Có thể nói, dấu ấn của Nghị quyết liên tịch số 01/2002/NQLT giữa Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an về "Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội" (NQLT 01) đã được thể hiện qua nhiều mô hình hiệu quả, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, góp phần quan trọng vào phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) từ Trung ương đến cơ sở.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo NQLT 01/TW, 5 năm qua (2012-2017), từ hoạt động phối hợp giữa Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ thủy chung, đảm đang, cần cù, nhẫn nại giúp chồng, giúp con cai nghiện, từ bỏ con đường phạm tội, tệ nạn xã hội để hoàn lương trở lại cộng đồng.
Nhiều tấm gương phụ nữ không quản khó khăn, vất vả, tích cực phối hợp với lực lượng Công an ngày đêm kiên trì hòa giải các mâu thuẫn trong nhân dân không để phát sinh tội phạm, cảm hóa người lầm lỗi. Các mẹ, các chị vẫn từng ngày, từng giờ góp sức cùng với các lực lượng dân phòng, tự quản tham gia giữ gìn trật tự trị an, xây dựng tuyến phố, xóm làng bình yên...
Lực lượng Công an, phụ nữ các cấp đã cùng làm nên những hoạt động có ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc, góp phần kiềm chế sự gia tăng tội phạm, tệ nạn xã hội, từng bước tạo môi trường xã hội lành mạnh, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
Có thể khẳng định rằng, những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Việc Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam ký kết Nghị quyết liên tịch số 01 (NQLT 01 đã thổi một luồng gió mới, mang lại những kết quả tích cực, góp phần chủ động trong công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, TTATXH tại địa bàn dân cư…
Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao quà cho các Đội có thành tích tuyên truyền PCTP trong thanh thiếu niên tại tỉnh Lào Cai. |
Ban Chỉ đạo NQLT 01/TW đã kịp thời xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn nhằm chỉ đạo, định hướng cho các địa phương triển khai thực hiện chương trình phối hợp, có vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa, phù hợp tình hình thực tiễn, góp phần chủ động trong công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, TTATXH tại địa bàn dân cư.
Đã phát huy được vai trò, đóng góp của các cấp hội và hội viên phụ nữ trong công tác phòng ngừa tội phạm, tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật, giúp đỡ người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng.
Khi NQLT 01 được triển khai, từ đối tượng tác động là “con em trong gia đình”, Nghị quyết đã hướng tới đối tượng rộng hơn là “người thân trong gia đình”; mở rộng diện đối tượng tuyên truyền, thể hiện được tính lan tỏa của Nghị quyết trong toàn xã hội.
Việc thực hiện NQLT 01 giữa Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam còn được gắn kết chặt chẽ trong thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội LHPN Việt Nam, thiết thực góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Với phương châm phòng ngừa là chính, công tác phối hợp được duy trì, hình thức phối hợp phong phú, đa dạng nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục về phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội ngay từ trong gia đình.
Hội LHPN các cấp và lực lượng Công an còn phối hợp thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, tuyên truyền NQLT 01 lồng ghép các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, văn bản chỉ đạo của Hội; Chỉ thị 46 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 48 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị định 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ… thông qua các hình thức cụ thể, thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
Ban Chỉ đạo NQLT 01/TW còn tổ chức Hội thảo Tuyên truyền phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động sử dụng mạng xã hội, chủ động, kịp thời có những kiến nghị, đề xuất với cơ quan chức năng trong phát hiện, đấu tranh, xử lý các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, đồng thời chỉ đạo Hội LHPN các cấp triển khai những biện pháp tích cực nhằm bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị xâm hại.
Xác định được nguyên nhân sâu xa dẫn đến tội phạm và tệ nạn xã hội xuất phát từ những khó khăn trong đời sống, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát huy nội lực của phụ nữ giúp giảm nghèo bền vững, đề ra chỉ tiêu nhiệm kỳ.
Trong 5 năm qua, Hội LHPN các cấp đã dạy nghề cho 203.719 người, góp phần tăng tỷ lệ lao động nữ tiếp cận các chương trình đào tạo nghề; phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn khởi sự và quản trị doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã cho 340.636 lượt phụ nữ phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng.
Các cấp Hội đã giúp cho 409.555 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo; các cấp Hội đã tiến hành xây dựng 16.086 mái ấm, sửa chữa 3.602 mái ấm tình thương và bàn giao cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Các hoạt động ủy thác, tín chấp, phát triển tài chính vi mô, tiết kiệm giúp phụ nữ có vốn sản xuất kinh doanh; công tác dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm đã góp phần thiết thực giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm xung đột trong gia đình, tránh nguy cơ sa vào tệ nạn xã hội, trở thành nạn nhân bị mua bán hoặc rơi vào nhóm phụ nữ có mong muốn lấy chồng nước ngoài vì mục đích kinh tế...
Ban Chỉ đạo NQLT 01 các tỉnh, thành phố đã chú trọng quan tâm giải quyết kịp thời: chú trọng công tác tư vấn, hoà giải về hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em, phòng chống mại dâm ở tất cả các địa phương thông qua các mô hình can thiệp, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội. Đặc biệt, việc xây dựng “Ngôi nhà bình yên” đã phát huy hiệu quả tích cực.
Ban Chỉ đạo NQLT 01/TW cũng đã phối hợp với lực lượng Công an và Hội LHPN các địa bàn triển khai dự án về phòng, chống bạo lực gia đình do Bộ Công an thực hiện để tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, chiến sỹ Công an và hội viên phụ nữ cấp cơ sở. Đã triển khai xây dựng thí điểm 30 đội phản ứng nhanh về phòng chống bạo lực gia đình tại địa bàn tỉnh Bến Tre…
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo NQLT 01/TW đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa đối với đối tượng trong trường giáo dưỡng và trại giam có nhiều phạm nhân nữ; cảm hóa, hỗ trợ, giúp đỡ người mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng. Tất cả những cách làm đó đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cuộc vận động “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Thời gian tới, việc tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng CAND với Hội LHPN Việt Nam các cấp nhằm tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức Hội và lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Lực lượng Công an, phụ nữ các cấp tiếp tục phát huy tính chủ động, nâng cao vai trò nòng cốt, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND và cán bộ, hội viên phụ nữ trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Đồng thời, phát huy vai trò và trách nhiệm của gia đình trong bồi dưỡng, giáo dục nhân cách và quản lý con em, người thân, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc bền vững...
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 21883 Trong tuần: 43050 Trong tháng 193974 Tất cả: 17287536