1. Bạo lực đã ập tới, ngay từ trước khi tháng Lễ Thánh Ramadan (tháng 4) của 1,8 tỷ tín đồ Hồi giáo trên thế giới chính thức bắt đầu. Từ cuối tháng 3 tính đến ngày 19-4, đã có 36 người thiệt mạng.Từ ngày 15-4, sau những vụ xô xát, có ít nhất 200 người bị thương, chủ yếu là người Palestine. Khu vực đền Al-Aqsa, nơi thờ tự linh thiêng, biến thành khu vực tranh chấp. Và, Jerusalem - thánh địa của cả 3 tôn giáo lớn (Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái) vì thế lại trở thành chiến trường.
Đây không phải lần đầu tiên máu đổ trong tháng lễ Ramadan (cũng là dịp lễ Phục sinh của Thiên Chúa giáo và cũng là lễ Vượt qua của Do Thái giáo, trong năm 2022 kỳ lạ). Mới năm ngoái, bất chấp sự hoành hành của đại dịch COVID-19, các vụ đụng độ trong khuôn viên cổ thành nghìn tuổi này đã dẫn đến một cuộc xung đột kéo dài 11 ngày giữa lực lượng Israel và các nhóm vũ trang ở Dải Gaza. Còn hiện tại, ở Jerusalem cũng như ở Bờ Tây, con số thương vong đang tăng lên mỗi ngày.
Từ ngày 11-4, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã phải lên tiếng: “Các bên liên quan không được phép coi trẻ em là mục tiêu tấn công bạo lực, phải tránh làm tổn thương trẻ em bằng mọi giá”. Đồng thời, ông kêu gọi các lực lượng an ninh - quốc phòng Israel “kiềm chế tối đa và chỉ sử dụng vũ khí sát thương khi không thể tránh được”.
Song, đến tận ngày 19-4, sau một cuộc họp kín khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, 5 nước châu Âu là Ireland, Pháp, Estonia, Na Uy và Albania vẫn phải ra một tuyên bố chung, nhấn mạnh lại một lần nữa: "Bạo lực cần phải được chấm dứt ngay lập tức. Ngăn chặn các vụ thương vong cho dân thường phải là ưu tiên hàng đầu. Hiện trạng của các địa điểm linh thiêng phải được tôn trọng hoàn toàn". Tuyên bố chung ấy cũng khẳng định: “Tình hình an ninh xuống cấp (tại Jerusalem) nhấn mạnh sự cần thiết khôi phục tầm nhìn chính trị cho một tiến trình hòa bình đáng tin (ở Trung Đông)".
Còn nhớ, trong “cuộc chiến mùa hè” năm 2014, theo nhận định từ Liên Hợp quốc, các hình thức tội phạm chiến tranh đã được thực hiện ở cả hai phía, trên Dải Gaza. Hiện tại, như Thủ tướng Palestine - ông Mohammad Shtayyeh - cáo buộc: các quan chức Israel thậm chí đã kêu gọi người dân của mình mang súng ra đường. Trong khi đó, 5 quốc gia châu Âu kể trên lên án "mọi hành động khủng bố" và các vụ bắn tên lửa ngày 18-4 từ Dải Gaza vào Israel.
Trung Đông, nói một cách chính xác, đã thực sự ở trong tình trạng chiến tranh.
2. Có lẽ, cũng chẳng để làm gì, chuyện cố gắng phân tách rạch ròi xem phía nào chịu trách nhiệm khơi mào đợt gia tăng căng thẳng mới này. Là các lực lượng an ninh - quân đội Israel, với những hành động trấn áp quá mức hoặc những đợt tiến công vào thành phố Jenin của Palestine ở Bờ Tây? Hay là những hành động trả đũa mang tính vũ trang từ phía lực lượng Hamas (cũng như những đám đông người Palestine tại các khu vực cầu nguyện)?
Trong một tuyên bố ngày 18-4, Thủ tướng Israel Naftali Bennett nhấn mạnh nước này "đang nỗ lực hết sức để mọi người dân, không phân biệt là tín đồ Do Thái, Hồi giáo hay Thiên Chúa giáo, đều có thể ăn mừng các ngày lễ một cách an toàn". Nhưng, theo Tân Hoa xã, sáng 17-4, cảnh sát Israel đã giải tán đám đông người Palestine tụ tập tại quảng trường lớn bên ngoài đền thờ Al Aqsa. Vào thời điểm này, hàng chục người đang cầu nguyện bên trong đền thờ. Theo cảnh sát Israel, lực lượng an ninh đã tiến hành dỡ bỏ các rào chắn mà người Palestine dựng qua đêm trên khu vực đi bộ. Cảnh sát Israel cho rằng động thái này là nhằm tạo thuận lợi cho các tín đồ cầu nguyện người Do Thái và Hồi giáo. Cũng ngày 18-4 ấy, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo bắt giữ 11 người, trong một chiến dịch truy quét khủng bố ở khu vực Judea và Samaria thuộc Bờ Tây.
Tôn giáo, như vậy, đã một lần nữa không thể đóng vai trò gắn kết mà lại là nguyên nhân chia rẽ, như suốt hàng nghìn năm qua trên mảnh đất này.
Tuy vậy, vấn đề cốt lõi có lẽ không nằm ở đó, trên ranh giới mong manh của 3 tôn giáo rất gần gũi về nguồn cội ấy (Thiên Chúa giáo và Hồi giáo đều thoát thai từ các tín điều cơ bản của Do Thái giáo cổ). Vấn đề cốt lõi, thực ra, nằm trong tâm thức phản kháng của dân tộc Palestine và trong cách thức mà các trung tâm quyền lực thế giới, nhất là phương Tây, để mặc những lời kêu gọi thống thiết về chủ quyền của họ rơi vào thinh lặng.
Thật khó để tách rời hiện trạng các vụ xô xát đẫm máu vào hạ tuần tháng 4 này khỏi đòi hỏi của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 27-3, trong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken ở Bờ Tây: “Việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine cần phải chấm dứt thông qua một giải pháp chính trị”.
Ông nói như vậy và kêu gọi Mỹ thực hiện cam kết với “giải pháp hai nhà nước”, bằng cách ngăn chặn Israel triển khai các kế hoạch định cư làm ảnh hưởng đến người Palestine cũng như các hành động đơn phương khác. Ông cũng đề nghị Mỹ mở lại Lãnh sự quán ở Đông Jerusalem và hủy bỏ điều luật coi Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là một tổ chức khủng bố.
Vấn đề là, kể từ cuối năm 2020, nghĩa là cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ đã dịch chuyển quỹ đạo tiếp cận của mình đối với hòa bình Trung Đông khỏi “giải pháp hai nhà nước”, để tiến hành một “Kế hoạch hòa bình mới” dựa trên cơ sở bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các quốc gia láng giềng (và cũng có nghĩa là lặng lẽ hợp thức hóa những phần lãnh thổ Palestine mà Israel đã chiếm đóng, cũng như gấp rút xây dựng các khu định cư Do Thái).
Sau hơn một năm đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp nhiệm, hiện trạng này vẫn chẳng có gì thay đổi. Do đó, nỗi uất ức của người Palestine vẫn luôn là những thùng thuốc súng, chỉ đợi mồi lửa nào đó lóe lên.
3. Trong một diễn biến chú ý liên quan, ngày 18-4, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Quốc vương Jordan Abdullah II và Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình hiện nay tại Trung Đông.
Jordan, cùng ngày, cho biết vừa triệu tập đại diện ngoại giao của Israel nhằm phản đối các động thái của Israel tại khu đền Al-Aqsa ở Jerusalem, đồng thời đe dọa sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn ngoại trưởng các nước thành viên Liên đoàn Arab để thảo luận về vụ việc. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Israel ra thông báo cáo buộc Jordan "phá hoại các nỗ lực thiết lập hòa bình ở Jerusalem" liên quan đến những phát biểu được cho là nhằm kích động người Palestine tiến hành các hành động bạo lực.
Trong khi đó, điện đàm với Tổng thống Nga Putin, ông Abbas đã thảo luận mối quan hệ song phương cùng những diễn biến gần đây tại Trung Đông, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc tôn trọng luật pháp quốc tế và nỗ lực chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với các vùng đất của Palestine. Chủ nhân Điện Kremlin và người đồng cấp Algeria - Abdelmadjid Tebboune - bày tỏ lo ngại về tình hình xung đột giữa Israel và Palestine, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các nỗ lực quốc tế tìm kiếm một giải pháp Trung Đông. Còn từ bên kia Đại Tây Dương, nước Mỹ - đồng minh và cũng là chỗ dựa quan trọng nhất của Israel - đã phải “quan ngại sâu sắc”.
Hiển nhiên, việc hàng trăm tín đồ Hồi giáo bị thương là “không thể chấp nhận được”, việc hàng nghìn người xuống đường sẵn sàng giao tranh với cảnh sát - quân đội Israel (dù chỉ có gậy gộc và gạch đá) cũng là điều rất đáng lo ngại và việc hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt của Israel đã phải hoạt động chống hỏa tiễn từ Dải Gaza cũng khắc họa một cách rõ ràng nguy cơ bất ổn.
Ngày 1-5, tháng lễ Ramadan sẽ khép lại nhưng chưa ai dám khẳng định lửa xung đột chắc chắn sẽ dịu đi vào thời điểm đó. Mà cứ cho là căng thẳng rồi sẽ lắng xuống, như từng nhiều lần lắng xuống trong quá khứ, thì nếu những căn nguyên sâu xa còn đó, những chu kỳ bạo động vẫn có thể tái diễn bất cứ lúc nào.
Nhất là trong thời điểm này, khi thế giới dường như đã lại sẵn sàng bị chia rẽ một cách sâu sắc bởi những lằn ranh vô hình, để bất cứ quốc gia nào cũng có nguy cơ buộc phải chọn cho mình một “chiến tuyến”..., dù muốn dù không.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 1319 Trong tuần: 477 Trong tháng 241697 Tất cả: 17335268