Reuters cho biết, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga, nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu, đã thông báo với Ba Lan và Bulgaria rằng họ sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho hai quốc gia châu Âu này thông qua đường ống Yamal từ hôm nay (27/4).
Một số nguồn tin trích dữ liệu từ mạng lưới của các nhà chuyển tải khí đốt châu Âu nói rằng dòng khí đốt thực tế qua tuyến đường ống Yamal nối từ Nga qua Belarus đến Ba Lan đã giảm đáng kể trong ngày 26/4, nhưng sau đó được nối lại như thông thường.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" phải thanh toán khí đốt Nga bằng đồng ruble bằng cách mở một tài khoản tại ngân hàng Gazprombank, sau đó chuyển USD hoặc Euro vào đó, để chúng được chuyển sang đồng ruble và trả về cho Nga.
Cách đây vài ngày, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng các tập đoàn châu Âu có thể thực hiện yêu cầu của Nga mà không vi phạm các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, công ty khí đốt của Ba Lan PGNiG cho biết họ sẽ không tuân thủ yêu cầu của Nga và sẽ không gia hạn hợp đồng, vốn sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Gazprom hiện chưa bình luận chi tiết về vụ việc. Theo Sputnik, Gazprom đã xác nhận cơ chế thanh toán mới sẽ khởi động hôm nay (27/4) và quốc gia nào không trả đồng ruble có thể bị ngừng cung cấp khí đốt.
Ba Lan kí hợp đồng mua khoảng 10,2 tỷ mét khối khí đốt của Nga mỗi năm, chiếm 50% tổng lượng tiêu thụ toàn quốc. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói các kho lưu trữ khí đốt của Ba Lan đã nạp đầy 76% và họ có sẵn những nguồn cung cấp cần thiết khác ngoài đường ống Yamal.
Ba Lan còn nhập khẩu khí đốt hóa lỏng thông qua một kho lưu trữ bên bờ biển Baltic và hy vọng nhận được nguồn cung từ Na Uy qua dự án đường ống Baltic, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay và đáp ứng khoảng 50% lượng tiêu thụ của đất nước.
Trong khi đó, Bộ Kinh tế Bulgaria xác nhận "nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Gazprom sẽ bị đình chỉ từ ngày 27/4". Phía Bulgaria thêm rằng họ đã luôn đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ và thanh toán đầy đủ theo yêu cầu của hợp đồng hiện tại "một cách kịp thời, nghiêm ngặt và phù hợp với các điều khoản".
Bulgaria cũng có một hợp đồng với Gazprom dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Gazprom cung cấp khoảng 3 tỷ mét khối khí mỗi năm cho Bulgaria, đáp ứng hơn 90% nhu cầu khí đốt của nước này.
Ba Lan và Bulgaria là hai quốc gia châu Âu đầu tiên bị Nga cắt khí đốt. Tom Marzec-Manser, trưởng bộ phận phân tích khí đốt của công ty chuyên cung cấp dữ liệu tình báo ICIS, cho biết: "Đây là một phát súng cảnh báo địa chấn của Nga".
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3391 Trong tuần: 24530 Trong tháng 175452 Tất cả: 17269014