tại: Số 265 Cầu Giấy, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) là Giám đốc quản lý, điều hành để thực hiện việc chuyển tiền cho khách vay theo hệ thống đã được lập trình sẵn, khách hàng sẽ bị cắt trước số tiền lãi suất, tùy theo mỗi khoản vay với mức lãi suất từ 43.000 đồng - 60.000 đồng/1 triệu/1 ngày.
Đến thời hạn trả tiền bộ phận truy thu đòi nợ sẽ gọi điện nhắc khách đến hạn phải trả tiền. Khách vay sẽ trả tiền đến số tài khoản Ngân hàng trên hệ thống App đã cung cấp trước đó (là các tài khoản Ngân hàng của Công ty YooPay Việt Nam). Trong trường hợp khách vay chậm trả tiền thì nhóm đối tượng làm việc tại Công ty METAG và Công ty CSKH DCS do Zhang Min quản lý, phụ trách việc nhắc, truy thu nợ với những đòn bẩn đòi nợ còn khủng khiếp hơn việc bị tạt mắm tôm, dầu luyn rất nhiều. Cả đêm và ngày, chúng sẽ dùng điện thoại gọi cho tất cả những ai nằm trong danh bạ gồm bạn bè, đồng nghiệp, người thân của con nợ, kèm theo những hình ảnh đồi trụy được cắt ghép để ép bằng được con nợ phải trả tiền.
Triệt xóa những “ông trùm” giấu mặt
Trước tình hình, diễn biến phức tạp của tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, ngày 25/6/2016, Công an TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trong toàn quốc ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch 231 tổng điều tra cơ bản các tổ chức, cá nhân cầm đồ, kinh doanh tài chính trên địa bàn.
Một trong những chỉ đạo của Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP khi đó, chính là yêu cầu Công an cấp quận, huyện mở hồ sơ quản lý toàn bộ những cơ sở kinh doanh tài chính trên địa bàn TP. Không chỉ trấn áp hiệu quả tội phạm “tín dụng đen” theo kiểu truyền thống mà còn chú trọng đến những “biến thể” của loại tội phạm này trong thời đại công nghệ 4.0.
Với lực lượng CSHS là chủ công, nòng cốt, Công an các phường có nhiệm vụ thường xuyên rà soát, bổ sung những cơ sở, cá nhân, ổ nhóm nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”. Người đứng đầu lực lượng CSHS Thủ đô khi đó chỉ đạo các đơn vị tập trung đấu tranh phát hiện các ổ nhóm căn cứ trên kết quả điều tra các vụ việc liên quan đến 8 hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, đe dọa giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bảo kê bến bãi, kinh doanh trốn thuế. Mục đích của những việc làm trên nhằm siết chặt, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này.
Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội thông tin: Với sự chỉ đạo đúng hướng, quyết liệt, hiệu quả của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội, kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” ở Hà Nội đã đạt được nhiều dấu ấn. Thống kê, trong 3 năm triển khai Kế hoạch 231 (từ 2016-2019), Công an TP Hà Nội đã phát hiện 1.004 vụ việc liên quan đến “tín dụng đen”, gồm 244 vụ phạm pháp hình sự, 589 đối tượng có liên quan và 760 vụ việc đổ chất bẩn, chất thải xác định có mâu thuẫn bắt nguồn từ hoạt động cho vay, đòi nợ.
Công an TP đã điều tra, xử lý hàng trăm vụ việc và bị can, kịp thời ngăn chặn, răn đe, quản lý chặt chẽ các đối tượng không để chúng có cơ hội hoạt động “tín dụng đen”. Việc Công an TP Hà Nội “đánh mạnh”, quyết liệt đối với loại tội phạm, vi phạm này đã giúp cho tình hình tội phạm trên được kéo giảm. Tính đến năm 2019, các loại tội phạm theo 8 hành vi đều giảm hẳn, số còn lại không dám hoạt động công khai, trắng trợn, lộng hành như trước, mà thay vào đó chúng rút sâu vào trong bóng tối, lén lút hoạt động. Kết quả trên đã góp phần làm ổn định, đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn, đem lại bình yên cho người dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội.
Đại diện lãnh đạo Công an TP Hà Nội cũng cho biết: Kế hoạch 231 của Công an TP Hà Nội được nâng cấp lên thành chuyên đề. Ngay khi có Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 240 của Bộ Công an, Công an TP Hà Nội đã tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch 148 ngày 3/7/2019 triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác đấu tranh quyết liệt của các lực lượng chức năng, tình hình tội phạm cũng như vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” giảm rõ rệt cả về số vụ và tính chất, mức độ nghiêm trọng.
Mặc dù vậy, trong 3 năm qua rơi vào đúng thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành tác động không nhỏ tới tình hình kinh tế - xã hội. Nhu cầu vay tiền của nhiều công ty, cá nhân, tổ chức gia tăng. Trên thực tế, không phải người dân hoặc doanh nghiệp, công ty nào cũng dễ dàng tiếp cận với các tổ chức tín dụng đủ uy tín khi không có tài sản thế chấp dẫn tới việc họ phải tìm đến “tín dụng đen”. Để che giấu hoạt động và “bóp cổ” người vay, các đối tượng liên tục tìm cách thay đổi phương thức hoạt động. Thay vì cho vay theo phương thức truyền thống, chúng sẽ cẩn trọng trong việc lựa chọn người vay, cách thức cho vay dưới thủ đoạn công nghệ cao.
Cũng trong thời gian 3 năm qua, thống kê của Phòng CSHS cho thấy, lực lượng CSHS Thủ đô đã phát hiện trên địa bàn thành phố có 173 vụ việc với 467 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong đó đã khởi tố 133 vụ, 435 bị can. Thủ đoạn và hành vi của các đối tượng vi phạm rất đa dạng, từ giết người, gây rối, cướp, cưỡng đoạt tài sản cho đến bắt giữ người trái phép…
Đáng chú ý, Phòng CSHS cũng đã làm rõ hàng chục ổ nhóm tội phạm có tổ chức với hàng trăm đối tượng có liên quan. Từ những mắt xích nhỏ nhất, qua sàng lọc, gỡ từng nút thắt được ẩn giấu bằng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nhiều “ông trùm” giấu mặt trong thế giới “tín dụng đen” đã bị Phòng CSHS lật tẩy, xử lý đích đáng.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 338 Trong tuần: 339 Trong tháng 240714 Tất cả: 17334286