Nhà văn Nguyễn Bảo, nguyên Tổng biên Tập tạp chí Văn nghệ Quân đội kể: Hồi nhà thơ Nguyễn Bao làm Trưởng ban liên lạc văn nghệ sĩ - nhà báo Thanh Hóa tại Hà Nội, Nguyễn Bảo làm Phó ban. Một dịp sau Tết âm lịch năm 2000, bác Lê Khả Phiêu đã đến thăm và gặp mặt anh em văn nghệ báo chí ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4 Lý Nam Đế.
Nhà văn Nguyễn Bảo kể lại: "...Bàn chuyện tổ chức gặp mặt anh em văn nghệ Thanh Hóa, có ý kiến đề xuất mời bác Lê Khả Phiêu đến dự. Nhà thơ Nguyễn Bao, Phó giám đốc Nhà xuất bản Văn học cho là ý ấy hay, giao tôi đến mời bác Phiêu. Nhưng mời thì mời, chưa chắc bác đã đến. Chúng tôi đoán vậy.
Nhà bác ở gần Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, số 4 Lý Nam Đế, bác đi bộ từ 36 Lý Nam Đế cũng qua được. Hôm ấy, tôi qua nhà bác, đến nơi tôi gặp thư ký của bác và trình bày: "Tôi là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội đến chơi chúc Tết bác năm sớm". Thư ký cho tôi vào gặp bác, mà chả cần thủ tục gì phiền phức. Tôi mời, bác đồng ý đến ngay, dù ở cương vị bác lúc này đang là Tổng Bí thư bận trăm công ngàn việc.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong một lần về thăm và gặp gỡ văn nghệ sĩ, nhà báo ở Thanh Hóa. |
Tôi báo tin vui này, anh em văn nghệ sĩ thích lắm, không ai nghĩ là bác Phiêu sẽ đến. Hôm ấy, bác đến một mình, không có thư ký Nguyễn Chí Trung. Bác nói chuyện vui vẻ, không nghi lễ gì cả. Một cuộc gặp gỡ thật thân tình ấm cúng. Tôi trộm nghĩ, giá hôm ấy mà hỏi ý kiến thư ký riêng Nguyễn Chí Trung về việc mời bác đến thăm, chưa chắc ông Trung để bác Phiêu đến vì sợ bị lãnh đạo cảnh vệ phê bình. (Tổng Bí thư đi thăm cơ sở phải kiểm soát an ninh chặt chẽ)".
Một lần, nhân dịp ra mắt tuyển tập Nguyễn Hiền (cháu họ Trạng Quỳnh) tại Hà Nội, tôi không nhớ năm, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đến dự và phát biểu ý kiến về Nguyễn Hiền. Lúc ấy bác đã nghỉ công việc nhà nước. Tôi rất ngạc nghiên nghe bác Lê Khả Phiêu nói về Nguyễn Hiền, người đồng đội mình với những cá tính và phong cách rất Thanh Hóa và rất... Trạng Quỳnh: Nguyễn Hiền thẳng thắn, dám làm dám nói những ý kiến trái chiều cả khi bác Lê Khả Phiêu đang còn đương chức.
Một lần khác, tôi đến dự khai mạc triển lãm của hai anh em họa sĩ Lê Huyên và Lê Hàn ở 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Tôi đến đã thấy có bác Lê Khả Phiêu ở đó. Bác nhỏ người đứng lẫn trong những người đến dự triển lãm. Phóng viên đề nghị bác phát biểu ý kiến, bác khiêm tốn nói: "Đừng đưa tôi lên truyền hình". Thật cảm động về câu nói ấy của bác. Nhưng rồi ai cũng xin chụp ảnh với bác Lê Khả Phiêu.
Năm 2015, khi Hội Cựu Thanh niên xung phong Thanh Hóa đề nghị tôi cộng tác viết cuốn 65 năm Thanh niên xung phong Thanh Hóa (TNXP) anh hùng, tôi nói Lê Trung Sơn, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Thanh Hóa: "Ít nhất phải có bác Lê Khả Phiêu viết lời giới thiệu". "Đây là việc khó"- Anh Lê Trung Sơn bảo: "Thôi để anh Hồng thư ký cho bác thảo văn bản, bác ký bản đánh máy là được".
Tôi điện cho anh Hồng thư ký để anh Sơn và tôi xin gặp bác. Anh Hồng báo cáo, bác Phiêu đồng ý nhưng yêu cầu đưa bản thảo đến bác xem. Tôi mạnh dạn thưa bác: "Anh em chúng cháu muốn bác viết tay và xin được chụp nguyên bút tích của bác". Bác chỉ cười và nói một từ: "Được!". Hai tuần sau tôi và anh Lê Trung Sơn đến, bác nói thư ký chuẩn bị chè nước bánh kẹo tiếp nhà văn và thật bất ngờ bản viết tay của bác Phiêu, mực màu xanh đã được hoàn thành với nét chữ chân phương. Thực là kính trọng sự quy củ, đúng hạn của bác.
Năm 2017, chuẩn bị hoàn thành bộ sách "Văn nghệ sĩ - Nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội với quê Thanh", tôi báo cáo Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc tìm người viết lời giới thiệu. Các anh Tỉnh ủy nói: "Chỉ cần một lời giới thiệu của bác Lê Khả Phiêu cho bộ sách qúy này". Tôi báo cáo bác Lê Huy Ngọ, Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa. Bác Ngọ nói: "Chuẩn bị bản thảo thật tốt, nói thư ký để xin ý kiến bác Phiêu. Tôi sẽ cùng các anh đến gặp bác".
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến thăm triển lãm tranh của họa sĩ Lê Hàn và Lê Huyên năm 2001.
|
Hôm sau nhóm chúng tôi đến gặp bác Lê Khả Phiêu, có bác Lê Huy Ngọ, Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội, tôi, NSND Tâm Chính, nhà văn dịch giả Lê Bá Thự, nhà báo Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Báo Người Hà Nội. Sau khi làm thủ tục, thư ký mời tất cả chúng tôi lên tầng 2. Tôi bất ngờ thấy trên bàn đã chuẩn bị bánh kẹo ngon và hoa quả để tiếp chúng tôi. Tôi rất cảm động trước tình cảm trân trọng của bác với văn nghệ sĩ. Tất nhiên là bác nhận lời viết lời giới thiệu.
Lúc về, bác Phiêu còn bảo NSND Tâm Chính: "Kẹo ngon, mang hết về chia cho các cháu nhỏ". Chúng tôi chia nhau mỗi người mươi cái kẹo về khoe với bạn bè là kẹo của bác Lê Khả Phiêu. Chúng tôi chỉ là những văn nghệ sĩ, nhà báo bình thường, nhưng không phân biệt bình thường hay nổi tiếng, bác tiếp chúng tôi rất chu đáo.
Nghe tin Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu mất, NSND Tâm Chính mếu máo nói với tôi: "Thực sự nghe tin bác Phiêu mất, riêng tôi rất đau đớn. Bác như là người cha, người chú của tôi. Người có một cái tâm rất sáng. Với Liên đoàn Xiếc Việt Nam, bác rất quan tâm đến các nghệ sĩ, đặc biệt là với tôi và gia đình tôi. Bác đã xem tôi biểu diễn, xem các nghệ sĩ biểu diễn. Thậm chí ngày kỷ niệm 45 năm ngành Xiếc Việt Nam, năm 2001, tôi đến báo cáo bác về cuốn sách 45 năm ngành Xiếc, bác hỏi: "Sách viết thế nào?". Tôi trả lời: "Báo cáo anh (lúc ấy tôi gọi anh), công việc chuẩn bị nhiều việc quá, để tuyên truyền chỉ có một cuốn sách về quá trình 45 năm ngành Xiếc và 17 năm em làm Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam". Bác nói ngay: "Đưa cuốn sách đến để tôi viết lời giới thiệu cho". Tôi rất cảm động vì bất ngờ quá. Bác đang là Tổng Bí thư, nếu bình thường, phải trình lên trình xuống còn chưa gặp bác được, đằng này bác chủ động đề xuất làm tôi xúc động quá cuống cả lên. Sao lại có một vị lãnh đạo cao cấp khiêm tốn giản dị, nói những điều quan trọng mà như quá bình thường...".
NSND Tâm Chính ngậm ngùi đưa tôi xem cuốn sách kỷ niệm 45 năm ngành Xiếc, có bút tích của bác Lê Khả Phiêu, nét chữ nghiêng nghiêng, màu mực xanh... Rồi NSND Tâm Chính rưng rưng nước mắt: "Bác đã 90 tuổi rồi, thọ rồi, nhưng nghe bác mất tôi đột ngột như cha mình mất. Nhớ bác, tôi đang giở lại những ảnh được chụp chung với bác như một kỷ niệm không bao giờ có lại được".
Hôm 4/4/2019, sau khi sách qúy VỚI QUÊ THANH ra đời, anh em chúng tôi mang sách đến tặng bác Phiêu. Bác Lê Huy Ngọ bảo: "Lần này các cậu tự đến, không cần mình đi cùng đâu". Tôi và NSND Tâm Chính, nhà thơ Trịnh Xuân Thu đến bác Phiêu. Ý chúng tôi là chỉ đến báo cáo bác sách đã in xong và tặng sách cho bác thôi. Thư ký cũng bảo chỉ được gặp bác 10 phút để giữ sức khỏe cho bác.
Tôi và NSND Tâm Chính tặng sách cho bác, xin chụp ảnh chung xong, bác bảo: "Chờ tôi xem sách chút". Chúng tôi chờ... Một hai, ba phút... rồi nửa tiếng. Thư ký lên làm hiệu đã hết giờ. Tôi vội đứng dậy. Bác quay lại nhìn thư ký, nói một câu ngắn gọn: "Tôi đang xem!". Chỉ một việc nhỏ ấy thôi nói lên rằng Bác là người rất cụ thể và cẩn thận. Lúc bác gấp bộ sách dịp lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa dày cộp bìa cứng lại, tôi xem đồng hồ thì đã gần một giờ trôi qua. Thật là hạnh phúc cho chúng tôi những người làm sách khi được bác xem kỹ thế. Điều đó nói lên rằng: Bác rất quan tâm đến văn nghệ sĩ báo chí dù bất cứ cơ quan nào.
Sáng 7/8/2020, tôi đang làm việc với các đồng chí ở Đại học Hồng Đức Thanh Hóa, TS Nguyễn Văn Thế, Phó phòng Quản lý khoa học nói nhỏ với tôi: "Trên mạng nói bác Phiêu ốm nặng lắm, đúng không anh". Tôi bảo Thế: "Bác ốm nặng lâu rồi. Anh em tôi đã đến thăm". Nhưng chỉ mấy phút sau đó, Thế báo tin: "Bác Phiêu mất rồi, nhiều báo mạng đưa tin". Tôi điện cho bác Lê Huy Ngọ, bác xác nhận: "Bác Phiêu mất lúc 2h52’ sáng nay". Thế là một cây đại thụ của Đảng ta, của Quê Thanh, người tiên phong trong công tác chỉnh đốn Đảng với Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), người đại biểu chống tham nhũng quyết liệt đã ra đi.
Bác Lê Khả Phiêu là người được cả nước tôn kính về tinh thần chống tham nhũng quyết liệt, nhưng với văn nghệ sĩ, nhà báo không kể ở đâu, bác luôn thể hiện là người phúc hậu, nhân từ.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2567 Trong tuần: 27293 Trong tháng 376261 Tất cả: 16525553