Khởi động từ ngày 13/12 với chuỗi nhiều hoạt động thúc đẩy các mặt hợp tác kinh tế, an ninh, năng lượng, khai phá không gian và chống biến đổi khí hậu, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi hôm nay (15/12) bước vào phiên họp cấp cao quan trọng nhất khi Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden sẽ trực tiếp hội đàm với 49 nhà lãnh đạo các quốc gia châu Phi, sự kiện được Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả là nhằm "thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với châu Phi, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-châu Phi và tăng cường hợp tác về các ưu tiên chung toàn cầu".
Đây là lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi diễn ra kể từ năm 2014 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Sự kiện khi đó được xem là dấu mốc lịch sử quan trọng, không chỉ bởi nguồn gốc da màu của ông Obama mà còn vì những cam kết của Washington nhằm tăng cường hợp tác với khu vực. Tuy nhiên, vài năm gần đây, các cam kết của Mỹ có dấu hiệu không được chú trọng.
Trước khi hội nghị khai mạc, Thứ trưởng Thương mại Mỹ Don Graves thừa nhận, Washington đã tụt lại phía sau Trung Quốc về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi, dù mô tả Mỹ "vẫn là đối tác được lựa chọn" của châu lục. Theo New York Times, chỉ tính năm 2021, giá trị kim ngạch thương mại của Mỹ và châu Phi chỉ đạt khoảng 64 tỷ USD, chiếm 1,1% tổng giá trị thương mại của Mỹ trên toàn cầu và bằng khoảng 1/4 so với kim ngạch thương mại Trung Quốc - châu Phi (261 tỷ USD).
Với cách tiếp cận như vậy, Mỹ được mô tả là sẽ tận dụng sự kiện lần này để làm mới những cam kết, hướng tới phần nào vực dậy niềm tin của "lục địa đen" vào Washington. AP cho biết, một trong những cam kết được chú ý nhất là việc Tổng thống Biden dự kiến kêu gọi đưa Liên minh châu Phi (AU) trở thành thành viên thường trực của Nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20). Hiện chỉ có Nam Phi là quốc gia châu Phi đầu tiên của G20, trong khi AU có tới 55 thành viên.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định, động thái này chứng tỏ sự công nhận của chính quyền Mỹ với việc "cần nhiều tiếng nói của châu Phi hơn trong các cuộc thảo luận quốc tế" xung quanh các tình huống toàn cầu. Ông Kirby thậm chí úp mở rằng Washington có thể sẽ ủng hộ việc bổ sung một quốc gia châu Phi làm ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ).
Tại phiên thảo luận tới đây, ông Biden cũng có kế hoạch công khai chi tiết chương trình hỗ trợ lục địa 55 tỷ USD trong 3 năm tới để "giải quyết các vấn đề cấp bách", theo tiết lộ được Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đưa ra cách đây hai ngày. Ngoài ra, nhằm củng cố quan hệ thương mại và đầu tư trong tương lai, hội nghị sẽ bàn về sự tham gia của Mỹ vào Hiệp định Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AFCFTA), thúc đẩy an ninh lương thực và tăng cường đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, y tế, năng lượng tái tạo ở châu Phi.
Một chủ đề khác dự kiến đề cập là số phận của Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi (AGOA), thỏa thuận năm 2000 cho phép các sản phẩm từ các quốc gia cận Sahara tiếp cận thị trường Mỹ miễn thuế. Văn kiện này dự kiến hết hạn vào năm 2025 và châu Phi muốn tìm kiếm một thỏa thuận mới toàn diện hơn, hấp dẫn hơn.
Chính quyền Mỹ đánh giá, tầm quan trọng của châu Phi đối với thương mại và đầu tư toàn cầu sẽ tăng lên đáng kể khi dân số châu Phi dự kiến sẽ tăng lên 2,5 tỷ người vào năm 2050, chiếm hơn 1/4 dân số thế giới, với thị trường kinh doanh và tiêu dùng trị giá 16 nghìn tỷ USD. Vào thời điểm cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở "lục địa đen" đang diễn ra quyết liệt, các chuyên gia tin rằng, 49 nhà lãnh đạo châu Phi cũng sẽ tận dụng "vị thế được lựa chọn đối tác" để đưa ra những đề nghị mạnh mẽ hơn với Mỹ.
Ông Serge Mombouli, Trưởng đoàn Ngoại giao châu Phi tại Mỹ cho biết: "Chúng tôi có một số mong mỏi ở với hội nghị lần này. Thứ nhất là mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn, ở mức độ cao hơn giữa Mỹ và châu Phi. Thứ hai, chúng tôi chờ đợi sự tham gia nhiều hơn của Mỹ trong việc thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi".
Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Martin Andati từ Nairobi nói với hãng tin DW rằng, các nhà lãnh đạo châu Phi sẽ không còn cần tiếp cận hội nghị với vị thế là bên đi "xin" hỗ trợ như lâu nay. "Họ cần tham gia vào một hình thức hợp tác đôi bên cùng có lợi", ông Andati nhận định.
Nguồn: cand.com.vn