Sáng 4/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, dự và phát biểu chỉ đạo tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Sự kiện được kết nối trực tuyến tới 63 chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu tại sự kiện, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành ngân hàng do Thống đốc là Trưởng Ban Chỉ đạo; phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 11/5 được chọn là Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Kế hoạch được xây dựng, tiếp cận theo hướng đặt người dân, khách hàng ở vị trí trung tâm, với các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025, như 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa, 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động...
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao của NHNN Việt Nam, của ngành ngân hàng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển, là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế. Do đó, chúng ta phải có cách tiếp cận toàn dân, người dân là trung tâm thì mọi hoạt động chuyển đổi số phải hướng tới người dân, người dân là chủ thể, được tham gia và hưởng lợi. Có như vậy thì chuyển đổi số mới thành công.
Thủ tướng đánh giá lãnh đạo NHNN và toàn ngành ngân hàng đã nhận thức rõ và chỉ đạo, triển khai quyết liệt trong vấn đề này nhằm chuyển đổi nhiều hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ sang môi trường số, đạt nhiều kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
NHNN cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng nêu rõ, quá trình chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, vướng mắc, nhất là về định danh, xác thực điện tử…; kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin còn bất cập, kết nối, khai thác dữ liệu dân cư, bảo hiểm, thuế… còn ở phạm vi hẹp; sự tham gia phối hợp các doanh nghiệp công nghệ tài chính còn hạn chế; tội phạm công nghệ cao với hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn; các nguồn lực, nhất là nhân lực trình độ cao cho chuyển đổi số còn thiếu hụt, trong đó có nhân lực công nghệ thông tin.
Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động sâu rộng tới các quốc gia. Nêu rõ cần xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, Thủ tướng nhấn mạnh một số yêu cầu đặt ra như thúc đẩy thay đổi tư duy, phương pháp luận, phương thức làm việc của ngành ngân hàng theo hướng hiện đại; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, phát triển xã hội số, kinh tế số, tiết giảm chi phí, bảo đảm an toàn, đổi mới, phát triển; đẩy mạnh tích hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số.
Về thúc đẩy triển khai Đề án 06, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN và các bộ, ngành liên quan để tích hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số mang lại giá trị mới và lợi ích mới thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với Đề án 06, NHNN cần đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến ngành Ngân hàng trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thủ tướng cũng yêu cầu một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó phải chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn, bao gồm an ninh, an toàn hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng, dữ liệu cá nhân; cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu, kết nối theo chuẩn; tăng cường kiểm tra, giám sát; phân tích dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn cho toàn bộ hệ thống, cũng như phòng chống tội phạm, rửa tiền do hiện nay xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, khi hoàn thành dự án thu thập dữ liệu dân cư quốc gia và cấp, gắn chip định danh điện tử, chúng ta có một kho tài nguyên thông tin. “Thực tế, nếu chúng ta không thực hiện chuyển đổi số ngân hàng, thì các đối tượng tiếp tục lợi dụng 5 nhóm hành vi phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng, bao gồm giả mạo giấy tờ, xâm nhập hệ thống, lừa đảo khách hàng… Số lượng tiền đã được thống kê lên tới nhiều nghìn tỷ.
Trong thời gian tới, việc đặt người dân làm trung tâm để phục vụ là rất trúng và đúng. Với nhiệm vụ được Thủ tướng giao tại Đề án 06, Bộ Công an sẵn sàng tiếp tục phối hợp với ngân hàng để làm sao tạo những bước đi thiết thực, đem lại lợi ích cho người dân, cho xã hội hiệu quả hơn.
Thứ nhất, chúng tôi sẽ cùng với ngân hàng xác thực làm sạch kho dữ liệu của ngân hàng có từ trước tới nay. Việc này chúng tôi đã làm thành công khi phối hợp với Bảo hiểm Xã hội dưới sự cho phép của Thủ tướng.
Thứ hai, chúng ta có thể xác thực sinh trắc học vân tay, mẫu mắt để đảm bảo độ tin cậy cao đối với khách hàng trong giao dịch.
Thứ ba, dùng tài khoản định danh điện tử để thay thế cho tài khoản tạo lập của khách hàng, giúp giảm tình trạng giả mạo”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nói.
“Một vấn đề chúng tôi rất trăn trở là hoạt động của tín dụng đen. Hành vi phạm tội này đang gây ra nhiều bức xúc trong xã hội, thậm chí đã xảy ra những vụ án thương tâm. Thời gian qua, ngân hàng đã đồng hành với Bộ Công an để kiểm soát, không cho tội phạm tín dụng đen hoành hành. Từ giờ đến hết tháng 8, Thủ tướng phê duyệt xong 2 nghị định về xác thực định danh và bảo vệ dữ liệu, chúng ta có thể kết nối và vấn đề tín dụng cũng như thế chấp tài sản được quản lý tốt hơn, từ đó hạn chế hoạt động của tội phạm tín dụng đen. Ngành ngân hàng cần tập trung phối hợp với Bộ Công an dựa trên nguyên tắc: Bảo đảm các văn bản pháp luật, đơn giản thủ tục; độ tin cậy, giải pháp bảo mật cao nhất; tạo niềm tin cho xã hội, doanh nghiệp và người dân khi ứng dụng tiện ích, hạn chế tối đa rủi ro trên môi trường điện tử”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 10182 Trong tuần: 51354 Trong tháng 113483 Tất cả: 17207038