Yếu tố địa chính trị
Các quốc gia sẽ ngày càng hướng nội, ưu tiên sản xuất năng lượng trong nước và hợp tác khu vực ngay cả khi họ tìm cách chuyển đổi sang mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0. Nếu các quốc gia thu mình vào các khối năng lượng chiến lược, xu hướng kéo dài nhiều thập kỷ hướng tới gia tăng kết nối năng lượng có nguy cơ nhường đường cho một thời đại phân tán năng lượng.
Nhưng, bên cạnh chủ nghĩa dân tộc và phi toàn cầu hóa về kinh tế, trật tự năng lượng sắp xuất hiện sẽ được xác định bởi một điều mà hầu như không có nhà phân tích nào đánh giá được hoàn toàn: Sự can thiệp của chính phủ vào lĩnh vực năng lượng trên quy mô chưa từng thấy trong lịch sử gần đây. Sau 4 thập kỷ nhìn chung tìm cách hạn chế hoạt động trong thị trường năng lượng, các chính phủ phương Tây đang nhận ra sự cần thiết phải đóng một vai trò rộng lớn hơn trong mọi thứ, từ việc xây dựng (và đóng cửa) cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch đến tác động tới việc các công ty tư nhân mua và bán năng lượng để hạn chế phát thải thông qua định giá carbon, trợ cấp, ủy quyền và tiêu chuẩn.
Sự thay đổi này chắc chắn sẽ khiến người ta so sánh với những năm 1970, khi sự can thiệp quá mức của chính phủ vào thị trường năng lượng làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng năng lượng liên tiếp. Tuy nhiên, kỷ nguyên mới của việc chính phủ can thiệp sẽ không phải là điều gì tồi tệ nếu được quản lý đúng cách. Nếu được giới hạn và điều chỉnh phù hợp để giải quyết những thất bại cụ thể của thị trường, sự can thiệp này có thể ngăn ngừa các tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro an ninh năng lượng và giúp quản lý các cách thức địa chính trị lớn nhất của quá trình chuyển đổi năng lượng sắp tới.
Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại một lần nữa hướng sự chú ý của thế giới vào các rủi ro năng lượng mang tính địa chính trị, buộc các bên phải tính toán giữa tham vọng khí hậu của ngày mai và nhu cầu năng lượng của ngày hôm nay, đưa ra góc nhìn dự báo về kỷ nguyên hỗn loạn phía trước. Cách các chính phủ ứng phó với những thách thức này, điều đã trở thành vấn đề nổi bật trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine, sẽ định hình trật tự năng lượng mới trong nhiều thập kỷ tới.
Thách thức của thời cuộc
Nhiều nhà phân tích đã so sánh cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại với cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970, tuy nhiên vẫn có những khác biệt quan trọng. Trước hết, hiện nay nền kinh tế toàn cầu tiêu thụ năng lượng ít hơn trước, nếu so sánh tương quan. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đã vượt xa tốc độ gia tăng về sử dụng năng lượng, vì vậy thế giới hiện nay sử dụng ít năng lượng hơn trên một đơn vị GDP. Hơn nữa, đã có thêm nhiều công ty phân phối dầu trên toàn cầu so với đầu những năm 1970, thời điểm chỉ có một số ít các công ty kiểm soát hầu hết các hoạt động thương mại dầu khí của thế giới. Điều này khiến các chuỗi cung ứng năng lượng giờ đây bền vững hơn.
Dù vậy, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại vượt ra ngoài lĩnh vực dầu mỏ và do đó có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế trên phạm vi rộng lớn hơn. Tất cả các nguồn năng lượng đều có nguy cơ bị gián đoạn bởi tình trạng hỗn loạn. Kể từ khi cuộc chiến bùng nổ ở Ukraine, thị trường năng lượng thậm chí còn biến động nhiều hơn. Thị trường tín dụng thắt chặt, thanh khoản không còn nhiều để hỗ trợ việc mua bán dầu, cả cung và cầu đều trải qua những cú sốc lớn. Tình trạng hỗn loạn trên thị trường khí tự nhiên hóa lỏng đang ngày càng đổ về phía châu Âu vì giá cả ở đây cao hơn, khiến châu Á phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế.
Than đá, sự thay thế dồi dào và tương đối rẻ cho khí đốt, đã giành chiến thắng. Nếu không có sự gia tăng sản lượng than của châu Á, châu Âu sẽ ít có khả năng đối phó với tình trạng thiếu hụt khí đốt từ Nga. Nhưng, sự phụ thuộc lớn hơn vào than đá cũng đẩy giá lên mức cao kỷ lục (so với chính nó), khiến các quốc gia có thu nhập thấp hơn như Ấn Độ và Pakistan phải chật vật để đáp ứng nhu cầu năng lượng giữa những đợt nắng nóng chết người. Tình trạng tăng giá khí đốt, nguyên liệu được sử dụng để sản xuất phân bón, cũng đang thúc đẩy giá thực phẩm vốn đã tăng do gián đoạn trong xuất khẩu nông sản của Nga và Ukraine.
Và đảm bảo an ninh năng lượng
Những vấn đề khẩn cấp nhiều tầng này đòi hỏi phải đánh giá lại bài học từ những năm 1970 về cân bằng giữa sự tham gia của chính phủ và hoạt động tự do của thị trường. Các thị trường đã mang lại lợi ích to lớn trong 40 năm qua, tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng hiện nay làm nổi bật một số thất bại của thị trường mà chỉ có thể được giải quyết bằng sự tăng cường can thiệp của chính phủ.
3 thất bại được thống kê cho thấy chính phủ cần có vai trò lớn hơn trong nỗ lực đạt được mục tiêu kép về tăng cường an ninh năng lượng và chuyển đổi kịp thời sang mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0. Thứ nhất, khu vực tư nhân không có đủ động lực để xây dựng cơ sở hạ tầng và tài sản khác mà hầu hết các quốc gia cần có để đảm bảo an ninh năng lượng. Thứ hai, chỉ riêng lực lượng thị trường thì không thể khuyến khích việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng có trật tự hơn - những cơ sở hạ tầng này vốn dĩ có thể trở nên lỗi thời trước khi các công ty tư nhân hoàn vốn đầu tư. Cuối cùng, các công ty tư nhân và cá nhân thiếu sự khích lệ đủ mạnh để kiềm chế lượng phát thải mà cái giá của nó là do xã hội gánh chịu.
Các chính phủ cũng có thể cần phải can thiệp vào thị trường năng lượng ngoài thị trường dầu khí. Những khoáng sản trọng yếu cần thiết để chuyển đổi năng lượng một cách thành công, chẳng hạn như liti, niken, coban nhiều khả năng sẽ thiếu hụt nguồn cung khi các loại xe điện trở nên thông dụng hơn và khi cơ sở hạ tầng điện mặt trời, điện gió, pin và các hình thức cơ sở hạ tầng phát thải carbon thấp và không phát thải carbon trở nên phổ biến. Đẩy mạnh khai thác các khoáng sản này có thể là giải pháp. Sự can thiệp của chính phủ nhằm tăng cường an ninh năng lượng không nhất thiết giới hạn ở các khoản trợ cấp, miễn thuế và những khích lệ khác.
Ngoại giao cũng có thể giúp bảo đảm nguồn cung năng lượng thích hợp khi xảy ra khủng hoảng. Chẳng hạn, khi châu Âu phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt vào mùa đông năm 2021, Mỹ đã cử phái viên tới Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như nhiều nước khác để thuyết phục họ nhượng lại một số lô hàng khí đốt, sau đó có thể được chuyển hướng sang châu Âu. Mỹ cũng khuyến khích Qatar cho phép bán khí đốt cho các bên mua ở châu Âu - những giao dịch bên thứ ba thường bị cấm theo các điều khoản về điểm đến trong hợp đồng dài hạn. Hoạch định chính sách sáng tạo có thể giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng hiện nay mà không làm suy yếu tiến trình chuyển đổi năng lượng của tương lai.
Di sản của cuộc chiến Ukraine sẽ là một trật tự năng lượng mới, bắt nguồn từ châu Âu nhưng sẽ mở rộng đến những nơi xa xôi nhất của nền kinh tế toàn cầu. Những đòi hỏi cấp thiết về an ninh năng lượng và hành động chống biến đổi khí hậu sẽ định hình trật tự đó.
Việc đồng thời theo đuổi các mục tiêu này mà không để cho chúng làm tổn hại lẫn nhau sẽ đòi hỏi phải khai thác sức mạnh thị trường. Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ đòi hỏi chính phủ phải đảm nhận vai trò rộng lớn hơn nhiều để tận dụng, định hình và chỉ đạo thị trường, sửa chữa những thất bại mà cuộc khủng hoảng hiện nay đã tạo ra. Nếu không có sự can thiệp của chính phủ - một sự can thiệp được điều chỉnh và kiềm chế nhưng chắc chắn sẽ gia tăng - thế giới sẽ phải đối mặt với sự sụp đổ an ninh năng lượng hoặc những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu - hoặc cả hai.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 7034 Trong tuần: 6 Trong tháng 249045 Tất cả: 16398357