Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, Quốc huy Việt Nam - một sản phẩm sáng tạo của hội họa, là biểu tượng cô đọng, đầy đủ và súc tích về đất nước và con người Việt Nam, hàm chứa khát vọng tha thiết về sự phát triển đất nước của một dân tộc yêu chuộng hòa bình và khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Quốc gia độc lập.
Việc xây dựng mẫu Quốc huy Việt Nam được thực hiện theo chủ trương của Bác Hồ và Đảng, Nhà nước ta. Mẫu Quốc huy Việt Nam là một cống hiến chung của giới Mỹ thuật cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sỹ Bùi Trang Chước.
Góc triển lãm "Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam - Họa sỹ Bùi Trang Chước". |
Họa sỹ Bùi Trang Chước là một trong những họa sỹ tài năng của nền hội họa Việt Nam. Ông tốt nghiệp loại xuất sắc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, họa sỹ Bùi Trang Chước tham gia kháng chiến và giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Hà Nội. Do có biệt tài về đồ họa, ông được tham gia vẽ giấy bạc ở Nhà in Ngân hàng và sáng tác mẫu Bằng khen, Huân, Huy chương cho Chính phủ.
Vào những năm 1950, một số quốc gia trên thế giới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Để mở rộng quan hệ với các nước, khẳng định chủ quyền dân tộc thông qua hoạt động ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã có Công văn gửi Ban thường vụ Quốc hội về việc làm Quốc huy.
Cuộc thi sáng tác mẫu Quốc huy đã được phát động năm 1951, thu hút đông đảo họa sỹ trên cả nước tham gia. Bằng tài năng sáng tạo và sự lao động nghiêm túc, họa sỹ Bùi Trang Chước đã có một hành trình sáng tạo đầy ấn tượng với 112 bản vẽ nghiên cứu, phác thảo và bản vẽ chi tiết. Trong đó, 15 bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam được Ban Mỹ thuật chọn gửi Bộ Tuyên truyền để trình Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh những đóng góp của ông đối với việc sáng tạo mẫu Quốc huy Việt Nam, họa sỹ Bùi Trang Chước còn để lại những tác phẩm hội họa có giá trị với các chất liệu phong phú, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, như tác phẩm: Thiếu nữ ngồi (năm 1939); Khu gang thép Thái Nguyên (năm 1962)...
Cắt băng khai mạc triển lãm tại Bảo tàng Việt Nam ngày 25/8. |
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng cho hay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã vinh dự tiếp nhận toàn bộ các tài liệu là bản thảo, bản gốc các thành quả sáng tạo cũng như toàn bộ tài liệu cá nhân của Họa sỹ vào bảo quản an toàn tại Lưu trữ quốc gia.
Khối tài liệu này có giá trị đặc biệt, góp phần vào sự đa dạng của thành phần và loại hình tài liệu lưu trữ, là nguồn thông tin lưu trữ độc đáo, chân thực, có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, ngoại giao và góp phần làm phong phú và toàn vẹn của Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam...
Theo: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 1599 Trong tuần: 26326 Trong tháng 375293 Tất cả: 16524583