Khi những cành mai vàng trước ngõ đang dần hé nụ, tôi trở lại ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, nơi có cột mốc biên giới 202, 203, giáp với ấp Pray Vo, xã Tà Nốt, huyện Kompong Ro, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia.
Sắc xuân đang hiện hữu trên đường Kênh cây khô nhỏ dài 9km, nối từ trung tâm xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa đến đường tuần tra biên giới, thuộc ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây. Không xuân sao được, khi Tết năm nay, bà con vùng biên giới đã có con đường bê tông rộng rãi vừa được hoàn thành, không còn cảnh nắng bụi, mưa bùn như trước đây.
Đại úy Nguyễn Minh Luông, Trưởng Công an xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa cho biết, với một địa bàn đặc thù vùng biên, công tác đảm bảo an ninh, trật tự luôn được chính quyền địa phương quan tâm thực hiện. Và ở nơi đây, người dân sống đoàn kết, chan hòa giữ vững chắc mảnh đất vùng biên giới bình yên.
Công an huyện Cần Giuộc kiểm tra hình ảnh truyền về từ camera giám sát ANTT trên địa bàn xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc. |
Lực lượng này thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ, huấn luyện quân sự, vũ thuật làm nòng cốt trong tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên tuyến biên giới; tham gia công tác tuần tra và đảm bảo an ninh, trật tự ở địa bàn dân cư. Qua 2 năm thực hiện, lực lượng Dân phòng phối hợp tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự đã phát hiện ngăn chặn 14 vụ gây rối trật tự công cộng, trực tiếp cùng Công an xã giải quyết 44 vụ việc có liên quan an ninh trật tự, mâu thuẫn tranh chấp trong nhân dân...
Ông Trương Văn Rương, người dân ấp Bình Bắc, xã Hòa Tây, sống ở xã biên giới này cho biết, các mô hình đảm bảo an ninh, trật tự biên giới, được người dân tích cực hưởng ứng, làm theo. Mỗi khi có sự việc, chỉ cần một tiếng kẻng vang lên, hàng trăm người dân nhanh chóng có mặt, hỗ trợ chính quyền địa phương giữ vững ổn định an ninh, trật tự.
Bà Hoàng Thị Thùy Như, Phó Bí thư xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa cho biết thêm: Xã Bình Hòa Tây có đoạn biên giới dài 4,5 km, toàn xã có 5 ấp, trong đó, có 1 ấp biên giới. Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của xã không ngừng phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, tình hình an ninh chính trị, trật tự ATXH luôn được giữ vững, người dân yên tâm lao động sản xuất.
Trên địa bàn tỉnh Long An đang duy trì và phát triển mạnh mẽ hàng chục mô hình phòng ngừa tội phạm đạt hiệu quả thiết thực như: mô hình Tiếng kẻng vùng biên; Cổng an ninh, trật tự; Câu lạc bộ nhà trọ an toàn về ANTT; Ánh sáng an ninh, trật tự; Vùng giáo an toàn về ANTT; Tiếng loa lưu động v.v...
Đặc biệt, sức lan tỏa của phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ còn được thể hiện qua mô hình “Camera giám sát an ninh trật tự”. Đây được xem là “tai, mắt” giám sát “nhất cử, nhất động” bọn tội phạm. Dọc tuyến Quốc lộ 50, đường tỉnh 835, thuộc địa bàn xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, dễ dàng nhận thấy có nhiều biển báo "Tuyến đường gắn camera an ninh". Đây cũng địa phương thực hiện mô hình đầu tiên của tỉnh.
Đại úy Lê Tấn Dư, Trưởng Công an xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc cho biết: Với phương châm “Internet đến đâu, camera an ninh đến đó”, xã Mỹ Lộc vận động các tổ chức, cá nhân hơn 1 tỷ đồng gắn camera giám sát ANTT trên khắp các tuyến giao thông trên địa bàn xã. Hình ảnh camera ghi được phục vụ tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra tội phạm, góp phần tích cực trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Phạm, Trưởng phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, hiện Công an toàn tỉnh đã lắp đặt được 940 điểm, 2.257 camera, với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng (vận động xã hội hóa khoảng 9 tỷ đồng, kinh phí địa phương khoảng 4 tỷ đồng). Đồng thời, vận động hộ dân tự lắp đặt để bảo vệ tài sản, giữ gìn ANTT được 5.265 camera; cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường lắp đặt 17.499 camera. Nhờ thực hiện tốt mô hình camera giám sát ANTT, góp phần khám phá hàng chục vụ trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản…
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, nhiều địa phương thành lập mô hình “Đội dân phòng Honda khách phòng chống tội phạm”. Qua 1 năm triển khai thực hiện, có 11/15 huyện, thị xã, thành phố xây dựng, nhân rộng mô hình, thành lập được 46 đội, với 444 thành viên. Hình thức hoạt động của mô hình này gắn với địa bàn hành nghề, khi nhận tin báo có cướp, cướp giật, trộm tài sản, tai nạn giao thông xảy ra hoặc có tội phạm đang trên đường tẩu thoát qua địa bàn, các thành viên chủ động thông báo cho nhau bằng điện thoại, chốt chặn tại các ngã ba, ngã tư đường để kịp thời hỗ trợ cơ quan Công an làm nhiệm vụ, tham gia truy bắt đối tượng...
Sau 1 năm triển khai thực hiện mô hình “Đội dân phòng Honda khách phòng chống tội phạm” đã tham gia hỗ trợ cùng Công an tuần tra kiểm soát, truy bắt 38 vụ, 55 đối tượng, thu hồi 26 xe môtô, 4 điện thoại di động, 1 nhẫn vàng 24k trọng lượng 9,86 phân và 4.550.000 đồng; tham gia giải tán kịp thời 9 nhóm thanh thiếu niên tụ tập đêm khuya có biểu hiện gây mất ANTT; tham gia bảo vệ hiện trường 132 vụ tai nạn và va chạm giao thông, đưa hàng trăm nạn nhân đi cấp cứu kịp thời. Nổi bật là “Đội dân phòng Honda khách phòng, chống tội phạm” của huyện Bến Lức trực tiếp bắt 32 vụ, 36 đối tượng.
Thiếu tá Lương Thị Tuyết Hạnh, Phó trưởng Công an huyện Bến Lức cho biết, chỉ với 10 thành viên cùng hành nghề Honda khách trên các tuyến giao thông huyết mạch trọng điểm như QL1, đường tỉnh 816, 830, 830C của huyện, với mức thu nhập không cao, phần kinh phí hỗ trợ không nhiều nhưng các anh luôn thể hiện tâm huyết, tự giác tích cực và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự. Nhờ làm tốt công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trên địa bàn tỉnh Long An đã xuất hiện nhiều gương quần chúng tiêu biểu trong phòng, chống tội phạm được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen đột xuất.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2606 Trong tuần: 38185 Trong tháng 387163 Tất cả: 16536451