Bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn
Ngày 4/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V. Tham dự hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng với sự tham gia của khoảng 600 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể ở Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Kể từ sau Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV năm 2015 đến nay, công tác bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ từ chủ trương, giải pháp đến nhận thức và tư duy hành động.
Vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.
Bên cạnh những thành công đạt được, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra những tồn tại, hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, làng nghề; một số sự cố môi trường vẫn xảy ra; việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, bài học thành công từ phòng chống đại dịch vừa qua cho thấy, chúng ta chỉ có thể đảo ngược xu thế gia tăng ô nhiễm, suy giảm các hệ sinh thái khi có sự chung tay, đoàn kết, sẻ chia quốc tế dựa trên nguyên tắc công lý, công bằng giữa các quốc gia và quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị; trong đó Nhà nước cần kiến tạo thể chế; doanh nghiệp và người dân sẽ đóng vai trò trung tâm như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định “Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân”.
Với ý nghĩa đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn chủ đề của Hội nghị năm nay là “Hài hoà phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững” như một lời kêu gọi mạnh mẽ về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ môi trường, ngăn chặn sự suy thoái của đa dạng sinh học vì cuộc sống hài hòa với thiên nhiên và cho một tương lai bền vững hơn.
Giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường
Phát biểu tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo các địa phương chú trọng tăng phủ cây xanh tại các đô thị, không chuyển đổi đất quy hoạch cây xanh sang mục đích khác. Theo Phó Thủ tướng, ngoài việc chú trọng trồng rừng để hướng đến mục tiêu đặt ra, cần chú trọng trồng cây xanh trong đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn, đông dân. Phó Thủ tướng nói và yêu cầu các địa phương, trong công tác quy hoạch cần chú trọng việc dành quỹ đất cây xanh theo đúng Luật Quy hoạch, đảm bảo đúng tiêu chuẩn đã quy định. Phó Thủ tướng cũng nêu thực tế, nhiều đô thị ban đầu quy hoạch diện tích đất cây xanh nhưng trong quá trình phát triển đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đánh giá cao kết quả của ngành môi trường đạt được trong 5 năm qua, song Phó Thủ tướng cũng cho rằng môi trường còn nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết như vấn đề kiểm soát khói bụi của các nhà máy, vấn đề xử lý nước thải các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Vẫn còn tình trạng nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp đầu tư đầy đủ hệ thống xử lý khí thải, nước thải nhưng do tiết kiệm chi phí mà trốn tránh vận hành. Tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông cá nhân còn rất lớn. Phó Thủ tướng chỉ đạo trong 5 năm tới, cần giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp. Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế, thực hiện các giải pháp thông minh để thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông, lâm, ngư nghiệp và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ngoài các vấn đề vĩ mô, các địa phương cần triển khai những giải pháp cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân như nhanh chóng di dời các nhà máy ô nhiễm ra khỏi khu vực nội đô. Các địa phương, tùy vào đặc điểm cần lập danh sách các danh mục ngành nghề thu hút đầu tư và các danh mục ngành nghề không chấp nhận đầu tư. Đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương cần phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về môi trường để theo kịp sự phát triển của lĩnh vực. Đồng thời huy động tổng lực các nguồn đầu tư cho môi trường. “Bên cạnh nguồn xã hội hóa, các địa phương cũng phải ưu tiên nguồn ngân sách cho lĩnh vực này”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 1611 Trong tuần: 7 Trong tháng 27208 Tất cả: 16176514