Dự phiên họp có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Cùng dự phiên họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương.
Phiên họp này, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cho ý kiến về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành án hình sự và cho ý kiến vào Báo cáo kết quả hoàn thiện Đề án các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nh
ân luật theo kết luận của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo trong các phiên họp trước.
Về Đề án các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật, một số thành viên dự họp đề nghị, cần mạnh dạn xây dựng quy hoạch lại mạng lưới đào tạo cử nhân luật, đưa ra các tiêu chí cao hơn.
Cần có cơ quan chủ trì xây dựng mạng lưới quy hoạch các cơ sở đào tạo về luật, có lộ trình rõ ràng, khoa học, khả thi. Cần bổ sung điều kiện chia tách, thành lập mới các cơ sở đào tạo cử nhân luật; có biện pháp xử lý đối với các đơn vị đào tạo luật không đạt chuẩn…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương nhấn mạnh nâng cao chất lượng đào tạo luật là một vấn đề cấp bách hiện nay, phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Và đây là lần thứ ba trong một năm rưỡi qua Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cho ý kiến về đề án các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật, do Bộ Giáo dục và Đào tạo dự thảo.
Cho rằng Đề án triển khai chậm tiến độ và thiếu tính khả thi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung hoàn thiện đề án.
Theo Chủ tịch nước đề án chưa tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, nhất là yêu cầu chặt chẽ về việc nâng cao chất lượng cử nhân luật chưa được thể hiện rõ.
Hiện có tới gần 100 cơ sở đào tạo về luật nhưng nhiều đơn vị không đủ giảng viên, cơ sở vật chất.
Chủ tịch nước nhắc lại Nghị quyết số 48 về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị là phải tập trung vào hai trường trọng điểm gồm Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.
Nêu các tồn tại đó, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương yêu cầu có các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, chặt chẽ, tăng cường kiểm soát. Mạnh dạn, kiên quyết trong quy hoạch mạng lưới, giáo trình, giáo án, tiêu chuẩn đầu vào, đầu ra, giáo viên cơ hữu...
Chủ tịch nước nhắc lại tinh thần từ phiên họp trước của Ban Chỉ đạo giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thành viên của Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp thay mặt Ban Chỉ đạo thẩm định kỹ lưỡng, chặt chẽ vấn đề đào tạo cử nhân luật để trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam với tinh thần "quý hồ tinh bất quý hồ đa"; phục vụ tốt hơn sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng của Việt Nam.
Đối với công tác thi hành án hình sự, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ đây là vấn đề hệ trọng, cần tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cũng nhắc lại 14 nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo năm 2022, yêu cầu các thành viên thực hiện theo nhiệm vụ được phân công, trong đó, một nhiệm vụ trọng tâm là thành lập một số đoàn công tác do Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực của Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đi khảo sát về tình hìnhcông tác tư pháp và cải cách tư pháp tại một số cơ quan trung ương, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan tư pháp, qua đó kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ.
* Chiều cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto.
Chủ tịch nước hoan nghênh Ngài Prabowo Subianto, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia và Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Indonesia sang thăm chính thức Việt Nam và dự SEA Games 31.
Chuyến thăm góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương ngày càng thực chất, hiệu quả, đóng góp tích cực vào quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển của mỗi nước, khu vực và trên thế giới và tăng cường lòng tin giữa hai nước.
Chủ tịch nước đánh giá cao kết quả hội đàm giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng và vui mừng nhận thấy quan hệ quốc phòng song phương tiếp tục phát triển. Hai nước có những biện pháp tăng cường xây dựng vững chắc lòng tin chính trị; triển khai đầy đủ, hiệu quả, thiết thực các văn bản hợp tác đã ký kết, tăng cường hợp tác giữa các quân, binh chủng, đặc biệt là trao đổi thường xuyên, kịp thời phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh trên biển giữa lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển hai nước; trao đổi thông tin tình báo, công nghiệp quốc phòng, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Đề cập các cơ chế như Đối thoại Chính sách Quốc phòng đã góp phần quan trọng trong trao đổi quan điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ hợp tác và kịp thời định hướng quan hệ quốc phòng song phương, Chủ tịch nước đề nghị Bộ Quốc phòng hai nước cần tăng cường tham vấn, ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn đa phương và duy trì lập trường chung của ASEAN trong các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Indonesia, đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu tại khu vực và luôn thúc đẩy quan hệ với Indonesia phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững và lâu dài, toàn diện trên các lĩnh vực như kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân.
Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của Indonesia phát huy vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN. Đặc biệt là vai trò tích cực của Indonesia trong thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm về Myanmar do Lãnh đạo ASEAN thông qua tháng 4/2021.
Việt Nam cam kết sẽ ủng hộ Indonesia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023, mong muốn Indonesia tích cực đóng góp xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, phát triển, gìn giữ hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải khu vực, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị với sự nhất trí cao giữa Chủ tịch nước và Tổng thống Joko Widodo, hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết các vấn đề trên biển, nhất là tạo cơ chế thường xuyên, kịp thời để giải quyết các vấn đề phát sinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto gửi lời chào trân trọng của Tổng thống Joko Widodo tới Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công lễ khai mạc Sea Games 31.
Bộ trưởng Prabowo Subianto khẳng định Indonesia luôn coi trọng mối quan hệ với Việt Nam; đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ, khâm phục nhân dân Việt Nam đã nỗ lực giành chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.
Nhất trí với đề nghị của Chủ tịch nước, sau chuyến thăm này, Indonesia sẽ tăng cường hợp tác với hải quân và cảnh sát biển Việt Nam để cùng giải quyết các vấn đề trên biển. Bên cạnh đó, Indonesia cũng mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng, về phát triển nghề cá và nông nghiệp. Bộ Quốc phòng Indonesia sẵn sàng hợp tác với Bộ Quốc phòng Việt Nam về đào tạo trong lĩnh vực công nghệ và quân y.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3194 Trong tuần: 64047 Trong tháng 214975 Tất cả: 17308537