Gần đây, trên mạng xã hội nhiều chị em chia sẻ cách hạ sốt phát ban cho con bằng lươn. Thông tin này xuất phát từ chia sẻ của một bà mẹ trẻ: "B.N. bị sốt lên ban đỏ, uống thuốc hoài thấy lâu hết mà con thì sốt cao quá mình nóng ruột. Nhiều người chỉ lấy lươn sống lăn là hết. Sáng sớm mẹ mình đi chợ mua 3 con lươn sống về lăn, thấy hiệu quả rõ rệt luôn. Mình thấy con lươn chuyển sang hết màu đỏ luôn (đó là chất độc trong ban mà con lươn hút). Mẹ nào có con bị ban đỏ thì làm như thế này nhé, rồi mua rượu nhẹ lau sạch rất nhanh khỏi”.
Người phụ nữ này cũng nói rõ, việc dùng lươn chỉ hiệu quả với sốt ban đỏ. Nhiều chị em có con nhỏ đã nhanh chóng chia sẻ thông tin này như một biện pháp hữu hiệu để chữa bệnh cho con.
Cách hạ sốt cho con bằng lươn được bà mẹ này chia sẻ trên mạng. Ảnh: FBNV |
Đông y không chữa sốt bằng lươn
Trao đổi về thông tin này, thạc sĩ, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung khẳng định: “Trong Đông y, chưa bao giờ dùng lươn sống để chườm cho trẻ khi bị sốt phát ban. Việc lươn chuyển sang màu đỏ và chết do hút hết chất độc trong ban hoàn toàn bịa đặt, không có cơ sở khoa học. Các mẹ tuyệt đối không áp dụng cách này gây nguy hiểm và sợ hãi cho trẻ”.
Lý giải việc lươn chuyển sang màu đỏ, lương y Vũ Quốc Trung giải thích nguyên nhân bởi khi lươn chết, máu tích tụ, tự khắc sẽ biến sang màu đỏ. Điều này không liên quan tới ban trong người bệnh nhân. Lương y Vũ Quốc Trung tư vấn, khi trẻ sốt phát ban, mẹ nên tìm cách làm mát cho trẻ bằng việc cho uống các loại nước thanh nhiệt, giải độc, không nên dùng các cách chưa được kiểm chứng.
Đồng quan điểm, một bác sĩ khác tại khoa Nội - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương - cũng khẳng định chưa từng nghe đến phương pháp này. Việc đắp lươn trị sốt phát ban vừa không có cơ sở khoa học vừa gây phản cảm, mất vệ sinh.
Tây y nói gì?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cũng nhấn mạnh việc dùng lươn sống tiếp xúc trực tiếp lên da trẻ có thể gây nhiễm trùng và dị ứng, chưa kể đến việc gây hoảng sợ cho trẻ.
Còn bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: “Tôi chưa rõ lăn lươn có tác hại gì cũng như có hiệu quả thực sự như thế nào nhưng người bệnh và phụ huynh không nên đề cập đến và sử dụng biện pháp này để hạ thân nhiệt".
Theo bác sĩ Thái, khi trẻ bị sốt, bác sĩ sẽ tư vấn cách chườm ấm để hạ thân nhiệt kết hợp dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao.
Trao đổi thêm về sốt phát ban, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết nguyên nhân gây sốt phát ban hầu hết do nhiễm virus thông thường (70-80%), trong đó nhóm virus đường hô hấp luôn chiếm đa số và hầu hết là những virus lành tính.
Sốt phát ban có biểu hiện như sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao 38-39 độ C), xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao, trẻ đau đầu hay nhức mỏi các cơ bắp, biếng ăn, biếng bú, một số trẻ có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy.
Sau khi giảm sốt, trẻ sẽ bị phát ban, hồng ban dạng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể của trẻ và sau khi bay thường không để lại dấu tích trên da trẻ.
Đặc biệt, bệnh sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày. Theo PGS Dũng, sốt phát ban không cần chữa trị, các vết ban sẽ tự biến mất. Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C, phụ huynh có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol loại đơn chất với liều 10-15 mg/kg cân nặng, 4-6 giờ một lần. Bên cạnh đó, kết hợp chườm mát cho trẻ bằng nước ấm để nhanh hạ sốt.
Tương tự, bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng cho biết, trẻ bị sốt phát ban nếu được ăn uống, nghỉ ngơi, uống đủ nước, chỉ sau 4-5 ngày bệnh sẽ khỏi, vết ban mất. Do đó, việc dùng lươn sống “hút chất độc từ ban” là nhảm nhí.
Nguồn vietnamnet.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 11964 Trong tuần: 23018 Trong tháng 274514 Tất cả: 17368073