Sáng 12/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 3 TP HCM có buổi tiếp xúc với cử tri Quận 5, Quận 8, Quận 11 trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Dự buổi tiếp xúc có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, cuộc tiếp xúc hôm nay đa dạng về thành phần, về tôn giáo, về dân tộc và nhiều cảm xúc. Các cử tri của 3 quận, dù thành phần nào thì cũng đều nêu cao một tinh thần coi Việt Nam là Tổ quốc thân yêu của mình, dù là người Hoa, dù là người Chăm, dù là đạo Hồi hoặc không theo đạo nào. Đặc biệt, cử tri cũng bày tỏ tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kể cả chính sách đối ngoại và ủng hộ những chủ trương, biện pháp của TPHCM đã triển khai thời gian qua, trong phòng, chống COVID-19, trong công tác đối ngoại, kể cả vấn đề Biển Đông.
Theo Chủ tịch nước, cử tri ca ngợi, ủng hộ những chính sách của Thành phố thời gian qua, trong phát triển hạ tầng, kể cả phát triển sản xuất, mở rộng dân chủ, nhất là những vấn đề về hậu COVID-19 mà Thành phố đang triển khai. Không những nêu lên kết quả quan trọng Thành phố đạt được, cử tri còn đưa ra những vấn đề khó khăn đang vấp phải hiện nay trong từng phường, từng quận.
"Tôi rất cảm động khi nhiều cử tri tuy đã về hưu nhiều năm những vẫn một lòng làm việc để đóng góp xây dựng phong trào ở địa phương", Chủ tịch nước nói và cho biết thêm, cử tri lo lắng về các lĩnh vực như giáo dục, y tế, hạ tầng, quy hoạch treo, quyền sử dụng đất, tổ chức giao thông, cải cách hành chính, nhất là về vấn đề xã hội như bạo hành gia đình, trẻ em đuối nước, bệnh tật sau COVID-19, quản lý tiền công đức ở cơ sở tôn giáo, chính sách dân tộc cho con em người Hoa, người Chăm có điều kiện học hành và quyền lợi của người phụ nữ; lo lắng về an ninh mạng ảnh hưởng đến an ninh trật tự của Thành phố, về cải cách hành chính tạo thuận lợi cho người dân làm ăn. Cử tri cũng quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống tham nhũng tiêu cực, vấn đề chuyển đổi số, đoàn kết dân tộc, xây dựng luật pháp, quan tâm đến gia đình người có công, người tù chính trị. Những quan tâm sâu lắng ấy đã làm cho buổi tiếp xúc cử tri hết sức đa dạng, phong phú.
"Trong cuộc tiếp xúc này, chúng ta đang đề cập đến một vấn đề rất lớn trong xã hội, đó là phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương phép nước để phát triển bền vững, trong đó TPHCM là thành phố dẫn đầu. Chúng tôi rất thấm thía 22 ý kiến của cử tri. Tôi đánh giá cao phát huy dân chủ của các quận trong buổi tiếp xúc hôm nay", Chủ tịch nước nêu rõ.
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước đã nêu một số vấn đề lớn của đất nước và của TPHCM đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch. TPHCM có truyền thống năng động, phát triển dẫn đầu cả nước, vì thế, trong giai đoạn mới, Thành phố càng năng động hơn, phát triển dẫn đầu hơn, toàn diện hơn, không chỉ kinh tế-xã hội mà cả quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững; là thành phố dẫn đầu trong kinh tế, văn hóa, an ninh trật tự, phát triển công nghệ, đặc biệt là nâng cao mức sống của người dân.
Cũng theo Chủ tịch nước, là siêu đô thị với trên 10 triệu dân thì Thành phố sẽ gặp rất nhiều khó khăn về hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội cho nên mỗi phường, quận, mỗi người dân đều có trách nhiệm trong việc phát triển để đóng góp cho Thành phố.
Để làm được như vậy, Chủ tịch nước lưu ý Thành phố cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các chương trình tái cấu trúc kinh tế đã được phê duyệt. Thành phố nên chủ động hướng đến mô hình nền kinh tế sáng tạo, những mô hình kinh tế mới cần áp dụng mạnh mẽ hơn, kể cả một trung tâm tài chính quốc gia được đặt ở TPHCM để hội nhập quốc tế sâu rộng. Chính vì thế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính cho đến từng người dân, từng doanh nghiệp; điều hành hiệu lực, hiệu quả; đầu tư mạnh hạ tầng CNTT, giao thông, viễn thông, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là những vấn đề này không chỉ cử tri quan tâm mà còn là yêu cầu của Đảng Nhà nước đối với Thành phố.
Thành phố cần huy động nguồn lực trong xã hội, chủ động hợp tác công tư, tháo gỡ những nút thắt trong phát triển những dự án. Chính vì vậy, công tác về quy hoạch đô thị, phù hợp với mục tiêu phát triển đô thị hiện đại là rất cấp bách đối với Thành phố.
Thành phố cần tiếp tục giải quyết rốt ráo từ cơ sở các khiếu nại, tố cáo, quan tâm chỉ đạo những vụ án gây bức xúc xã hội như bạo hành trẻ em, bạo hành phụ nữ, đày đọa người cao tuổi…
Thành phố cũng cần đi trước các địa phương khác trong tiến bộ và công bằng xã hội, quan tâm đến người già, người có công, tù chính trị, những người khó khăn trong xã hội…
"Chúng tôi mong muốn với nhiệm vụ đầu tàu đất nước, Thành phố sẽ rà soát lại nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch 6 tháng đầu năm và đưa ra nhiệm vụ 6 tháng cuối năm để hoàn thành kế hoạch năm nay, đóng góp vào việc thực hiện kế hoạch chung của đất nước. Đây là mong mỏi của cử tri, Quốc hội, Đảng, nhà nước ta", Chủ tịch nước nêu rõ.
Tại buổi tiếp xúc, các cư tri bày tỏ vui mừng trước những kết quả tích cực của công tác an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố đã giúp cho người dân gặp khó khăn, đối tượng yếu thế trong đợt dịch bệnh vừa qua ổn định cuộc sống.
Cử tri Trần Cẩm Nga, người Hoa ở đơn vị Phường 8, Quận 5 bày tỏ, từ sau giải phóng, Đảng, Nhà nước rất chú trọng vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Thành phố cũng luôn quan tâm đến những gia đình người Hoa khó khăn, bố trí nhà cửa cho ở. Con em người Hoa được chăm lo việc học tập, công việc. Cử tri Nga mong muốn được giữ gìn chữ Hoa, tiếng Hoa và kiến nghị tổ chức một số trường dạy song ngữ Việt-Hoa để con em người Hoa giữ gìn được bản sắc, văn hóa.
Còn cử tri đai diện dân tộc Chăm ở Quận 5 thì nêu vấn đề: Dân số cử tri dân tộc Chăm ở TPHCM là 7.500 người, tuy nhiên, chưa có trường mầm non bán trú trông giữ con em người Chăm vì người Chăm theo đạo Hồi, kiêng thịt heo. Vì vậy, phụ nữ người Chăm phải ở nhà trông con, không có việc làm. Cử tri này kiến nghị thành lập trường mầm non bán trú, tiếp nhận và dạy nghề cho phụ nữ người Chăm để họ có kiến thức và trông giữ con em họ.
Ngoài ra, do trình độ học vấn của học sinh người Chăm chậm hơn học sinh khác nên kiến nghị cho con em người Chăm được vào trường dự bị đại học trước khi vào học đại học.
Ngoài ra, các cử tri cũng bày tỏ ý kiến về những dự án, hạ tầng giao thông chậm tiến độ hoặc những dự án treo, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân; các vấn đề về sách giáo khoa, đào tạo tiến sĩ; vấn đề nâng cao y tế cơ sở
Tại buổi tiếp xúc, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cảm ơn, ghi nhận các ý kiến của cử tri.
Liên quan đến chế độ chính sách cho người dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Hoa, dân tộc Chăm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, hiện trên địa bàn 4 quận: 5, 6, 8, 11 đã có các trường tiểu học, THCS, THPT dạy ngôn ngữ 2, là tiếng Hoa. Có 20 trường, trong đó 10 trường tiểu học, 5 trường THCS, 5 trường THPT dạy tăng cường tiếng Hoa. Riêng tại Quận 5, có 4 trường tiểu học, 2 trường THCS, 2 trường THPT dạy tiếng Hoa.
"Chúng tôi rất ghi nhận và sẽ quan tâm hơn nữa nhu cầu chính đáng của bà con người Hoa trong việc được duy trì và phát triển ngôn ngữ Hoa cũng như văn hóa dân tộc mình. Trên địa bàn các quận: 5, 6, 11 có rất nhiều hoạt động văn hóa, di tích lịch sử liên quan đến người Hoa. Thành phố luôn trân trọng, tạo điệu kện phát triển, như lễ hội Tết Nguyên tiêu đã được nâng cấp thành lễ hội cấp Thành phố, vừa rồi được tổ chức rất thành công, mang lại niềm vui cho người dân", ông Dương Anh Đức cho biết.
Liên quan đến vấn đề người Chăm, ông Dương Anh Đức bày tỏ, Thành phố luôn tôn trọng quy định của tất cả các đạo chính thống trên địa bàn. Hiện nay, đúng là chưa có trường mầm non dành cho các cháu dân tộc Chăm theo đạo Hồi. Thành phố ghi nhận đầy đủ điểm đặc biệt về nhu cầu của các bé để có thể phục vụ phù hợp và sẽ có góp ý đối với Bộ GD&ĐT, Chính phủ để có chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho tất cả con em người Chăm có điều kiện phát triển.
Vấn đề y tế cơ sở cũng được Thành phố ưu tiên quan tâm. Với sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Thành phố đã thực hiện các chính sách như đưa 300 bác sĩ về thực tập trực tiếp tại các trạm y tế 312 phường, xã, thị trấn. HĐND Thành phố cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, bổ sung cho y tế cơ sở.
Thành phố cũng có kiến nghị Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh quy định pháp luật phù hợp để mở rộng năng lực y tế cơ sở: Có chính sách đối với bác sĩ mới ra trường, được phép dành 1/3 thời gian tham gia trạm y tế để củng cố kiến thức, tay nghề.
Về hạ tầng và giao thông, theo ông Dương Anh Đức, lãnh đạo Thành phố sẽ ghi nhận các ý kiến của cử tri. Hiện Thành phố đã có các biện pháp cụ thể như: Thành lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn; họp với các sở, ngành tháo gỡ từng dự án. Ông Dương Anh Đức bày tỏ mong muốn bà con có sự chia sẻ, nhu cầu tại Thành phố rất lớn nhưng do khó khăn về ngân sách nên các dự án sẽ được thực hiện theo lĩnh vực ưu tiên. Thành phố sẽ vận dụng tối ưu hỗ trợ của Trung ương để thực hiện các dự án.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 4265 Trong tuần: 65121 Trong tháng 216049 Tất cả: 17309611