Tham dự diễn đàn có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TƯ; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ. Dự Diễn đàn còn có một số đồng chí Ủy viên TƯ Đảng cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành.
Các phiên hội thảo tại Diễn đàn còn có sự tham dự của 1.200 đại biểu là lãnh đạo một số Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán và đại diện nhiều tổ chức quốc tế; lãnh đạo sở ngành, địa phương cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các hiệp hội, đại diện cộng đồng doanh nghiệp…
Trước khi bước vào phiên họp toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao, các chuyên gia, nhà khoa học cùng đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế và trong nước đã tham dự 3 hội thảo chuyên đề. Các Hội thảo chuyên đề đã tập trung thảo luận chuyên sâu về những vấn đề cốt lõi nhằm nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thiết thực, hiệu quả. Tại các hội thảo chuyên đề, đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng cao được các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện cơ quan quản lý chuyên ngành nêu ra. Đặc biệt là về đánh giá những nút thắt trong phát triển, đề xuất các giải pháp tháo gỡ để nền kinh tế Việt Nam tận dụng được cơ hội và vượt qua những thách thức, phát triển bền vững trong thời gian tới...
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế TƯ, Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng với những kết quả nổi bật sau 35 năm Đổi mới. Việt Nam đã vươn lên thành trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 2.779 USD vào năm 2020 và là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước. Chúng ta đã ký kết và tham gia 15 hiệp định Hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
“Để đạt được những thành tựu trên, nhân tố then chốt là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, đồng chí Trần Tuấn Anh khẳng định.
Tại phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao, sau khi nghe các chuyên gia trong nước và đại diện các tổ chức quốc tế cùng lãnh đạo một số bộ ngành thuyết trình, khuyến nghị, đối thoại về những vấn đề liên quan đến kinh tế toàn cầu và những xu hướng lớn về hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay, phát biểu kết luận tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Thủ tướng khẳng định, xây dựng nền kinh tế tự chủ, hội nhập sâu rộng là chủ trương đúng đắn, xuyên suốt, khách quan và hiệu quả của Đảng, Nhà nước.
Đi sâu phân tích mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế sâu rộng, Thủ tướng cho rằng đây là một trong những thực tiễn khách quan và nhu cầu tất yếu hiện nay, song vấn đề là phải thực chất, hiệu quả. Hội nhập sâu rộng cũng chính là để sớm giải quyết được những vấn đề nội tại của đất nước.
Nhắc đến những thách thức đang nổi lên, Thủ tướng khẳng định, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng tâm thế bởi lúc nào cũng có khó khăn, nên cần tự tin nhưng không chủ quan. Để nâng cao sức chống chịu và khả năng chống chịu của nền kinh tế với các tác động từ bên ngoài, đồng thời giảm rủi ro cho nền kinh tế, Thủ tướng đề nghị cần đa dạng hóa thị trường mạnh mẽ hơn. Lĩnh vực cung ứng nguyên liệu sản xuất, ngành công nghiệp nền tảng trong nước cần có sự cố gắng hơn nữa.
Cho rằng cần cụ thể hóa các mục tiêu về công nghiệp luyện kim, chế biến chế tạo, công nghiệp - công nghệ sau thu hoạch, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…, Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung xây dựng cơ chế để chuyển hóa sức mạnh nội sinh của đất nước cùng với chính sách huy động mọi nguồn lực trong xã hội, nguồn lực từ bên ngoài để phát triển. Nhưng xuyên suốt trong quá trình hội nhập, phải lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, làm trung tâm cho phát triển. Vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho người dân phải được đặt lên hàng đầu, không hy sinh vấn đề môi trường, an sinh xã hội vì tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Nói về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần quyết liệt cùng Chính phủ xây dựng cơ chế linh hoạt để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng như nỗ lực đảm bảo được những cân đối lớn, nhất là cân đối về năng lượng và chuỗi cung ứng về lao động. Đồng thời tiếp tục giữ ổn định trật tự an toàn xã hội, môi trường đầu tư, môi trường pháp lý, hạ tầng chiến lược. Đồng thời cần làm tốt việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Làm tốt việc này không chỉ giúp huy động nhiều nguồn lực trong xã hội, mà còn phát huy vai trò nóng cốt của doanh nghiệp trong và ngoài nước phục vụ quá trình phát triển.
“Việt Nam mong muốn là bạn tốt, là đối tác tin cậy, sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân. Việt Nam luôn luôn kiên định đường lối đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Đồng thời cam kết tạo môi trường kinh doanh ổn định để hợp tác lâu dài với đối tác”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 747 Trong tuần: 21884 Trong tháng 172806 Tất cả: 17266366