Trẻ lười vận động, ăn nhiều thức ăn nhanh sẽ dễ bị béo phì, sinh ra một loạt các bệnh lý nguy hiểm
Trẻ mắc bệnh vì béo phì, ít vận động
Bệnh viện Bạch Mai từng ghi nhận ca tiểu đường nhỏ tuổi nhất do bị béo phì, rối loạn chuyển hóa. Dù mới chỉ 8 tuổi và cao 141cm nhưng bệnh nhân này nặng tới 58kg, có thời điểm laên tới 62kg khiến chỉ số đường huyết của cháu cao gấp đôi chỉ số bình thường (13mmol/l).
Bác sỹ tìm hiểu thì được biết gia đình có điều kiện nên chăm sóc và bao bọc rất kĩ, ăn toàn đồ chứa nhiều chất dinh dưỡng và ít ra ngoài vận động.
Sau hơn 2 tháng điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã sụt được 10kg, đường huyết về mức bình thường (5,4-6,2mmol/l).
Đây không còn là chuyện hiếm. Có trẻ mới 10 tuổi, cao 150cm nhưng nặng gần 70kg và bị ‘nghiện’ ăn, gia đình tìm nhiều cách để “cai ăn” nhưng không thành khiến cháu mắc bệnh tiểu đường, phải nhập viện điều trị, theo dõi chặt chẽ.
Đây là những ca bệnh tiểu đường được xác định thuộc type 2 (chủ yếu phát sinh do yếu tố gia đình hoặc chế độ ăn uống, tập luyện không khoa học dẫn tới béo phì, rối loạn chuyển hóa).
Theo các chuyên gia, cách đây khoảng 10 năm, số người trẻ dưới 30 tuổi mắc tiểu đường rất ít nhưng hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa nhanh chóng.
Tiểu đường type 2 ngày càng nhiều ở các nước đang phát triển
Trao đổi với VietNamNet, bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Phương Mai (Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết thông thường trước đây người ta nói bệnh tiểu đường type 2 thường xảy ra ở những người lớn tuổi (ngoài 40 tuổi trở lên).
“Nhưng hiện nay đái đường type 2 xảy ra ở những người rất trẻ, thậm chí có những trẻ mười mấy tuổi đã bị tiểu đường. Những đứa trẻ đó nó thường có những yếu tố về gia đình hoặc do béo phì. Vì thế tiểu đường type 2 ở những người trẻ khá là nhiều” – BS Mai nói.
Theo bác sỹ Mai, cho đến bây giờ người ta vẫn chưa xác định nguyên nhân nào chính xác gây ra bệnh tiểu đường. Đối với đái đường type1 xảy ra do quá trình tự miễn, tình trạng viêm nhiễm sau khi nhiễm virus. Đối với tiểu đường type 2 càng ngày càng phổ biến nó chiếm tỷ lệ cao hơn ở các nước phát triển, nhưng ở những nước đang phát triển như Việt Nam tốc độ gia tăng của bệnh đái đường ngày càng nhiều hơn nữa.
“Có nhiều nguyên nhân, có thể là yếu tố về môi trường thay đổi như ô nhiễm môi trường, cuộc sống hiện đại thay đổi làm cho người ta ít vận động hơn, ăn nhiều đồ ăn không tốt cho sức khỏe như đồ ăn nhanh…” – BS Mai nhấn mạnh.
Tiểu đường trẻ hóa: Gánh nặng lớn
Bộ Y tế cho biết theo kết quả điều tra của Bộ Y tế, tỷ lệ đái tháo đường của người Việt Nam năm 2013 đang ở mức 5,7%. Dự báo đến năm 2030 con số này sẽ tăng gấp đôi.
Hiện nay có khoảng 285 triệu người trưởng thành trên thế giới – chiếm 6,4% dân số trưởng thành trên toàn cầu bị mắc bệnh tiểu đường. Đến 2030, con số này được dự báo tăng lên đến 438 triệu người (7,8% dân số trưởng thành trên toàn cầu).
Bên cạnh hàng trăm trường hợp tử vong, bệnh đái tháo đường còn có thể làm suy yếu chức năng của tim, thận, mắt, và thần kinh. Tiểu đường thường đi kèm với bệnh tim, đột quỵ, tăng huyết áp, bệnh thận, mù mắt, tổn thương thần kinh, và đoạn chi.
Tiểu đường tạo ra những gánh nặng kinh tế do gia tăng tỷ lệ mắc bệnh mới và số lượng các thương tật liên quan cùng xuất hiện. Hiện nay, người ta ước tính chi phí chăm sóc y tế hàng năm trên toàn thế giới cho bệnh nhân đái tháo đường vào khoảng 223 tỷ đô-la, con số này đang tiếp tục tăng lên theo tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường mới. Hội Đái tháo đường quốc tế (IDF) ước tính chi tiêu cho bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới tối thiểu sẽ là 561 tỷ đôla vào năm 2030.
Theo các chuyên gia, tiểu đường là căn bệnh nguy hiểm, là “kẻ giết người thầm lặng” do không có biểu hiện bệnh rõ ràng. Bệnh liên quan mật thiết đến lối sống, chế độ dinh dưỡng, tập luyện nên nếu không có hiểu biết và quyết tâm thay đổi sẽ khó phòng bệnh.
Theo http://vietnamnet.vn/
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3049 Trong tuần: 53582 Trong tháng 16442 Tất cả: 16165754