Đòn trừng phạt nửa vời
Ngày 3/12/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Czech, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, ông Jan Lipavsky thông báo: EU đã đạt được thỏa thuận về mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ Nga. Đây là biện pháp trừng phạt mới nhất EU thực hiện, sau thời gian dài bị thúc giục bởi đồng minh lớn nhất của mình là Mỹ. Với nhiều người, việc EU đồng ý cùng Mỹ áp giá trần lên dầu Nga có thể coi là bước tiến của liên minh trong nỗ lực chung cùng làm suy yếu kinh tế Nga.
Nhằm ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, trong suốt 9 tháng qua, EU đã liên tục giảm lượng dầu nhập khẩu từ Nga và đang hướng tới việc dừng nhập. Đây là một phần trong kế hoạch lớn của EU nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Nhưng, với việc chấp nhận vẫn nhập khẩu dầu Nga với giá "thấp hơn một chút" theo thỏa thuận áp giá trần, thực tế đây là một bước lùi của EU khi không tìm được đủ nguồn cung mới mà vẫn muốn duy trì sức ép về phía Moscow.
Hiện tại, dầu Ural của Nga nhập vào EU đang ở mức 65 USD/thùng - mức giá ko quá chênh lệch so với mức giá trần. Giá dầu chung của thị trường thế giới cũng đang giảm do nhiều nguyên nhân và có thể xuống dưới 60 USD/thùng trong thời gian tới. Giới hạn của mức giá trần được EU chấp nhận cũng chỉ tối đa thấp hơn 5% so với giá thị trường nếu có thay đổi cũng khá dễ chịu. Còn theo kế hoạch ban đầu mà Mỹ đưa ra, tham vọng của họ là cùng với EU và nhóm G7 có thể thiết lập mức giá trần với dầu của Nga là 30 USD/thùng. Sự chênh lệch giữa mục tiêu và kết quả rõ ràng là quá lớn để có thể nói quyết định cùng tham gia với Mỹ lần này của EU là một sự "đồng thuận hoàn toàn". Có thể thấy, EU đã "lách luật" bằng cách thiết lập một thỏa thuận an toàn hơn cho mình. Thêm vào đó, cần phải nhấn mạnh rằng, với EU lúc này, dầu không phải là món hàng quan trọng đối với họ nếu so với khí đốt, thứ mà hầu như tất cả các thành viên EU đều phụ thuộc vào Nga. EU cũng đồng thời bác bỏ kế hoạch "áp giá trần khí đốt Nga" do Mỹ đề xướng.
Có 2 lý do quan trọng để nói mặt hàng dầu không còn là mối lo lớn với EU nữa. Thứ nhất là nhu cầu sử dụng xăng dầu của EU đã và đang giảm dần theo thời gian kể từ trước cuộc xung đột. Thứ hai, xăng dầu vốn là mặt hàng có thể dễ dàng đa dạng nguồn cung với nhiều nhà cung cấp lớn khác, phù hợp với tiêu chuẩn EU.
Nhưng, câu chuyện với khí đốt thì hoàn toàn khác. Khí đốt là mặt hàng chiến lược quan trọng của EU trong hơn một thập kỷ qua, với nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. EU dù nỗ lực cũng không có được nhà cung cấp thay thế nào khả dĩ so với Nga, cả về số lượng lẫn giá cả.
Sự phổ biến của khí đốt trong đời sống hằng ngày khiến nó càng nhạy cảm với các thay đổi. Phần lớn khí đốt thiên nhiên ở châu Âu được sử dụng để sinh nhiệt và đun nấu trong các lĩnh vực thương mại và dân dụng. Sản xuất điện chỉ chiếm chưa đến 30% trong số 550 tỷ m3 khí tiêu thụ ở châu Âu hằng năm. Ở Đức, tỷ lệ này chỉ ở mức 20% tổng lượng khí đốt tiêu thụ trong nước. Một tỷ lệ lớn được sử dụng để sưởi ấm là lý do mà tiêu thụ khí đốt ở châu Âu mỗi mùa đông đều tăng vọt. Vì thế, bất cứ quyết định lớn nào liên quan đến khí đốt cũng đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới từng hộ gia đình và gây ra tác động khó lường.
Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, nguồn cung khí đốt tới EU bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tạo ra cơn bão lạm phát và suy giảm công nghiệp lớn nhất trong lịch sử của khối này. Mới nhất, hôm 30/11, giá khí đốt ở châu Âu lập đỉnh mới ở mức 1.600 USD/1.000 m³. Nền kinh tế khu vực gần như đông cứng giữa mùa đông, vì thế bất cứ tác động tiêu cực tới thị trường lúc này đều là quá sức chịu đựng của EU. Có thể thấy, EU cũng đã phải né dùng những đòn trừng phạt có thể gây phương hại lớn tới mình.
Bằng mặt mà không bằng lòng
Nhà cung cấp khí đốt lớn nhất thay thế Nga của EU, kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra đến nay, là Mỹ. Nhưng, một đạo luật về năng lượng xanh của Mỹ đã đánh thuế mặt hàng xuất khẩu này khá nặng, khiến giá khí đốt mà EU phải nhập cao gấp 4 lần so với ở Mỹ. Đây được coi là điều "bất bình đẳng" trong mối quan hệ đồng minh giữa hai bên. Trong bối cảnh cuộc xung đột khiến EU kiệt quệ, sự bất bình đẳng này đang làm rõ thêm những rạn nứt.
Mới đây, tờ POLITICO số ra ngày 24/11 đã trích lời phát biểu của một quan chức EU cấp cao giấu tên rằng: "Thực tế, nếu bạn nhìn nhận vấn đề một cách tỉnh táo, quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc xung đột này là Mỹ vì họ đang bán nhiều khí đốt hơn, với giá cao hơn và họ cũng đang bán nhiều vũ khí hơn". Đây là chỉ trích nặng nề tới từ một nhà lãnh đạo EU khi nói về đồng minh quan trọng nhất của mình. Với phát biểu này, có thể thấy trong suy nghĩ của nhà lãnh đạo EU, Mỹ đang "trục lợi" từ cuộc chiến mà EU bị thiệt hại.
Một cách nhẹ nhàng hơn, Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại và thương mại EU Josep Borrell cũng đánh giá: “Người Mỹ đã đưa ra những quyết định gây chấn động nền kinh tế của chúng tôi”. Thực ra, đây không phải là suy nghĩ mới của các nhà lãnh đạo EU. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nói rằng giá khí đốt cao của Mỹ không “thân thiện”. Còn Bộ trưởng Kinh tế Đức cũng từng kêu gọi Washington nên thể hiện “sự đoàn kết giúp giảm chi phí năng lượng".
Nhưng, trong thời gian gần đây, những chỉ trích cả công khai lẫn kín đáo đến từ các quan chức EU đang ở mức độ mới, cho thấy phản ứng mạnh mẽ hơn trong bối cảnh chính quyền Mỹ thực hiện những chính sách mà theo họ có thể "đe dọa phá hủy ngành công nghiệp châu Âu". Một trong những quyết định đó là Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được đề xuất tháng 8/2022 có những điều khoản gây hại cho ngành sản xuất xe điện châu Âu. Các nước châu Âu cho rằng đạo luật là biểu hiện của "chủ nghĩa bảo hộ" và "phân biệt đối xử" khi nó gây ra tình trạng cạnh tranh không công bằng đối với các nhà sản xuất nước ngoài. Ông Josef Sikela, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Czech thẳng thắn bày tỏ: "Tôi nghĩ cách IRA được trình bày đối với EU là không thể chấp nhận được. Nó cực kỳ bảo hộ đối với hàng xuất khẩu từ EU và chúng tôi phải làm rõ điều đó". Còn Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU, bà Margrethe Vestager nói: “Về nguyên tắc, chúng ta không nên đặt ra các quy định chống lại bạn bè của mình”. Thậm chí, có nhà ngoại giao EU còn đặt câu hỏi: "Washington có còn là đồng minh của chúng ta nữa hay không?”.
Trong khi Mỹ tiếp tục bán khí đốt và vũ khí cho EU với giá cao thì IRA lại thổi bùng lên một ngọn lửa mới. Bộ trưởng Tài chính Pháp, Bruno Le Maire phát biểu ngày 27/11, nói rằng: "Châu Âu cũng cần bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình". Một phát biểu như để mở đầu cho những đòn đáp trả từ EU.
Quay lại với chuyện khí đốt, khi lợi ích của mình bị ảnh hưởng, không chỉ từ chối tham gia vào kế hoạch áp giá trần Nga, các nhà lãnh đạo EU còn đang bàn thảo kế hoạch nối lại đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc với Nga vốn đã bị dừng từ tháng 9 năm nay. Nhưng, để đảm bảo an toàn cho đường ống, Đức và Na Uy thậm chí còn đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phối hợp để bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới biển này, trong bối cảnh sự cố rò rỉ trước đó bị cho là hành động phá hoại có chủ đích. Để tăng thêm sức nặng cho đề nghị, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu rõ: “Đừng ai nghĩ rằng các cuộc tấn công sẽ tiếp diễn mà không lãnh hậu quả". Sức ép từ bài toán kinh tế đang khiến EU phải thực hiện những bước đi trái ngược với đồng minh của mình, câu chuyện một lần nữa đặt ra những vấn đề về sự đồng thuận, trong bất cứ mối quan hệ nào, khi liên quan tới lợi ích.
Nguồn: cand.com.vn