Ngày 13/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 20, xem xét, cho ý kiến về 13 nội dung trong thời gian dự kiến khoảng 3 ngày.
Khắc phục tối đa tình trạng "luật khung, luật ống"
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 3 dự án luật: Một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Trong đó, Luật Phòng thủ dân sự được nâng cấp từ nghị định lên luật, với cơ sở chính trị rất quan trọng là nghị quyết của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự và yêu cầu cấp bách của nước ta trong việc phòng, chống thiên tai, dịch hoạ. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, kỳ họp tháng 10 vừa qua, Quốc hội đã tập trung cho ý kiến, được tiếp thu, cơ quan trình thẩm tra đã có nhiều cố gắng và phải nghiên cứu, cho ý kiến để luật có nội dung càng chi tiết càng tốt, khắc phục tối đa tình trạng "luật khung, luật ống".
Với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Giao dịch điện tử, thời gian ban hành luật đã lâu, yêu cầu mới đối với hai lĩnh vực này cũng đặt ra rất cấp bách. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục cho ý kiến, nội dung nào có thể tiếp thu, nội dung nào tiếp tục giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội và có nhất thiết phải xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách hay không?
Tại phiên họp, UBTVQH cũng xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; đồng thời xem xét 3 dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội; Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Ban Thư ký; Nghị quyết của UBTVQH về việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của UBTVQH.
Về dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề khó, mới, cần xem xét về tính cấp bách. Cũng tại phiên họp, UBTVQH xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Đồng thời, xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (đợt 2). Xem xét báo cáo tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV; báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2022 và tháng 1/2023; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Phạt từ 10-20 triệu đồng nếu mua chuộc, hối lộ đoàn kiểm toán
Tiếp đó, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (KTNN). Báo cáo tại phiên họp, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, trải qua gần 30 năm hoạt động, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán có xu hướng gia tăng, nhưng đến nay còn thiếu các quy định về chế tài cụ thể để bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Dự thảo pháp lệnh quy định về hành vi mua chuộc, hối lộ Trưởng đoàn kiểm toán, Phó trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán; cản trở công việc của KTNN. Trong đó, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Mua chuộc, hối lộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2 triệu đồng cho Trưởng đoàn kiểm toán, Phó trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán; cản trở công việc của KTNN và Kiểm toán viên nhà nước.
Mức phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công; phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán của KTNN, đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán...
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, việc ban hành pháp lệnh này rất cần thiết, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của KTNN. Cho đến nay chưa có văn bản nào quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kiểm toán, chính sách này đặc thù và khó chứ không phải dễ. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ phạm vi, đối tượng xử phạt.
"Trong này chưa rõ lắm, do đó lấn sang cả chuyện biện pháp khắc phục, như quy định nộp lại số tiền được hưởng lợi do hành vi vi phạm. Ví dụ người ta hối lộ, mua chuộc thì chỉ ông kiểm toán viên, người nhà kiểm toán viên được hưởng lợi, chứ ông đi mua chuộc có được hưởng lợi đâu? Vậy thì chủ thể phải là anh nhận tiền mà chưa đến mức bị xử lý hình sự", Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Hay hành vi mua chuộc, hối lộ nhưng mới qua "trung gian" mà chưa đến người nhận thì xử lý thế nào cũng phải cần làm rõ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ, nhất là về tác động, tính khả thi để UBTVQH yên tâm bấm nút thông qua dự thảo, nếu không thì ban hành ra "chỉ giải quyết được một khe rất hẹp".
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường, yêu cầu về biện pháp khắc phục còn gây băn khoăn về tính khả thi. Chẳng hạn, che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán có phạm vi, nội hàm rất lớn, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là rất khó. Một số trường hợp là không hưởng lợi, mà là vô tình.
Hay xử phạt không thực hiện một số kiến nghị kiểm toán là không thỏa đáng. "Vì đến giờ này nhiều kiến nghị kiểm toán không thực hiện được. Ví dụ, yêu cầu thu hồi doanh nghiệp này 50 triệu, doanh nghiệp kia 100 triệu mà giờ họ phá sản rồi thì làm sao thực hiện được...", ông minh chứng thêm.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 228 Trong tuần: 20240 Trong tháng 9653 Tất cả: 17103175