Chiều 13/2, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an tiếp bà Katherine Tai, Trưởng đại diện Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR)
Chào mừng bà Katherine Tai và Đoàn USTR sang thăm chính thức Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, chuyến thăm và làm việc này thể hiện thiện chí hợp tác và cam kết của Hoa Kỳ trong thảo luận, giải quyết các vấn đề về thương mại mà hai bên cùng quan tâm và duy trì, thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Việt Nam – Hoa Kỳ nói chung, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại nói riêng hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ trong năm nay.
Cùng với sự phát triển quan hệ chính trị, an ninh - quốc phòng, hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư được coi là một trong những lĩnh vực thành công nhất, đang trở thành trọng tâm, nền tảng, động lực phát triển cho quan hệ chung hai nước. Hoa Kỳ hiện là một trong số các đối tác thương mại hàng đầu, đồng thời là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu thế giới của Việt Nam. Để đạt được thành tựu như trên là nhờ sự chủ động, tầm nhìn chiến lược của Chính phủ hai nước và sự phối hợp tích cực, triển khai có hiệu quả của các cơ quan hữu quan Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó có USTR.
USTR thường xuyên thông qua Hội đồng TIFA Việt – Mỹ do Bộ Công Thương và USTR làm đồng Chủ tịch để cử các đoàn vào làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam nhằm giải quyết các quan tâm của phía Hoa Kỳ đối với Việt Nam trong quan hệ thương mại, đầu tư và tiếp cận thị trường.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, trong đó hợp tác kinh tế là lĩnh vực trụ cột. Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Việt Nam ủng hộ những nỗ lực làm sâu sắc quan hệ song phương, cũng như những cơ chế, sáng kiến hợp tác đa phương do Hoa Kỳ dẫn dắt có lợi cho việc đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới, khu vực trong đó có IPEF.
Trong 4 trụ cột của IPEF, các nội dung kinh tế số, chuỗi cung ứng, hạ tầng, năng lượng sạch đều là các lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam, giúp Việt Nam có thể phát triển kết nối đồng bộ với các nước trong khu vực nhưng Việt Nam cũng cần hỗ trợ giúp đỡ cụ thể trong tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ. Việt Nam là nước đang phát triển, các tiêu chuẩn môi trường và lao động đang từng bước cải thiện theo tiêu chuẩn của thế giới. Điều này đòi hỏi thời gian và lộ trình phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Bộ Công an Việt Nam khẳng định, việc hoạch định, triển khai các chính sách, qui định pháp luật của Việt Nam đảm bảo phù hợp với lợi ích, các điều ước quốc tế và khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Trong đó, vấn đề đảm bảo quyền lợi cho người lao động đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); việc lưu chuyển dữ liệu qua biên giới đảm bảo tin cậy và an toàn.
Để tạo đà, thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, thay mặt Bộ Công an Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị USTR tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối quan trọng giữa Chính phủ hai nước để tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.
Xem xét, đánh giá khách quan các vụ kiện thương mại đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ nhằm giảm bớt thiệt hại về kinh tế đối với những doanh nghiệp tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật của hai nước cũng như các quy tắc thương mại; đồng thời giảm bớt ảnh hưởng tới đời sống của một lượng lớn người lao động làm việc trong các ngành hàng đó.
Tái khởi động tổ chức cuộc họp về TIFA sau một thời gian gián đoạn do COVID-19. Tiếp tục tham vấn, hỗ trợ Việt Nam triển khai các cam kết đề ra giữa hai nước, nhất là về tiền tệ và gỗ; đề nghị USTR sớm có quyết định kết thúc chính thức vụ điều tra 301 về các vấn đề này. Tiếp tục đối thoại với Việt Nam về vấn đề kinh tế thị trường (MES), đồng thời xem xét áp dụng kinh tế thị trường theo ngành; đề nghị sớm tổ chức đối thoại tiếp theo về vấn đề này thời gian tới.
Xem xét, hỗ trợ và tạo điều kiện về tài chính, công nghệ, phát triển nhân lực trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu ưu tiên phát triển như kinh tế số, công nghệ cao, năng lượng sạch, y tế, môi trường, cơ sở hạ tầng,... Nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương về phòng, chống tin giả, đặc biệt trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội phát triển rất mạnh, kết hợp với những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI)...
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thực thi pháp luật các nước, trong đó có Việt Nam trong công tác điều tra, trao đổi, xác minh thông tin các vụ án kinh tế có yếu tố nước ngoài thông qua kênh tương trợ tư pháp về hình sự. Tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm kinh tế; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế như buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, v.v. làm tác động và ảnh hưởng đến quan hệ thương mại hai nước…
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Tô Lâm đã dành thời gian tiếp, bà Katherine Tai nhấn mạnh: Quan hệ thương mại song phương Hoa Kỳ - Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ tháng 9/2020 đến nay và sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tiếp theo. Hoa Kỳ cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Hoa Kỳ đã đề cập một số nội hàm cơ bản trong khuôn khổ hợp tác kinh tế Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Trong đó phải xây dựng sự tin cậy giữa các đối tác, tăng cường chuyển giao công nghệ số, ngăn chặn hoạt động thương mại không công bằng, tăng cường phục hồi thương mại số cho các quốc gia trong khu vực.
Đại diện USTR bày tỏ vui mừng trước sự tiến bộ của công nghệ trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đề nghị hai bên cử chuyên gia làm việc trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ để thúc đẩy hợp tác.
Nguồn: cand.com.vn-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 6224 Trong tuần: 45716 Trong tháng 35146 Tất cả: 17128657