CÔNG AN BẠC LIÊU
COP27: Đền bù, cạnh tranh và hợp tác
Cập nhật ngày: 19-12-2022, lượt xem: 84
Đúng như dự đoán, việc thiết lập một cơ chế tài chính để khắc phục những tổn thất và thiệt hại liên quan đến khí hậu là chủ đề được tranh luận nhiều nhất ở sa mạc Sinai - nơi tổ chức Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vừa qua. Điều nổi lên là sự kết hợp của 3 vấn đề cố hữu vốn mâu thuẫn với nhau: Vừa kêu gọi phải có sự hợp tác cần thiết, vừa thừa nhận tồn tại cạnh tranh và tác động khủng khiếp từ sự đối đầu giữa các khối.

COP27, hay còn gọi là “COP châu Phi”, cuối cùng đã kết thúc với một thỏa thuận mang tính biểu tượng về việc thành lập quỹ bồi thường cho các nước đang phát triển “đặc biệt” dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.

Quyết định này là cần thiết cho các quốc gia chịu ảnh hưởng; nó cũng mang tính lịch sử vì đây là lần đầu tiên một cơ chế tài chính cho việc bồi thường các thiệt hại do biến đổi khí hậu được thống nhất ở cấp Liên hợp quốc.

Lần đầu tiên trong lịch sử hội nghị về biến đổi khí hậu, các cuộc thảo luận về việc thực hiện cơ chế tài trợ tổn thất và thiệt hại đã được bổ sung vào chương trình nghị sự chính thức trong ngày đầu tiên của COP27. Điều này đã làm dấy lên nhiều hy vọng từ các quốc gia dễ bị tổn thương và được hầu hết các nước đang phát triển ủng hộ, rằng quỹ khắc phục những tác động trực tiếp nhất của biến đổi khí hậu sẽ được thành lập. Tuy nhiên, các quốc gia phát triển như các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ ban đầu phản đối cơ chế tài chính này, cho rằng nó không có các quy tắc vững chắc để xác lập và truy xuất nguồn gốc - một mục tiêu mà họ cho là không thể đạt được tại COP27.

COP27: Đền bù, cạnh tranh và hợp tác -0
Các nhà lãnh đạo tham dự COP27.

Các nước phát triển cũng không sẵn lòng ủng hộ một cơ chế không thể buộc các quốc gia mới có thu nhập cao khác như Singapore, các chế độ quân chủ dầu mỏ Vùng Vịnh và thậm chí cả Trung Quốc phải đóng góp một cách công bằng. Đồng thời, Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS), những nước quan tâm nhất đến tổn thất và thiệt hại, đã yêu cầu Trung Quốc và các quốc gia gây ô nhiễm chủ yếu khác đóng góp đáng kể vào cơ chế tài chính được thảo luận tại COP27. Trung Quốc đã do dự trước cuộc thảo luận ở Sharm el-Sheikh về việc đền bù tổn thất và thiệt hại. Đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Bắc Kinh phải giải quyết: Việc hỗ trợ đền bủ tổn thất và thiệt hại sẽ tăng cường tính hợp pháp cho vị trí lãnh đạo mà nước này mong muốn đối với các nước đang phát triển.

Sau bước ngoặt bất ngờ vào cuối hội nghị, các nước phát triển cuối cùng cũng đã đạt được một thỏa thuận về quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại. Tuy nhiên, những vấn đề khó khăn nhất liên quan đến cơ chế đền bù tổn thất và thiệt hại này phải chờ các hội nghị trong tương lai trả lời. Chúng xuất phát từ tầm nhìn khác nhau căn bản giữa các bên tham gia về quỹ này. Thứ nhất, tài liệu về các thỏa thuận tài trợ không đưa ra một định nghĩa rõ ràng cũng như không thỏa thuận về việc thế nào là một “quốc gia đang phát triển đặc biệt dễ bị tổn thương” được hưởng lợi từ quỹ. Các nước châu Âu, Mỹ và Nhật Bản không muốn bị buộc phải tài trợ cho các nước đang phát triển “có thu nhập trung bình và cao”, trong khi các nước G7 và Trung Quốc không muốn phân biệt đối xử giữa các thành viên. Thỏa thuận cuối cùng cũng đề cập đến “các nguồn hỗ trợ rộng hơn” đầy mơ hồ, ngụ ý một “giải pháp chắp vá” bằng cách xóa nợ, kêu gọi các tổ chức như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đóng góp và có thể là các quốc gia ngoài các nước phát triển thường thấy. Tất cả những điều này vẫn cần được xác định tại các COP trong tương lai.

Việc châu Âu thay đổi quan điểm để ủng hộ thành lập một quỹ đền bù tổn thất và thiệt hại tại COP27 là một nhượng bộ chiến thuật. Điều kiện ban đầu là các nước đang phát triển phải ủng hộ tham vọng cụ thể và ngày càng gia tăng về giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, được đưa ra trong văn kiện cuối cùng nhằm bảo toàn mục tiêu 1,5oC (hạn chế nhiệt độ nóng lên trong phạm vi 1,5oC so với mức tiền công nghiệp) của Hiệp định Paris. Cùng với 80 quốc gia khác, EU đã kêu gọi các bên cam kết mạnh mẽ về việc giảm dần tất cả nhiên liệu hóa thạch trong tuyên bố cuối cùng - những lời lẽ vốn được Ấn Độ đề xuất đầu tiên nhằm mở rộng cam kết loại bỏ than được thống nhất tại COP26, vàkêu gọi Chương trình Công tác giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu vốn đang được tiến hành để thực hiện mục tiêu 1,5oC.

Đáng tiếc là cả 2 mục tiêu này đều không thành hiện thực. Văn kiện cuối cùng của COP27 đề cập đến mục tiêu 1,5oC, nhưng không nhắc đến những giải pháp sẽ được thực hiện. Điều này cho thấy thiếu mong muốn thực tế. Về mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, chỉ có một số tài liệu tham khảo mới về năng lượng tái tạo và phát thải thấp được thống nhất. Nhiệm kỳ Chủ tịch COP27 của Ai Cập gắn liền với lợi ích dầu mỏ, ban đầu đề xuất những cam kết yếu hơn so với Hiệp ước khí hậu Glasgow được thông qua năm 2021 tại COP27.

Trong trường hợp xấu nhất, đây có thể là một sự xung đột - mâu thuẫn trực tiếp và nghiêm trọng với mục tiêu dự kiến của COP27 về kế hoạch thực hiện.

Các nước châu Âu muốn tin rằng thiện chí mà họ thể hiện khi cam kết đền bù tổn thất và thiệt hại tại COP27 sẽ giúp làm dịu đi sự đối đầu truyền thống trong khối giữa các nước phát triển và đang phát triển, tạo không gian cho cam kết lớn hơn đối với mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại các COP trong tương lai. Chỉ thời gian mới có thể trả lời, nhưng có thể coi đây là nền tảng cho những giấc mơ ngọt ngào. Chừng nào cán cân quyền lực trong G77 - nền tảng điều phối chính của các nước đang phát triển, quy tụ 134 quốc gia - vẫn giữ nguyên, liên kết lợi ích của những gã khổng lồ công nghiệp đang phát triển nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ, các quốc gia dầu mỏ bám chặt lấy những lợi ích kinh tế của họ và một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu - điều này sẽ không thay đổi.


Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác