Hiệu ứng “tuyết lở” sẽ kéo hầu hết các nền kinh tế EU vào suy thoái
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo sẽ ngưng cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu “các quốc gia không thân thiện” – trong đó bao gồm tất cả các thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) không thanh toán hợp đồng mua khí đốt bằng đồng ruble.
EU từ chối đáp ứng yêu sách này của Nga và Moscow cũng không đóng van khí đốt sang châu Âu tức thời sau hạn chót đưa ra là ngày 1/4. Nguyên do là bởi khí đốt là mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho Nga và các khoản thanh toán cho hợp đồng sau thời hạn 1/4 phải đến cuối tháng hoặc đầu tháng 5 mới hết hạn. Tuy nhiên, điện Kremlin vẫn phát đi tín hiệu cho biết thanh toán khí đốt bằng đồng ruble chỉ là điểm khởi đầu, Nga sẽ áp dụng hình thức này với các sản phẩm hàng hóa, nguyên liệu thô khác.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết các doanh nghiệp thuộc EU có thể tuân thủ hệ thống thanh toán mà Nga đề xuất đối với các hợp đồng mua khí đốt mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU chống Moscow. Theo tài liệu hướng dẫn mà EC gửi tới các nước thành viên EU và được công bố trực tuyến, các quy trình thanh toán theo nghị định nói trên của Nga không nằm trong các lệnh trừng phạt của khối này đối với Nga.
Mặc dù vậy, EC cũng nhấn mạnh các thủ tục thanh toán theo yêu cầu của sắc lệnh trên hiện chưa rõ ràng. Theo văn bản hướng dẫn của EC, các công ty có thể bổ sung vào các giao dịch tuyên bố coi mình đã hoàn tất các nghĩa vụ hợp đồng một khi đã thanh toán bằng đồng USD hoặc euro và sau đó tiền này được chuyển đổi sang đồng ruble, chứ không phải thanh toán trực tiếp bằng đồng nội tệ của Nga.
Bà Katja Yafimava, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford nhìn nhận, việc EU từ chối thanh toán trực tiếp bằng đồng ruble sẽ là bài kiểm định đối với lời đe dọa của Tổng thống Vladimir Putin về đóng băng cung cấp khí đốt và các khách hàng ở châu Âu “sẽ phải đối diện với nguy cơ hiện hữu về bị ngắt nguồn cung”.
Trong khi đó, giới phân tích và chuyên gia hoạt động trong ngành ngân hàng, năng lượng tại Đức nhận định nếu Nga ngừng cấp khí đốt, thành viên EU hứng chịu tổn thất lớn nhất không ai khác chính là Đức, đầu tàu kinh tế của khối. Nguy cơ lớn nhất khi đó sẽ là việc Đức phải áp dụng chính sách sử dụng khí đốt luân phiên, suy thoái kinh tế.
Đối với châu Âu, tác động lan tỏa, dây chuyền từ suy thoái kinh tế Đức là điều dễ nhận thấy. Bởi hiệu ứng “tuyết lở” từ giá năng lượng leo thang sẽ kéo hầu hết các nền kinh tế EU vào suy thoái, đình đốn. Nga đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ khí đốt tại Đức. Nhiều ngành kinh tế tại Đức sử dụng khí đốt và khoảng 50% hộ gia đình ở Đức cũng sử dụng mặt hàng nhiên liệu này để sưởi ẩm. Cuộc chiến tại Ukraine đã làm phát lộ yếu điểm của Đức – nước dễ bị tổn thương trước nguồn cung khí đốt Nga.
Châu Âu hiện đã ban hành lệnh trừng phạt đối với mặt hàng than của Nga, nhưng vẫn chia rẽ sâu sắc về khả năng áp đặt cấm vận dầu mỏ. Riêng với khí đốt Nga, EU thậm chí còn chưa từng khởi động thảo luận nghiêm túc về vấn đề này.
Gần đây, đại diện nhiều ngành công nghiệp tại Đức đã cảnh báo tác động tiêu cực về khả năng cạnh tranh, hoạt động của doanh nghiệp và rộng hơn là đối với nền kinh tế mà một lệnh trừng phạt khí đốt chống Nga gây ra. Ông Martin Brudermuller, Giám đốc điều hành Tập đoàn Hóa chất BASF, cho biết lệnh cấm hoàn toàn năng lượng Nga sẽ đẩy các doanh nghiệp Đức vào “cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2”.
Một dự báo do viện kinh tế đầu ngành của Đức cho biết lệnh cấm vận năng lượng hoàn toàn của EU sẽ kích hoạt một cuộc suy thoái mạnh ở Đức, khiến sản lượng kinh tế giảm 2,2% trong năm tới và xóa sổ hơn 400.000 việc làm.
"Nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị ngắt, Đức sẽ mất 220 tỷ euro (237 tỷ USD) sản lượng kinh tế trong hai năm 2022 và 2023, tương đương 6,5% GDP của Đức", Stefan Kooths – Phó Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel nhận định.
Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) mới đây cũng cảnh báo một lệnh cấm vận khí đốt toàn diện nhằm vào Nga từ EU có thể khiến GDP của Đức suy giảm 5% trong năm nay, với mức tổn thất về sản lượng kinh tế ước tính vào khoảng 165 tỷ euro (178 tỷ USD). Đòn trừng phạt này sẽ kích hoạt giá năng lượng theo thang, đẩy Đức vào thời kỳ suy thoái sâu nhất trong nhiều thập kỉ trở lại đây.
Lời kêu gọi từ bỏ đồng USD và euro
Tại một diễn đàn quốc tế hôm 25/4 (giờ địa phương), Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov tuyên bố, Moscow mong muốn thúc đẩy giao dịch bằng đồng nội tệ với các quốc gia BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải) và EAEU (Liên minh Kinh tế Á-Âu).
Ông cho biết vào năm ngoái, kim ngạch thương mại của Nga với các thành viên EAEU, BRICS và SCO đã tăng lên 38%. Đồng thời, ông tiết lộ thêm rằng tất cả các thỏa thuận hợp tác của các liên minh này chiếm khoảng một nửa nền kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga nhấn mạnh tình trạng siêu lạm phát, tăng giá hàng hóa ở châu Âu và Mỹ, cùng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này đối với ngành công nghiệp và nền kinh tế cho thấy sự cần thiết phải chuyển dịch nhanh chóng khỏi đồng USD và euro, hướng tới sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch thương mại với các quốc gia thành viên.
“Những gì đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu và thế giới hiện nay thúc đẩy chúng ta phải điều chỉnh hợp tác sản xuất và hậu cần, theo hướng phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia”, ông Denis Manturov nói.
Ông cho rằng, việc chuyển đổi sang sử dụng đồng nội tệ cho phép các quốc gia “trở nên độc lập trong các giao dịch nội bộ giữa các nước thành viên”. Ông cũng cho biết Moscow nhận thấy triển vọng hợp tác với Uzbekistan trong các lĩnh vực dược phẩm, sản xuất xe hơi, nông nghiệp và chế tạo máy thực phẩm, cũng như phân bón. Ông nói thêm rằng, Nga cũng quan tâm đến việc cung cấp các sản phẩm hợp tác sản xuất cùng Uzbekistan cho các đối tác của nước này - như Pakistan, Afghanistan và các quốc gia khác.
Cùng ngày, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, nền kinh tế Nga đã ổn định sau khi bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ liên quan đến chiến dịch đặc biệt ở Ukraine. Phát biểu trong một cuộc họp chính phủ phát sóng trên truyền hình, ông nói: “Nền kinh tế Nga tiếp tục ổn định. Lạm phát đã chậm lại, tốc độ tăng giá hàng tuần đã tiệm cận mức bình thường và giá một số mặt hàng đã bắt đầu giảm”.
Người đứng đầu Điện Kremlin nói thêm rằng, điều này do hai yếu tố: giá trị đồng ruble tăng lên theo hướng tích cực và nhu cầu tiêu dùng. Ông nêu rõ: “Sau khi tăng đột biến trong tháng 2 và 3, có một sự sụt giảm khách quan trong hoạt động tiêu dùng”.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch trên tại Ukraine ngày 24/2, Moscow đã phải hứng chịu một loạt lệnh trừng phạt quốc tế, bao gồm các lệnh cấm vận đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt, làm tăng tốc độ lạm phát vốn đã cao. Mặc dù ông Putin nói rằng nền kinh tế Nga đã vượt qua các lệnh trừng phạt, song các nhà kinh tế cho rằng tác động tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Nga vẫn sẽ xảy ra.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3062 Trong tuần: 24201 Trong tháng 175123 Tất cả: 17268685