Vì sao ông Joe Biden bị điều tra?
Ngày 12/1, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland đã bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để chủ trì cuộc điều tra liên quan các tài liệu mật được phát hiện tại nhà riêng và nơi làm việc trước đây của Tổng thống Joe Biden. Cuộc điều tra đang gây chấn động chính trường Mỹ, hứa hẹn sẽ dẫn đến những biến động mới.
Quyết định được cho là “chóng vánh” của Bộ trưởng Tư pháp Garland được giới phân tích giải thích là nhằm tránh bị cáo buộc về xung đột hoặc can thiệp chính trị. Đây cũng là lần thứ hai trong vòng 3 tháng, Bộ trưởng Garland ra quyết định bổ nhiệm một cố vấn đặc biệt; ông vừa bổ nhiệm công tố viên đặc biệt Jack Smith vào tháng 11/2022 để điều tra việc ông Trump lưu giữ trái phép tài liệu an ninh quốc gia và vai trò của ông trong vụ tấn công Điện Capitol ngày 6/1/2021. Phát biểu tại trụ sở Bộ Tư pháp ở Washington, ông Garland cho biết “những trường hợp bất thường”, cụ thể là Tổng thống Biden, có thể bị gài bẫy trong cuộc điều tra, vì vậy cần có một công tố viên độc lập để giám sát cuộc điều tra.
Ông Garland đã bổ nhiệm ông Robert Hur, một cựu công tố viên liên bang do ông Trump bổ nhiệm và là cựu quan chức hàng đầu của Bộ Tư pháp. Ông Hur sẽ chịu trách nhiệm điều tra hành vi lấy và lưu giữ trái phép các tài liệu mật của ông Biden bị phát hiện tại nhà riêng và nơi làm việc tại tổ chức tư vấn ông từng làm việc trước đây, đồng thời sẽ có quyền truy tố bất kỳ tội danh nào từ kết quả cuộc điều tra.
Ông Hur sẽ kiểm tra khoảng 20 tài liệu mật được tìm thấy tại tổ chức trước đây của ông Biden, bao gồm các báo cáo tình báo nhanh của Mỹ và một số tài liệu được đánh dấu là Tối mật/Thông tin mật, một số tài liệu mật bổ sung chưa được xác nhận nằm trong nhà để xe và một kho chứa gần đó.
Cuộc điều tra được tiến hành khi ngày càng có nhiều dư luận ở Mỹ cho rằng ông Biden có liên quan đến việc mang các tài liệu đến nhà riêng của ông ở Delaware hoặc văn phòng làm việc tại Trung tâm Penn Biden về Ngoại giao và Đối thoại toàn cầu (Trung tâm Penn Biden) thuộc Đại học Pennsylvania ở Washington, nơi ông là Giáo sư danh dự cho đến năm 2019.
Các luật sư riêng của ông Biden đã tìm thấy bộ tài liệu đầu tiên tại Trung tâm Penn Biden vào ngày 2/11/2022 và thông báo cho Cục Lưu trữ quốc gia và Bộ Tư pháp. Cụåc Lưu trữ quốc gia sau đó đã đưa ra một khuyến cáo chính thức khiến ông Garland lập tức giao nhiệm vụ cho luật sư liên bang John Lausch (do ông Trump chỉ định) tiến hành xem xét. Các luật sư của ông Biden sau đó đã phát hiện thêm các tài liệu mật ở Delaware vào ngày 20/12/2022. Vào ngày 5/1/2023, luật sư Lausch đề nghị ông Garland chỉ định một công tố viên đặc biệt để tiến hành một cuộc điều tra. Ngày 11/1/2023, kênh truyền hình NBC News đưa tin cho biết các luật sư riêng của ông Biden đã phát hiện thêm một lô tài liệu mật, nâng tổng số tài liệu được phát hiện lên con số 20.
Tiết lộ về các tài liệu mới được đưa ra vài giờ sau khi Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre thông báo Nhà Trắng cam kết xử lý vấn đề theo “đúng cách”, đồng thời trích dẫn tuyên bố của luật sư riêng của ông Biden về Cục Lưu trữ quốc gia. “Như các đồng nghiệp của tôi trong ngành luật sư đã tuyên bố và nói với tất cả các bạn, đây là một quá trình đang diễn ra dưới sự xem xét của Bộ Tư pháp. Vì vậy, chúng tôi sẽ bị giới hạn về những gì chúng tôi có thể nói ở đây”, ông Jean-Pierre nói.
Ngay trước khi ông Garland bổ nhiệm công tố viên đặc biệt, ông Biden đã nói với các phóng viên báo chí: “Tôi sẽ sớm có cơ hội nói về tất cả những điều này. Mọi người biết tôi coi trọng các tài liệu mật và tài liệu lưu hành nội bộ. Tôi cũng đã nói rằng chúng tôi đang hợp tác đầy đủ và toàn diện với hoạt động thẩm tra của Bộ Tư pháp”.
Phe bảo thủ cũng ngay lập tức nắm bắt được tin tức về các phát hiện này. Từ diễn biến sự việc và những thông tin được công bố, các thành viên hàng đầu trong của đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tình báo Hạ viện đã yêu cầu cộng đồng tình báo Mỹ tiến hành “đánh giá thiệt hại” để đánh giá tác động của việc lưu trữ tài liệu mật ở một địa điểm trái phép.
Ông Donald Trump thì sao?
Riêng đối với ông Trump, ngay khi nắm được thông tin về việc công tố viên đặc biệt điều tra ông Biden, bản thân ông cũng kịch liệt phản đối việc tiến hành các cuộc điều tra và yêu cầu “chấm dứt ngay cái trò công tố viên đặc biệt điều tra” này.
Ông Mike Pence, Phó tổng thống dưới thời ông Trump, lập luận rằng tình hình tương đồng với cuộc điều tra về hành vi cố ý lưu giữ tài liệu mật của ông Trump, từ đó dẫn đến việc FBI lục soát khu nghỉ mát của ông sau nhiều tháng giằng co với các luật sư, trợ lý của ông. “Khi nhà của một cựu tổng thống Mỹ… bị đặc vụ FBI đột kích, tôi vô cùng lo lắng về hành động đó vào thời điểm đó. Và tiêu chuẩn kép này cũng gây rắc rối không kém,” ông Pence nói với một người dẫn chương trình phát thanh.
Tuy nhiên, có những điểm khác biệt lớn giữa vụ tài liệu mật của ông Biden và vụ liên quan đến ông Trump. Hai trường hợp có một điểm tương đồng đáng chú ý: Cả tài liệu mật của ông Trump và tài liệu mật của ông Biden đều được tìm thấy cùng với các tài liệu không được phân loại khác; đây có thể là dấu hiệu nhận biết thời điểm hai ông biết về sự hiện diện của chúng. Khác nhau: Đối với ông Trump, các tài liệu không được phân loại lẫn lộn có thời gian ngay sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, cho thấy ông có quyền truy cập vào các tài liệu được phân loại khi không còn được trao quyền. Đối với ông Biden, các tài liệu trộn lẫn có niên đại không quá năm 2016. Ông Biden và các luật sư riêng của mình đã chủ động trả lại các tài liệu mật có từ thời Tổng thống Barack Obama, khi đó ông Biden còn là Phó tổng thống ngay khi chúng được phát hiện. Ông Trump đã lưu giữ hàng trăm (hơn 300) tài liệu mật và chỉ tuân thủ một phần trát đòi của Đại Bồi thẩm đoàn. Ngược lại, dường như ông Biden không trực tiếp và cố ý lưu giữ các tài liệu mật cũng như không phản đối việc trả lại chúng cho chính phủ.
Vào năm 2021, ban đầu ông Trump được Cục Lưu trữ quốc gia yêu cầu trả lại các tài liệu mà cơ quan này xác định là bị thất lạc, nhưng ông đã trì hoãn yêu cầu trong nhiều tháng. Sau đó, vào tháng 12/2021 ông đồng ý trả lại 15 hộp tài liệu cho chính phủ, trong đó có một số tài liệu đã xếp loại mật. Sự hiện diện của các tài liệu nhạy cảm cao đã khiến Cục Lưu trữ quốc gia chuyển hồ sơ đến Bộ Tư pháp. Tại đây, cơ quan này đã đưa ra bằng chứng cho thấy ông Trump đã không tuân thủ đầy đủ trát đòi từ tháng 5 của Đại Bồi thẩm đoàn yêu cầu trả lại bất kỳ tài liệu nào có dấu mật. Điều đó dẫn đến việc FBI khám xét khu nghỉ mát Mar-a-Lago vào tháng 8 năm ngoái, với bản khai có tuyên thệ của lệnh khám xét chỉ ra rằng ông Trump đang bị điều tra hình sự vì có thể vi phạm Đạo luật Gián điệp (Espionage Act), vốn hình sự hóa việc cố ý lưu giữ các tài liệu an ninh quốc gia và có khả năng cố gắng che giấu các tài liệu mật.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, do số lượng tài liệu khác nhau (ông Biden 20 tài liệu, ông Trump hơn 300 tài liệu), tính chất khác nhau và cách tiếp cận, xử lý vụ việc khác nhau, ông Biden có thể không phải bị điều tra hình sự; còn ông Trump hiện đang bị Bộ Tư pháp điều tra hình sự vì hành vi cản trở công tác điều tra của Bộ Tư pháp.
Các vụ bê bối tài liệu mật liên quan đến cả Trump và Biden sẽ diễn ra trên nhiều bình diện khác nhau, bao gồm cả chính trị và pháp lý. Các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện, với thế đa số kiểm soát Hạ viện, đã tuyên bố sẽ biến vụ việc của ông Biden trở thành tâm điểm chính của các cuộc điều tra được hỗ trợ bởi sức mạnh của trát đòi hầu tòa. Đảng Dân chủ kiểm soát Bộ Tư pháp, và công tố viên đặc biệt Jack Smith - người đang điều tra vụ án tài liệu mật của ông Trump - được biết đến như một chiến binh ngoan cường, từng điều hành bộ phận chống tham nhũng công của Bộ Tư pháp. Nhưng bất kể sức mạnh của vụ án pháp lý như thế nào, việc phát hiện ra các tài liệu tại Trung tâm Penn Biden có thể sẽ gây tác động về mặt chính trị đối với Bộ Tư pháp khi xem xét liệu có buộc tội ông Trump về việc xử lý sai các tài liệu mật hay không. Ông James Comer, tân Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện (thuộc Đảng Cộng hòa), nói với các phóng viên ở Đồi Capitol hôm 9/1 rằng ông sẽ tiến hành một cuộc điều tra về những tài liệu nào được lưu giữ và liệu “tiêu chuẩn kép” có được áp dụng cho ông Biden so với ông Trump hay không.
Vụ “tài liệu mật” của cựu Phó Tổng thống Mike Pence
Giữa lúc đang lùm xùm chuyện “tài liệu mật” của Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump, kênh truyền hình CNN hôm 24/1 đưa tin cho biết luật sư Matt Morgan, luật sư của cựu Phó Tổng thống Mike Pence, đã phát hiện trước đó một tuần khoảng chục tài liệu được đóng dấu mật tại nhà riêng của ông Pence ở Carmel, bang Indiana. Một tuần sau, các phụ tá của ông Pence đã thông báo cho các Lãnh đạo trong Quốc hội và các ủy ban liên quan về phát hiện này. Hiện vẫn chưa rõ những tài liệu này có liên quan đến điều gì hoặc mức độ nhạy cảm hoặc mức độ mật của chúng. Trớ trêu thay, các tài liệu mật được phát hiện sau khi ông Pence nhiều lần nói trên truyền thông rằng ông không sở hữu bất kỳ tài liệu mật nào.
FBI và Bộ Tư pháp Mỹ đang thẩm tra các tài liệu và “nghiên cứu” xem bằng cách nào mà chúng có thể xuất hiện ở nhà riêng của ông Pence.
Theo các nguồn tin, các tài liệu mật phát hiện ở nhà riêng của ông Pence bao gồm các tài liệu chuyển trực tiếp từ Nhà Trắng trong những ngày cuối nhiệm kỳ và các tài liệu được lưu trữ trong các hộp tại ở tạm thời của ông Pence ở bang Virginia trước khi chúng được chuyển đến bang Indiana. Theo luật sư của ông Pence, những chiếc hộp này không ở trong khu vực được bảo đảm an toàn, nhưng chúng được đóng gói dán băng keo và không được mở ra. Sau khi các tài liệu mật được phát hiện, các nguồn tin cho biết chúng được đặt bên trong một chiếc két sắt đặt trong nhà trước khi được chuyển trở về Washington DC để bàn giao cho Cục Lưu trữ quốc gia.
Vụ việc của ông Pence là vụ thứ 3 liên tiếp liên quan đến việc xử lý tài liệu mật của các tổng thống, cựu tổng thống và phó tổng thống trong vòng chưa hết một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 7035 Trong tuần: 7 Trong tháng 249046 Tất cả: 16398358