Dù Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã gặp gỡ ít nhất 5 lần kể từ khi hai ông nhậm chức, nhưng chuyến công du tới Mỹ kéo dài từ ngày 24 đến 29/4 của ông Yoon đánh dấu lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia của Hàn Quốc thực hiện một chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ sau 12 năm, trong bối cảnh Nhà Trắng đang tìm cách tăng cường các nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh an ninh quan trọng tại châu Á, Reuters đưa tin.
Theo lịch trình được phía Hàn Quốc công bố, ông Yoon sẽ gặp thượng đỉnh với ông Biden vào ngày 26/4, thời điểm hai ông cùng nhìn lại các thành tựu của mối quan hệ đồng minh trong 70 năm và trao đổi quan điểm về định hướng tương lai của liên minh. Từ Washington, trước khi đón tiếp ông Yoon, Nhà Trắng phát thông cáo khẳng định quan hệ giữa hai nước là “liên minh sắt đá”. “Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về tầm nhìn chung liên minh Mỹ-Hàn mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Nhà Trắng nêu.
Mỹ và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ đồng minh từ tháng 10/1953 với việc hai bên cùng kí một hiệp ước phòng thủ chung sau chiến tranh Triều Tiên. Về các chủ đề cụ thể của cuộc hội đàm cấp cao Mỹ-Hàn, Nikkei dẫn lời Phó Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo thông tin, lãnh đạo hai nước sẽ bàn cách “tăng cường cam kết của Mỹ trong nỗ lực bảo vệ Hàn Quốc bằng năng lực quân sự thông thường và hạt nhân”, ở thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu leo thang.
Trong khi Mỹ và Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên làm gia tăng căng thẳng thông qua các vụ thử tên lửa, thì Bình Nhưỡng lại chỉ trích các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn của Washington cùng Seoul là hành động nguy hiểm, có thể đẩy tình hình lún sâu vào bế tắc. Một số quan chức Mỹ cấp cao gần đây cho hay, ông Biden có thể sẽ đưa ra một số cam kết hành động cụ thể để tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Seoul trước Bình Nhưỡng khi đón tiếp ông Yoon. Theo USA Today, các cam kết đó có thể gồm việc tăng số lượng các cuộc tập trận và hoạt động tham vấn quân sự cũng như triển khai thêm thiết bị chiến lược của Mỹ tới khu vực.
Bài toán lớn mà ông Yoon kì vọng có thể giải quyết nhân chuyến công du Mỹ là vấn đề về chuỗi cung ứng chip bán dẫn. Năm ngoái, Washington đã thông qua một đạo luật mới, trong đó cung cấp nhiều ưu đãi cho các nhà sản xuất chip với điều kiện các công ty đó không được xây dựng một số cơ sở sản xuất nhất định ở Trung Quốc.
Đạo luật nêu trên được cho là đã gây ra nhiều áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất chip hàng đầu của Hàn Quốc hiện đang vận hành các nhà máy ở Trung Quốc. “Đó (chip bán dẫn) là một vấn đề lớn trong mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc và rõ ràng là nó hiện đang gây ra ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ-Hàn Quốc”, chuyên gia Gregory Allen của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nêu quan điểm.
Ở chiều ngược lại, Seoul được cho là cũng có những ưu thế nhất định trên bàn đàm phán về lĩnh vực này. Tờ Financial Times ngày 23/4 cho hay Mỹ rất trông đợi Hàn Quốc không tăng lượng chip bán sang Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh thiếu hụt chip nếu họ ban bố lệnh cấm với nhà sản xuất chip Micron của Mỹ. Ông Patrick Cronin, chuyên gia về Châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Hudson tin rằng Tổng thống Biden và người đồng cấp Yoon sẽ tìm cách “hài hòa các chính sách công nghệ và thương mại, đồng thời bảo vệ chuỗi cung ứng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Một chủ đề mới nảy sinh gần đây có thể cũng sẽ là một trong những nội dung được thảo luận trong chuyến thăm, đó là vụ rò rỉ tài liệu quân sự của Mỹ, trong đó có nhiều phần liên quan đến Hàn Quốc. Một vài tài liệu rò rỉ nói rằng, Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc “bị làm khó” khi Mỹ đề nghị Seoul cung cấp đạn pháo cho Ukraine vì Hàn Quốc lâu nay duy trì chính sách không cung cấp vũ khí cho các bên đang tham gia xung đột quân sự.
Từ năm ngoái, Seoul chỉ viện trợ nhân đạo cho Kiev và ủng hộ Mỹ trong các gói biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga. Những tuần qua, Hàn Quốc không phàn nàn công khai về vụ rò rỉ của Mỹ, cho thấy Seoul rất trông đợi vào việc tăng cường hợp tác an ninh cùng Mỹ. Trước khi lên đường sang Washington, truyền thông Hàn Quốc dẫn lời Tổng thống Yoon mô tả, “liên minh bền vững dựa trên giá trị (là liên minh) có thể cân bằng được ngay cả khi lợi ích xung đột hoặc khi có rắc rối”.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 9178 Trong tuần: 22 Trong tháng 240059 Tất cả: 16389373