Đó là kiến nghị của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) Đào Ngọc Dung vào sáng 11/11.
Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung có 50 phút đăng đàn. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn là thành viên Chính phủ tiếp theo trả lời chất vấn.
Cùng giải trình thêm với Bộ trưởng Dung có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng
Quan tâm khả năng tiếp cận vốn vay cho lao động di cư
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) về khả năng tiếp cận vốn vay, việc làm của lao động di cư. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ đưa vào chương trình phục kinh tế - xã hội tới đây. Bộ trưởng khẳng định, sẽ cố gắng tạo điều kiện cho người lao động, nhất là với những lao động dịch chuyển có thể tiếp cận vốn vay, bao gồm hộ kinh doanh và lao động phi chính thức.
Bộ trưởng cho rằng, việc tăng cường vốn vay, đặc biệt là vốn vay thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết việc làm có hiệu quả khá cao, tỷ lệ nợ xấu lại rất thấp. Do đó, Bộ tán thành đề xuất này và tiếp thu. Trong Quyết định 2086/QĐ-TTg về giải quyết đất ở, đất và nước sinh hoạt có thể áp dụng các tiêu chí này thêm để hỗ trợ. Và trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, có thể căn cứ vào tiêu chí này để hỗ trợ phân bổ thêm nguồn lực cho những đối tượng này.
"Một cung đường, hai điểm" có phù hợp?
Cũng trong sáng nay, chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề áp dụng phương thức "3 tại chỗ", "một cung đường, hai điểm" ở một số nơi chưa phù hợp, sinh hoạt rất khó khăn, có thể lây nhiễm, gây tâm lý bất ổn cho người lao động và doanh nghiệp, tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Đại biểu cũng phản ánh nhiều người lao động chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung cho biết, mô hình 3 tại chỗ và một số mô hình trong phòng, chống dịch trước khi Việt Nam áp dụng, thì các nước như Singapore và Indonesia đã áp dụng mô hình này. Ở nước ta, Bắc Ninh, Bắc Giang là những tỉnh đầu tiên áp dụng, trên cơ sở đó một số địa phương cũng đã áp dụng mô hình này. Bộ trưởng khẳng định, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 nói chung không áp đặt mô hình nào với doanh nghiệp, địa phương trong phòng, chống dịch. Nguyên tắc của Chính phủ và Ban chỉ đạo đưa ra là an toàn mới sản xuất, sản xuất phải đảm bảo an toàn. Do đó, từng địa phương xem xét, quyết định trên thực tế cũng như khả năng thực hiện của mình. Bộ trưởng rất chia sẻ vì mô hình "3 tại chỗ" chỉ thực hiện tốt nhất ở doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Qua báo cáo của các địa phương, khảo sát các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp sản xuất, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH thấy rằng, hầu như các mô hình này chỉ phù hợp khi áp dụng trong một thời gian ngắn, quy mô vừa phải.
Về vấn đề một số người lao động tự do chưa được tiếp cận các gói hỗ trợ, Bộ trưởng tiếp thu ý kiến đại biểu, sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát lại toàn bộ các đối tượng trong diện được nhận hỗ trợ để điều chỉnh, để những người chưa nhận được hoặc chậm được nhận sẽ tiếp cận chính sách này.
Cần ưu tiên mở trường học, ưu tiên mẫu giáo và tiểu học
Giải trình thêm về làn sóng người lao động rời bỏ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trước hết cần xác định 1,3 triệu lao động đã dời đi gồm những đối tượng nào.
Ngoài những lao động làm việc trong các doanh nghiệp lớn, có hợp đồng ổn định, Phó Thủ tướng lưu ý phải đặc biệt quan tâm đến những người lao động, công nhân làm việc ở xí nghiệp nhỏ, công trường, người lao động tự do.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần mở lại trường học, nhất là với cấp mẫu giáo và tiểu học, vì đa phần công nhân có con nhỏ. Việc mở lại trường học không chỉ là vấn đề giáo dục mà còn giải quyết vấn đề lao động.
Phó Thủ tướng cho biết tới đây Trung ương cần rà soát tất cả quy định về phòng chống dịch sao cho an toàn và không quá phức tạp, đặc biệt là việc xét nghiệm, xử lý F1, F0 trong doanh nghiệp sao cho hiệu quả. “Việc này rất cần sự phối hợp của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng phải lo cho công nhân chứ đừng đưa hết trách nhiệm về phía chính quyền”, Phó Thủ tướng nói.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương cần chủ động kết nối để giúp người dân quay lại làm việc, bằng cách hỗ trợ đưa đón, chủ động cung cấp thông tin hoặc tiêm vaccine cho người lao động. Ông cho biết, nhiều lãnh đạo tỉnh không ngại bỏ chi phí ra đưa người lao động quay trở lại; đề nghị Bộ LĐ - TB&XH xem xét phối hợp với các địa phương có gói hỗ trợ cho người lao động quay lại làm việc và với người nhà đi theo, như vậy người lao động mới có thể yên tâm làm việc. Về lâu dài, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phải có chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân, từng bước cơ cấu lại sản xuất và lao động, từ bỏ dần lao động giá rẻ để đi vào chuỗi có giá trị gia tăng cao hơn.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3867 Trong tuần: 56418 Trong tháng 118546 Tất cả: 17212105