Sự “bù đắp” hào phóng
Trước thềm hội nghị, Phó Đại diện Thương mại Mỹ phụ trách khu vực Á - Phi, bà Bianchi, cho biết trọng tâm của chương trình nghị sự là thúc đẩy thực chất hợp tác kinh tế Mỹ - Phi. Ngày 9/12, Chủ tịch Tiểu ban về châu Phi của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Chris Van Hollen và Chủ tịch Tiểu ban về châu Phi của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Karen Bass cùng đề xuất dự luật tăng cường hỗ trợ của Mỹ đối với xây dựng khu vực thương mại tự do châu Phi. Dự luật yêu cầu chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden phát triển cơ sở hạ tầng và hỗ trợ kỹ thuật, để thúc đẩy thương mại lục địa châu Phi.
Ngày 12/12, Nhà Trắng thông báo rằng Mỹ "sẽ chi 55 tỷ USD cho châu Phi trong nhiều lĩnh vực" (nghĩa là vượt qua các cam kết tương tự trị giá 40 tỷ USD của Trung Quốc và 12,5 tỷ USD của Nga trong những năm gần đây). Jake Sullivan, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, hé lộ rằng các khoản tiền này sẽ đặc biệt được dành cho y tế và ứng phó với biến đổi khí hậu trong vòng 3 năm tới, nhưng chưa cho biết chi tiết về nguồn gốc hoặc cách phân bổ.
Theo thông cáo báo chí được đưa ra trong hội nghị, Mỹ và AU đã quyết định thiết lập một "quan hệ đối tác chiến lược", nhằm đối phó với tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới đang trở nên trầm trọng hơn, do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine. Nhà Trắng cũng cho biết Mỹ đã cung cấp gần 11 tỷ USD viện trợ lương thực nhân đạo cho các nước châu Phi trong năm nay.
Bên lề hội nghị, Tổng thống Biden có cuộc gặp với lãnh đạo 6 quốc gia châu Phi, bao gồm Cộng hòa dân chủ Congo, Gabon, Liberia, Madagascar, Nigeria và Sierra Leone, nhằm thảo luận về các cuộc bầu cử sẽ diễn ra tại các nước này trong năm 2023. Thông báo của Nhà Trắng được đưa ra sau cuộc gặp trên cho biết: Mỹ sẽ viện trợ hơn 165 triệu USD để hỗ trợ tổ chức các cuộc bầu cử và quản trị tốt hơn ở châu Phi trong năm tới.
Đến ngày cuối hội nghị thượng đỉnh, thêm không ít lời hứa hẹn đầy hào phóng tiếp tục được “đặt lên mặt bàn”. Thí dụ, khoản viện trợ mới trị giá 2,5 tỷ USD nhằm đảm bảo an ninh lương thực; hay các thỏa thuận thương mại đầu tư hai chiều trị giá hơn 15 tỷ USD, nhằm thúc đẩy các ưu tiên chính gồm năng lượng bền vững, hệ thống y tế, kinh doanh nông nghiệp, kết nối số, cơ sở hạ tầng và tài chính.
Bên cạnh đó, một loạt sự kiện đã được lên lịch sau hội nghị lần này. Đơn cử, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ sớm có chuyến thăm đầu tiên trong nhiệm kỳ tới khu vực châu Phi cận Sahara. Cùng đó, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố ủng hộ việc AU gia nhập Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), với tư cách là thành viên thường trực. Hiện chỉ có Nam Phi là nước châu Phi duy nhất đồng thời là thành viên G20, trong khi AU bao gồm 55 thành viên.
Trong một cái nhìn khái quát, khi hội nghị khép lại, có thể nói, Washington đã tiến được một bước quan trọng theo chiến lược “phóng tài hóa, thu nhân tâm”, nhằm quay trở lại tranh giành ảnh hưởng tại châu Phi - khu vực đang ngày càng trở nên “nóng bỏng” trong mắt các trung tâm quyền lực quốc tế.
Một chặng đường vòng
Nhìn ngược lại, không phải đến bây giờ nước Mỹ mới quan tâm đến châu Phi. Từ năm 2000, Tổng thống Bill Clinton đã ký Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi (AGOA), cho phép tiếp cận miễn thuế đối với hàng hóa của các quốc gia châu Phi được chỉ định vào Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi đầu tiên được tổ chức vào năm 2014 dưới thời Tổng thống Barack Obama cũng đưa ra một loạt cam kết như mở rộng AGOA đến năm 2025, đầu tư 110 triệu USD mỗi năm trong vòng 3 đến 5 năm cho chương trình huấn luyện chống khủng bố tại châu Phi...
Ông chủ Nhà Trắng khi đó đã công bố các cam kết của khu vực tư nhân nhằm tăng cường đầu tư và thúc đẩy hợp tác với các nước châu Phi về các sáng kiến trong lĩnh vực năng lượng, dịch vụ tài chính, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, chăm sóc sức khỏe và các lĩnh vực khác.
Châu Phi thực sự đã được hưởng lợi từ một số sáng kiến này. Ví dụ, trong sản xuất và phân phối năng lượng, dự án “Sức mạnh châu Phi” đã trở thành nền tảng nâng cao thắp sáng toàn châu Phi, cung cấp điện cho 165,4 triệu người.
Việc triển khai AGOA đã giúp các nước châu Phi xuất khẩu những sản phẩm phi dầu mỏ trị giá 33 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2021; khoảng 267 triệu USD đã được đưa vào ngân sách cho giai đoạn 2015- 2017 để hỗ trợ xây dựng năng lực cho quân đội châu Phi. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng những kết quả đạt được chỉ là số ít so với số sáng kiến, cam kết đã được Mỹ đề ra, trong quan hệ với châu Phi.
Một trong những lý do trực tiếp là việc quan hệ giữa hai bên trở nên nguội lạnh dưới thời Tổng thống Donald Trump, với động thái cụ thể là tạm dừng thực hiện AGOA. Những biến động phức tạp trên chính trường Mỹ tạo nên khoảng thời gian gián đoạn 8 năm, làm lung lay lòng tin của châu Phi đối với Washington. Trong khi đó, Nga hay Trung Quốc tiếp tục củng cố ảnh hưởng tại khu vực, còn châu Âu cũng đẩy mạnh sự hiện diện tại Lục địa Đen. Phải sau 8 năm, Mỹ mới có một hội nghị thượng đỉnh với châu Phi, trong khi Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Trung Quốc liên tục tổ chức các hội nghị thượng đỉnh với châu Phi định kỳ 3 năm một lần, đồng thời cũng đã bơm hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng và ngành năng lượng châu Phi.
Nói cách khác, với châu Phi, Washington đang phải tiếp cận với tư cách một kẻ “chậm chân” và do đó, sẽ phải nỗ lực gấp bội để “lấy lại thời gian đã mất”.
"Việc lôi kéo các nước châu Phi khỏi sức hút từ Trung Quốc thực sự kém khả thi, bởi các khoản đầu tư về cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trên khắp lục địa này vô cùng đáng kể", ông Shingirayi Kondongwe, một học giả của Ủy ban Liên minh châu Phi từ Zimbabwe, nhận xét. Trung Quốc hiện đã tài trợ hoặc xây dựng hơn một nửa các dự án cơ sở hạ tầng hiện có của lục địa này. Theo Statista, từ năm 2013 đến 2020, Mỹ mới đầu tư 2,1 tỷ USD vào châu Phi - chỉ tương đương 50% so với Trung Quốc.
Theo số liệu chính thức, từ năm 2000 đến năm 2019, Bắc Kinh đã tài trợ khoảng 153 tỷ USD cho các tổ chức công ở châu Phi, với phần lớn dành cho phát triển cơ sở hạ tầng ở các quốc gia đã tham gia dự án “Một vành đai, Một con đường”. Thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã tăng trưởng liên tục và đạt mốc kỷ lục năm ngoái với 261 tỉ USD. Ngược lại, thương mại của Mỹ và Lục địa Đen xuống mức 64 tỉ USD, tức chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 1,1% tổng thương mại của Mỹ trên toàn cầu, theo tờ New York Times. Rõ ràng, nước Mỹ đã tụt lại khá xa so với “kình địch” kinh tế đáng gờm nhất.
Cuộc đua nóng bỏng
Vì sao châu Phi lại trở thành một điểm đến hấp dẫn trong thế kỷ XXI? Câu trả lời rất đơn giản: Châu Phi là một thị trường tiềm năng, với tổng GDP là 2.600 tỷ USD. Và, còn quan trọng hơn thế, lục địa này cũng giàu trữ lượng dầu khí cũng như những khoáng sản quan trọng, để giúp mọi cường quốc (nhất là các cường quốc phương Tây) thực hiện tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế không carbon.
Một thí dụ, theo báo cáo của Quỹ nghiên cứu Mo Ibrahim, trong giai đoạn 2011-2018, riêng châu Phi đã chiếm đến 41% các mỏ khí đốt mới được phát hiện trên thế giới. Và, khi thế giới đang phải đối diện với nguy cơ một cuộc khủng hoảng năng lượng mỗi lúc một thêm trầm trọng, cũng như đối mặt các vấn đề mang tính sinh tử đến từ tiến trình biến đổi khí hậu-môi trường, tiềm năng năng lượng cũng như năng lượng tái tạo từ châu Phi có thể xem là một cánh cửa thoát hiểm vô giá.
Nhưng, hiện tại, chính châu Phi lai đang bị bủa vây bởi nhiều thách thức cấp bách: Mất an ninh lương thực, sức khỏe và dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột quân sự... Đồng thời, châu Phi vẫn đang quay cuồng với tác động của đại dịch COVID-19. Những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu cũng được cảm nhận mạnh mẽ, đặc biệt là ở vùng Sừng châu Phi và vùng cận Sahara, nơi hạn hán kéo dài đã dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực lan rộng và nạn đói hoành hành. Dù châu Phi vốn đóng góp ít nhất vào sự nóng lên toàn cầu, song theo Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế, 146 triệu người tại Lục địa Đen hiện đang thiếu ăn.
Và bởi vậy, thực tế, châu Phi không cần lắm những cột mốc ngoại giao mang tính biểu tượng đơn thuần. Nói như Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahama hồi đầu năm: Rõ ràng vẫn có những mối quan tâm ngày càng tăng đối với châu Phi. Nhưng, thành thật mà nói, sự quan tâm này chưa thực sự được xem xét theo hướng có lợi cho châu Phi”.
Do đó, thực tế, vẫn còn đủ thời gian để nước Mỹ thay đổi tình thế và “trở lại châu Phi” như kỳ vọng. Vấn đề chỉ là Washington phải chứng tỏ được với Lục địa Đen, rằng những gì đã đạt được ở hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ hiện hữu và tồn tại lâu dài.