Chiều 11/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Ban hành bảng giá đất hàng năm, phù hợp nguyên tắc thị trường
Tờ trình của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả. Đã có hơn 12, 1 triệu lượt ý kiến, các nội dung được nhân dân quan tâm tập trung góp ý là: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...
Về tài chính đất đai, giá đất (Chương XI), gồm 10 điều (từ Điều 149 đến Điều 158), giảm 2 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Các ý kiến góp ý tập trung vào thời điểm xác định giá đất; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất hàng năm, giá đất cụ thể, Hội đồng thẩm định giá đất...
Về bảng giá đất, dự thảo luật quy định được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Qua tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, cho thấy việc ban hành bảng giá đất 5 năm một lần, điều chỉnh khi có biến động 20% rất ít địa phương thực hiện được, làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.
Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xác định: "Bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường". Để bảo đảm quy định này có tính khả thi, dự thảo luật đã bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025. "Các địa phương có thời gian từ khi luật có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2025, đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo yêu cầu của luật; đồng thời, việc ban hành bảng giá đất hàng năm tiếp theo được hướng dẫn cụ thể theo hướng những khu vực, loại đất có biến động thì mới phải cập nhật giá đất cho phù hợp với thị trường", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lý giải.
Cân nhắc thu hồi đất để xây dựng nhà ở thương mại
Tuy nhiên, qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự thảo luật quy định phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường là chưa thực sự rõ ràng, chưa bảo đảm thể chế đầy đủ, toàn diện yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW về có chính sách phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, đất đai là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) đất nước khi chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng quá lớn, không thu hút được đầu tư, không tạo ra nguồn lực để phát triển KTXH.
"Đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo, làm rõ và đánh giá tác động cụ thể, nhất là tính khả thi của quy định, trong đó đề nghị đánh giá tác động KTXH đến các đối tượng khác nhau nếu có sự thay đổi về phương pháp, cách thức định giá đất. Làm rõ "giá đất" hay "giá quyền sử dụng đất"; mối quan hệ giữa "giá đất" và "bảng giá đất". Quy định rõ ràng "các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất".
Về thu hồi đất để phát triển KTXH vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 75), tờ trình liệt kê 31 trường hợp thu hồi đất theo 3 nhóm: thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước, công trình sự nghiệp; thu hồi đất để phát triển KTXH vì lợi ích quốc gia, công cộng khác. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc quy định theo hướng này vì chưa bảo đảm tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW và khó bảo đảm đầy đủ các trường hợp, nhất là các trường hợp có thể phát sinh trong tương lai.
"Trong các trường hợp thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất có cả "dự án nhà ở thương mại", khó xác định có thuộc phạm vi phát triển KTXH vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không; quy định như tại dự thảo luật khó triển khai trên thực tế cơ chế thỏa thuận về quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại" - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phân tích và đề nghị rà soát với Nghị quyết số 18/NQ-TW về cơ chế thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại là "tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại".
Nhiều doanh nghiệp, người dân muốn quy định mức điều chỉnh giá đất tối đa
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá, đây là dự án đồ sộ, nhiều vấn đề khó. Theo đó, qua tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri có ý kiến về việc xây dựng bảng giá đất hàng năm. "Thực tiễn ở địa phương, việc xây dựng bảng giá đất rất công phu, mất thời gian, nếu quy định vậy có khả thi không, có sinh ra quá nhiều thủ tục phức tạp ở thực tiễn hay không?", ông băn khoăn, liệu có phương án thời gian dài hơn không, hay khi thay đổi thì tính lại.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho rằng, Nghị quyết số 18-NQ/TW về quy định việc tăng cường giám sát, có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát thì cơ chế giám sát trong xây dựng bảng giá đất như thế nào, cũng cần phải thể hiện rõ trong dự thảo luật.
Cho ý kiến về việc này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, hiện nay đây là vấn đề người dân và doanh nghiệp rất quan tâm. "Nhà đầu tư và người dân khi đầu tư phải có thông số đầu vào, đầu ra, tính hiệu quả vòng đời dự án. Việc điều chỉnh có năm biến động tăng, có năm biến động giảm, nhưng ở mức nào thì sẽ điều chỉnh? Nhiều doanh nghiệp, người dân mong muốn có mức tối đa, ví dụ có thể điều chỉnh nhưng trong 5 năm không được vượt mức tối đa bao nhiêu", Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, bởi nếu không thì nhiều dự án sẽ lâm vào tình trạng bị phá sản do lúc chi phí đầu vào người ta không lường hết được. Điều này còn liên quan đến chi phí của một nền kinh tế chứ không đơn thuần là chi phí của một doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong luật có nhiều điều giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết, trong đó có vấn đề rất quan trọng là tài chính đất đai, phương pháp, trình tự, thủ tục tính giá đất. "Đề nghị các đồng chí cố gắng quy định rõ trong luật, không nên chỉ quy định một câu rồi giao cho Chính phủ. Đây là những vấn đề đại sự, rất lớn, cần phải được luật hoá để người dân, doanh nghiệp còn biết. Nên quy định trong luật những cái lớn, giao Chính phủ hướng dẫn thì hợp lý hơn", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục có những rà soát để thể chế hoá đầy đủ quan điểm, quán triệt đúng nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW. Ví dụ, đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm tra, kiểm kê, lượng hoá và hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế. "Tuy nhiên, qua đối chiếu các chương, các điều thì vấn đề này còn rất mờ nhạt. Đề nghị Ban soạn thảo phối hợp Cơ quan thẩm tra thiết kế riêng một số điều cho phù hợp", Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 4675 Trong tuần: 50382 Trong tháng 399366 Tất cả: 16548656