Sáng 15/11, ngay sau khi dự Ngày hội Đại đoàn kết với đồng bào các dân tộc tại khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.
Cùng dự cuộc làm việc có đồng chí Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đồng chí Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng chí Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Nút thắt lớn nhất về giao thông chưa được tháo gỡ
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh cho biết, ngay từ đầu năm, tỉnh đã chủ động, quyết tâm, quyết liệt, khẩn trương triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.
Trong đó, tỉnh xác định 3 chương trình trọng tâm về xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; về phát triển kết cấu hạ tầng; về xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Tỉnh cũng xây dựng kế hoạch thực hiện 3 nội dung đột phá chiến lược về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, từng bước đưa du lịch - dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn; về phát triển nông nghiệp thông minh, theo hướng sản xuất hàng hóa; về phát triển kinh tế cửa khẩu, xây dựng Cao Bằng thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế…
Kết quả, tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2021 ước tăng 4,1%, giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng gần 12% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tăng 32%; giải ngân 11 tháng ước đạt 68%. Tỉnh triển khai quyết liệt công tác phòng chống dịch, đến ngày 14/11 mới ghi nhận 12 ca mắc COVID-19 đều trở về từ các địa phương có dịch, được cách ly ngay, không có ca thứ phát trong cộng đồng. Tỉnh xác định thuộc cấp độ 1- nguy cơ thấp về dịch bệnh, tương ứng với vùng xanh.
Tuy nhiên, kinh tế Cao Bằng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển. Điểm nghẽn, nút thắt lớn nhất về kết cấu hạ tầng giao thông chưa được tháo gỡ. Chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực còn hạn chế. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt thấp so với kế hoạch. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở mức thấp so với nhiều tỉnh, thành phố khác…
Phát biểu tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương đánh giá cao những bước phát triển trong thời gian vừa qua của tỉnh; góp ý, gợi mở một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, trong đó tập trung khắc phục những điểm nghẽn phát triển về hạ tầng, nhân lực, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi, xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát…
Một nội dung trọng tâm được quan tâm thảo luận tại cuộc làm việc là dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) nối với Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng). Hiện nay, báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến cao tốc đã được tỉnh tiếp thu, hoàn thiện trình Hội đồng thẩm định liên ngành.
Không sợ hãi, không chủ quan trước dịch bệnh để tiếp tục phát triển
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Cao Bằng đạt được trong thời gian qua trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, kiện toàn bộ máy, sắp xếp lại địa giới hành chính, phát huy truyền thống văn hóa lịch sử, tinh thần yêu nước, một lòng đi theo Đảng của nhân dân…
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, trước hết, Thủ tướng nêu rõ, cần coi trọng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu theo các Nghị quyết của Trung ương và kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh.
Thủ tướng đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh trong điều kiện có đường biên giới dài hơn 330 km. Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Ông nhấn mạnh tinh thần không sợ hãi, không chủ quan, nóng vội, cũng không hoang mang, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh trước dịch bệnh.
Thủ tướng lưu ý, khi có dịch, cần thực hiện bài bản các biện pháp về hành chính, y tế, an sinh xã hội, an ninh trật tự, vận động người dân, phù hợp với các cấp độ dịch trên từng địa bàn. Khi một thôn có dịch thì cả xã vào cuộc, dồn lực kiểm soát dịch bệnh, một xã có dịch thì cả huyện vào cuộc, một huyện có dịch thì cả tỉnh vào cuộc, một tỉnh có dịch thì nhiều tỉnh cùng vào cuộc.
Ba trụ cột phòng chống dịch là cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, chặt nhất, thực hiện các biện pháp y tế, an sinh xã hội kịp thời, hiệu quả để giải tỏa cách ly nhanh nhất có thể; xét nghiệm thần tốc, khoa học, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh; điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở để người bệnh không chuyển nặng, giảm tử vong. Phương châm phòng chống dịch là 5K + Vaccine, Thuốc đặc hiệu + Các biện pháp điều trị + Công nghệ + Đề cao ý thức người dân + Các biện pháp khác…
Nhiệm vụ thứ ba, trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và đại hội đảng bộ các cấp, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên dành nguồn lực và công tác vận động nhân dân cho 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá chiến lược đã được xác định.
Chấm dứt đầu tư dàn trải, manh mún, kéo dài
Thủ tướng yêu cầu, phải tập trung cho công tác xây dựng quy hoạch theo Luật Quy hoạch, làm nhanh, khẩn trương, tích cực, mạnh dạn thuê tư vấn độc lập. Phải làm tốt công các quy hoạch để xác định, phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, khắc phục các điểm yếu, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc… của mình.
Về đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tập trung nguồn lực phát triển, lựa chọn các dự án để đầu tư “ra tấm ra món”, làm dứt điểm, tránh manh mún, chia cắt, dàn trải, kéo dài, kém hiệu quả.
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, tỉnh đã được bố trí 13.000 tỷ đồng vốn Trung ương và địa phương. Thủ tướng yêu cầu tỉnh không đề xuất xin thêm vốn Trung ương, thay vào đó, tiếp tục rà soát lại các dự án trong kế hoạch, mạnh dạn, linh hoạt, sáng tạo để cắt giảm các dự án kém hiệu quả, không quan trọng, không khả thi, điều chuyển vốn cho các dự án quan trọng, khả thi, hiệu quả cao, tác động lan tỏa.
Trong đầu tư phát triển hạ tầng, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, là dự án quan trọng nhất của tỉnh Cao Bằng trong nhiệm kỳ này. Thủ tướng yêu cầu tỉnh dồn lực cho dự án này bởi khi hoàn thành sẽ tạo ra động lực phát triển, không gian phát triển mới, thu hút được các nhà đầu tư, tạo điều kiện phát triển hai lĩnh vực rất tiềm năng khác của tỉnh là kinh tế cửa khẩu và du lịch. Thủ tướng lưu ý giải phóng mặt bằng nhanh cho dự án và kết nối với các tuyến đường khác trong tổng thể liên kết phát triển vùng…
Thủ tướng đồng ý với đề xuất của tỉnh về việc triển khai chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Ông tiếp tục nhấn mạnh, trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, khi nguồn lực và thời gian đều có hạn, thì tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác đã trao tượng trưng 100 căn nhà đại đoàn kết tặng tỉnh Cao Bằng, mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng. Các căn nhà này sẽ được xây dựng tặng các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Theo: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2487 Trong tuần: 55031 Trong tháng 117163 Tất cả: 17210719