Theo thống kê toàn quốc, từ 15/4/2019 đến 14/5/2022, Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) và Công an các địa phương đã phát hiện, tiếp nhận 2.740 vụ/4.941 đối tượng liên quan đến hành vi và vi pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"; đã khởi tố 1.575 vụ/3.399 bị can.
Tinh vi, manh động thủ đoạn phạm tội
Ngược dòng thời gian trước khi triển khai Chỉ thị số 12, Kế hoạch 240, tình hình hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" diễn biến phức tạp. Một số bộ phận các hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân do không tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng hoặc lo ngại các vấn đề về thủ tục vay tiền từ ngân hàng đã tìm đến các cơ sở, tổ chức tín dụng cho vay dưới dạng "tín dụng đen".
Sự khó khăn về tình hình kinh tế cộng với lãi suất cao làm cho người vay nợ không thể trả được nợ liên tục xảy ra. Sự "đứt gãy" của chuỗi "vay-trả" khiến tình trạng này dẫn đến những hệ lụy nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT trên địa bàn và đẩy không ít gia đình lâm vào cảnh túng quẫn nợ nần chồng chất. Nhiều người, gia đình đã phải bán nhà, bán cửa để cầm cố trả nợ những đối tượng cho vay với lãi suất "cắt cổ". Khi lãi suất như cái thòng lọng siết chặt cổ những con nợ, kéo theo không biết bao nhiêu gia đình tan nát, nhiều con nợ phải bỏ xứ, gia đình, vợ, chồng con cái ly tán để trốn nợ.
Phân tích của Cục CSHS cho thấy, các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" từ nguồn vốn có sẵn, hoặc kêu gọi thêm người thân, bạn bè góp vốn. Để có tiền cho vay, chúng còn cầm cố những tài sản có giá trị như nhà đất của gia đình, người thân, bạn bè lấy vốn kinh doanh tài chính "đen". Khi các con nợ không thể trả được nợ vì nhiều lý do trong đó, có lãi suất "cắt cổ" thì các đối tượng cho vay sẽ tìm đủ mọi cách để đòi nợ, siết nợ bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Trong quá trình hoạt động này đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa đối tượng cho vay và người đi vay, giữa các ổ nhóm cho vay trên cùng một địa bàn từ đó kéo theo tranh giành địa bàn, đòi nợ thuê dẫn tới các hành vi gây rối trật tự công cộng. Nhiều vụ đối tượng cho vay đã bắt giữ con nợ, đánh đập, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản. Những hành vi khác như ném chất bẩn, gọi điện đe dọa, thậm chí nhiều vụ giết người đã xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ hoạt động "tín dụng đen" hay do con nợ "vỡ hụi", "vỡ họ" ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình ANTT trên địa bàn.
Theo ghi nhận của PV, thực trạng công tác quản lý Nhà nước, các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" thời gian đó vẫn còn nhiều bất cập. Các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp thành lập những công ty tài chính, cơ sở mua bán, trao đổi ôtô, xe máy, mua bán sim thẻ… nhằm tránh sự chú ý của cơ quan Công an.
Tuy nhiên, bản chất hoạt động của những đối tượng, cơ sở này là hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi. Các hoạt động mua bán, trao đổi được "dán mác" là những giao dịch dân sự nhưng các đối tượng cho vay đã cài những điều khoản cho vay để ép người vay phải trả nợ nếu không sẽ phạm vào những hành vi được quy định trong Bộ Luật Hình sự nhằm khống chế con nợ. Công tác quản lý Nhà nước đối với những hoạt động của các cơ sở này vẫn còn có kẽ hở dẫn tới các đối tượng lợi dụng để hoạt động, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý của cơ quan chức năng.
Đồng loạt tấn công, quyết liệt truy quét
Để triển khai hiệu quả Chỉ thị 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch 240 ngày 27/6/2019.
Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục CSHS, Bộ Công an cho biết: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, đồng thời với vai trò là cơ quan thường trực, Cục CSHS đã cùng với Công an các đơn vị, địa phương quán triệt, phân công nhiệm vụ cụ thể, thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 12 của Thủ tướng và Kế hoạch 240. Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ cụ thể, nhiều chuyên đề, kế hoạch, phương án phòng, chống, đấu tranh với tội phạm, hoạt động "tín dụng đen" đã được các cục nghiệp vụ Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả. Những quy định trong các nghị định, thông tư có liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về "tín dụng đen" cũng được Bộ Công an tham mưu với Chính phủ để sửa đổi cho phù hợp, góp phần hỗ trợ hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống loại tội phạm này.
Cục CSHS đã chỉ đạo hệ lực lượng tiến hành điều tra cơ bản trên toàn quốc về các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ, huy động vốn với lãi suất cao bất thường, tham gia hụi, họ có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng, chiếm đoạt tài sản. Cùng với đó, chỉ đạo hệ lực lượng thường xuyên, quyết liệt đấu tranh xử lý các loại tội phạm nổi lên trong và sau dịch COVID-19 trong đó tập trung vào các băng, ổ nhóm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".
Công an các địa phương đã chủ động tham mưu UBND tỉnh thành lập 3.287 đoàn công tác liên ngành do lực lượng Công an là nòng cốt để kiểm tra 24.505 lượt, đối với 24.078 cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động "tín dụng đen", qua đó đã phát hiện 2.985 cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định; lập biên bản xử phạt 2796 cá nhân, thu hồi 690 giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT của các cơ sở kinh doanh vi phạm.
Thống kê của Cục CSHS cho thấy, trong vòng 3 năm qua (từ ngày 15/4/2019-14/5/2022), Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, khởi tố 1.575 vụ với 3.399 bị can. Phần lớn trong các vụ án đã được phát hiện, xử lý về các đối tượng, cá nhân, băng ổ nhóm hoạt động cho vay nặng lãi theo kiểu truyền thống. Qua điều tra, các đối tượng hoạt động trong thời gian dài, có nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự tham gia băng, ổ nhóm cho hàng trăm người vay chỉ với số tiền hàng tỷ đồng nhưng thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng. Có đối tượng thành lập doanh nghiệp để hoạt động núp bóng dưới hình thức cầm đồ online.
Đáng chú ý, xuất hiện thủ đoạn các đối tượng cho phụ nữ, gái mại dâm vay tiền bằng việc thế chấp hình ảnh, video nhạy cảm để làm công cụ ép người vay phải trả nợ nếu không sẽ tung hình ảnh, video lên mạng gây bức xúc trong dư luận. Cùng với việc bắt giữ, triệt xóa những băng, ổ nhóm tội phạm này, lực lượng CSHS còn khám xét, thu giữ nhiều vũ khí, phương tiện dùng để siết nợ, đòi nợ. Nhiều đối tượng cho vay "tín dụng đen" hoạt động xuyên tỉnh, thành và quốc gia đã bị lực lượng CSHS bắt giữ.
Những chuyên án, vụ án điển hình trong đấu tranh phòng, chống tội phạm "tín dụng đen" phải kể tới như ngày 17/9/2019, Công an Quận 2, TP Hồ Chí Minh đã triệt phá băng nhóm núp bóng doanh nghiệp cho vay nặng lãi qua app do đối tượng người Trung Quốc cầm đầu với 30 nhân viên.
Cơ quan CSĐT đã bắt giữ 9 đối tượng trong đó có 6 người Trung Quốc và 3 người Việt Nam. Chúng cho các con nợ vay với lãi suất "cắt cổ" lên tới 1460%/năm. Gần một năm sau, Phòng CSHS, Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt phá băng nhóm cũng do người Trung Quốc cầm đầu hoạt động cho vay nặng lãi qua app "Vaytocdo", "Moreloan", "VD online" với lãi suất 900-1095%/năm. Đáng chú ý, đường dây tội phạm này đã cho khoảng hơn 60.000 người vay. Cơ quan CSĐT đã khởi tố 5 đối tượng.
Hay như ngày 12/7/2021, Công an TP Vinh, Nghệ An đã triệt xóa 4 nhóm với 44 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi núp bóng doanh nghiệp với 35 cơ sở, chi nhánh tại Nghệ An và các tỉnh thành khác. Hàng chục nghìn người vay với số tiền trên 500 tỷ đồng từ ổ nhóm này.
Cũng với thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao để hoạt động "tín dụng đen", một đường dây tội phạm xuyên quốc giaquy mô lớn do nhóm đối tượng người Trung Quốc điều hành đã bị Cục CSHS, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lào Cai triệt xóa vào tháng 7/2022. Đây là đường dây phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia, được tổ chức chặt chẽ, do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, móc nối với các đối tượng trong nước cùng điều hành.
Chúng lập các bộ phận chuyên trách đặt tại địa bàn 3 tỉnh, thành phố, gồm: Bộ phận quản lý, điều hành, thẩm định, hỗ trợ hoạt động vay tại TP Hồ Chí Minh; bộ phận trung gian thanh toán hoạt động chi hộ/thu hộ tại TP Hà Nội; bộ phận nhắc nợ/thu hồi nợ tại tỉnh Lào Cai do Nguyễn Thị Hoài Thương (SN 1993, trú tại Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP Hồ Chí Minh), Phạm Thị Huyền (SN 1990, trú tại Vạn Hòa, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai), Chống Ngọc Phụng (SN 1999, trú tại phường 11, Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) liên thủ với các đối tượng người Trung Quốc để điều hành.
Các đối tượng đã lập ra Công ty TNHH Công nghệ Funmobi, sử dụng gần 300 ứng dụng cho vay tiền trên nền tảng điện thoại di động như Vndong, Hitien, Zdong, Hvay…đồng thời liên kết với gần 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính Fintech để cung cấp các gói sản phẩm cho vay trị giá từ 2 đến 7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày với lãi suất cực "khủng" lên tới 2.090,93%/năm. Để phục vụ cho hoạt động vay và thu hồi nợ, chúng tuyển lựa nhiều nhân viên vào các bộ phận như môi giới, quảng cáo, nhắc nợ, giải ngân…hoạt động tại Lào Cai, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Có khoảng 159.000 khách vay tiền qua các ứng dụng trên với tổng số tiền vay là gần 2000 tỷ đồng. Số tiền chúng đã giải ngân là khoảng 659,6 tỷ đồng. Các đối tượng đã chiếm hưởng gần 400 tỷ đồng qua các ứng dụng. Cơ quan chức năng đã khởi tố 28 bị can trong đường dây tội phạm trên.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 1317 Trong tuần: 475 Trong tháng 241695 Tất cả: 17335266