Sáng nay (6/6), thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Gần 3.000 ha đất dành cho 3 dự án giao thông
Theo đó, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài hơn 188 km. Dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, đảm bảo tốc độ khai thác 80 km/h và thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 44.600 tỷ đồng. Nguồn vốn được Chính phủ đề xuất từ nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; nguồn vốn ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 43/2002 của Quốc hội; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 và ngân sách địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, việc thực hiện đầu tư đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giúp đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam của vùng, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển vùng, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo. “Ba dự án thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được phê duyệt. Tổng diện tích đất chiếm dụng của dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột khoảng 938 ha; dự án Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng 519 ha, dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng 1.205 ha” -Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, dự án có tổng mức đầu tư gần 18.000 tỷ đồng, tổng chiều dài khoảng 53,7 km, sau hoàn thành sẽ giải quyết ách tắc giao thông trên QL51. Dự án chuẩn bị đầu tư năm 2022, khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025. Chính phủ đề xuất phân kỳ đầu tư với quy mô 4 - 6 làn xe.
Nguồn vốn dự án từ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã dự kiến phân bổ cho Bộ GTVT, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021, nguồn ngân sách địa phương; năm 2026 từ nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.
"Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nối Cảng hàng không Quốc tế Long Thành phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, tạo tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung. Đồng thời, rút ngắn thời gian đi lại từ TP Biên Hòa đến Vũng Tàu từ khoảng 2 giờ hiện nay xuống còn khoảng 1 giờ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể báo cáo.
Liên quan đến dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, điểm đầu tại nút giao giữa QL26B và QL1, khu vực cảng Nam Vân Phong. Điểm cuối tại vị trí giao cắt đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột. Tổng chiều dài khoảng 117,5 km. Thực hiện chuẩn bị đầu tư từ 2022, cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào 2026.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 21.935 tỷ đồng. Nguồn vốn từ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã dự kiến phân bổ cho Bộ GTVT, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021, nguồn ngân sách địa phương; năm 2026 và năm 2027 từ nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.
Đề xuất các địa phương bố trí một phần ngân sách tham gia dự án
Về hình thức đầu tư đối với 3 dự án trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, Chính phủ kiến nghị áp dụng hình thức đầu tư công. Sau khi hoàn thành, sẽ thu phí để hoàn trả phần vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho dự án.
Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Thủ tướng sẽ xem xét phân cấp cho một số địa phương làm chủ quản đầu tư dự án thành phần, dự kiến mỗi địa phương làm cơ quan chủ quản của một dự án thành phần. Địa phương được Thủ tướng phân cấp làm cơ quan chủ quản có trách nhiệm quyết định đầu tư dự án thành phần; bố trí đủ phần vốn đã cam kết tham gia đầu tư dự án bảo đảm tiến độ.
Bộ GTVT thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành sẽ là cơ quan chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở bảo đảm thống nhất về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các dự án thành phần phân cấp cho địa phương chủ quản đầu tư; tiếp nhận quản lý, vận hành khai thác đối với các dự án thành phần phân cấp cho các địa phương; xây dựng phương án nhượng quyền để thu hồi toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đề nghị áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù như cho phép Thủ tướng, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình, các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định tại khoản này đến khi hoàn thành dự án. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Cho phép Thủ tướng xem xét, quyết định việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình trên cơ sở đã sử dụng tối đa năng lực của Bộ GTVT.
Cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc chương trình.
Để đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm và tăng tính chủ động cho các địa phương trong quá trình đầu tư các công trình hạ tầng quốc gia, Chính phủ kiến nghị trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công, tương tự cơ chế chính sách đối với Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 44/2002/QH15.
Hiện nay, ngân sách trung ương đang phải cân đối cho nhiều dự án quan trọng quốc gia trong khi các địa phương là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, tăng nguồn thu từ khai thác quỹ đất, phát triển kinh tế. Vì vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép các địa phương được bố trí một phần ngân sách địa phương để tham gia đầu tư dự án.
Đề nghị làm rõ cơ chế hoàn trả đối với tỷ lệ vốn góp của ngân sách
Nhất trí với sự cần thiết đầu tư 3 dự án này với những lý do đã nêu tại tờ trình Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc đầu tư các tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ tính cấp thiết, khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng đối với lạm phát, khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nếu triển khai theo phương thức đối tác công tư sẽ không bảo đảm được tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 để khai thác đồng bộ với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cảng biển Cái Mép - Thị Vải và góp phần giải quyết tình trạng quá tải của các tuyến đường giao thông hiện hữu đang ảnh hưởng rất lớn đến ATGT và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương liên quan, vì vậy, Ủy ban kinh tế Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ.
Về tổng mức đầu tư, Ủy ban kinh tế Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ suất đầu tư và so sánh với các dự án cao tốc tương tự để làm rõ sơ bộ tổng mức đầu tư của các dự án này. Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, giá các loại vật tư, nhiên liệu tăng cao, do đó cần lưu ý, xem xét, tính toán dự phòng trong tổng mức đầu tư. Đồng thời, cần báo cáo, làm rõ hơn các chi phí thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lúa. Ủy ban kinh tế đề nghị báo cáo, làm rõ các ý kiến trên.
Chính phủ dự kiến sau khi các dự án này hoàn thành sẽ thực hiện nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách nhà nước, tuy nhiên, đề nghị làm rõ cơ chế hoàn trả đối với tỷ lệ vốn góp của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Đồng thời, đến nay cơ chế nhượng quyền thu phí, tổ chức thu phí các dự án đường cao tốc do Nhà nước đầu tư vẫn chưa được ban hành theo quy định. Vì vậy, Ủy ban kinh tế đề nghị cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về thu phí để bảo đảm thực hiện thành công việc nhượng quyền thu phí.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 10807 Trong tuần: 20279 Trong tháng 171199 Tất cả: 17264762