Tổng thống của mỗi người
Vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp là cuộc tái đấu đầy gay cấn giữa ông Macron và bà Le Pen sau cuộc đụng độ thú vị vào năm 2017. Không chỉ nước Pháp mà cả châu Âu dõi theo cuộc bầu cử với một tâm trạng bất an. Bởi lẽ, một nhiệm kỳ tổng thống của bà Le Pen sẽ làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa Pháp với Liên minh châu Âu (EU) và phương Tây vào thời điểm mà khối này và các đồng minh đang phải dựa vào Paris để giữ vai trò hàng đầu trong việc đối mặt với một loạt thách thức lớn nhất của thế giới, đáng chú ý nhất là chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Mặc dù ông Macron với các cử tri Pháp ưa toàn cầu hóa, tự do về kinh tế đã giành thắng lợi trước tầm nhìn của phe bà Le Pen về một sự thay đổi triệt để trong nhiệm kỳ tổng thống mới, song màn trình diễn của nhân vật phe cực hữu này cũng là một dấu hiệu mới cho thấy công chúng Pháp đang quay sang các chính trị gia cực đoan để nói lên sự bất mãn của họ với hiện trạng. Tỷ lệ bỏ phiếu trắng của cử tri Pháp cho cuộc bầu cử này là 28%, cao nhất trong hơn 50 năm qua.
Trong bài phát biểu chiến thắng của mình, ông Macron thề sẽ trở thành "Tổng thống của mỗi người trong số các bạn". Ông tuyên bố rằng, nhiệm kỳ thứ hai sẽ không phải là sự tiếp nối của nhiệm kỳ đầu tiên và cam kết giải quyết tất cả các vấn đề hiện tại của nước Pháp. Nói chuyện trực tiếp với những người ủng hộ bà Le Pen, ông Macron cho biết, với tư cách là tổng thống, ông có trách nhiệm phải tìm ra câu trả lời cho "sự tức giận và bất đồng" khiến họ bỏ phiếu cho phe cực hữu. "Đó là trách nhiệm của tôi và của những người xung quanh tôi", Tổng thống Macron nhấn mạnh.
Cơ hội định hình tương lai châu Âu
2 tuần qua, ông Macron và bà Le Pen đã dành nhiều thời gian đi khắp nước Pháp để thu hút, thuyết phục những người không bỏ phiếu cho họ ở vòng đầu tiên. Đương kim tổng thống phải thuyết phục các cử tri ủng hộ mình một lần nữa mặc dù có nhiều dư luận trái chiều về các vấn đề trong nước, như việc ông xử lý các cuộc biểu tình của phong trào "Áo Ghile vàng" và đại dịch COVID-19.
Còn chiến dịch của bà Le Pen lại cố gắng đánh vào sự tức giận của công chúng về việc chi phí sinh hoạt bị siết chặt bằng cách vận động mạnh mẽ mọi người đối phó với lạm phát và giá năng lượng tăng (mối quan tâm hàng đầu của cử tri Pháp), thay vì ủng hộ chính sách chống Hồi giáo, các quan điểm chống nhập cư và sự thống trị của châu Âu mà bà từng nhấn mạnh trong 2 cuộc vận động tranh cử trước đó vào năm 2017 và 2012.
Mặc dù đã từ bỏ một số đề xuất chính sách gây tranh cãi nhất như rời khỏi EU và đồng Euro nhưng quan điểm của bà Le Pen về nhập cư và lập trường của bà đối với đạo Hồi ở Pháp (muốn biến việc phụ nữ Hồi giáo đội khăn trùm đầu ở nơi công cộng là bất hợp pháp) vẫn không thay đổi... Vì vậy, có thể khẳng định, chiến thắng của ông Macron đã mang đến “cái thở phào nhẹ nhõm” cho châu Âu.
Trong ngày 25-4, hàng loạt chính trị gia, nguyên thủ các nước châu Âu và trên toàn thế giới đã gửi lời chúc mừng, điện mừng trước thông tin Tổng thống Pháp tái đắc cử. Trên thực tế, ông Macron hiện là chính trị gia quyền lực nhất châu Âu và với nhiệm kỳ mới, ông có thể thử biến đổi không chỉ nước Pháp mà cả toàn châu Âu. Nếu ông Macron thực sự thành công, nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của ông sẽ chứng kiến EU nổi lên như một "cường quốc địa chính trị" lớn. Mục tiêu tạo ra một siêu cường châu Âu đó có vẻ xa vời, thậm chí là viển vông nhưng hoàn cảnh đang thuận lợi để cho Tổng thống Pháp có thể hoàn thành sứ mệnh của mình một cách tốt nhất.
Hiện, Tổng thống Pháp cũng đang có một số đồng minh quan trọng trong EU như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người luôn chia sẻ mong muốn về một châu Âu “địa chính trị”. Ông Macron cũng có mối quan hệ tốt với Thủ tướng Italia Mario Draghi vì cả hai đều từng là giám đốc ngân hàng đầu tư. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Pháp còn có mối quan hệ thân thiết với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis. Hai nước gần đây đã ký một hiệp ước quốc phòng, phản ánh mối quan tâm chung của họ về Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng, những trở ngại đối với việc đạt được tầm nhìn của ông Macron là không nhỏ. Mối quan hệ của Tổng thống Pháp với các đồng minh bên ngoài EU cũng trở nên căng thẳng. Năm 2021, Pháp đã rút đại sứ khỏi Mỹ và Australia sau khi liên minh an ninh AUKUS ra đời, liên quan đến việc Australia hủy một hợp đồng mua bán vũ khí lớn với Pháp. Tại London, ông Macron được coi là nhà lãnh đạo EU thù địch nhất với Anh. Và, trái ngược với mối quan hệ đôi khi căng thẳng của mình với các nhà lãnh đạo của các quốc gia đồng minh, ông Macron lại thực hiện “một cuộc tấn công quyến rũ” nhằm xây dựng mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong những năm trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Pháp đã thúc đẩy một nỗ lực đơn phương và không thành công trong việc tái thiết quan hệ với Moscow.
Những nỗ lực của ông Macron nhằm giữ giới hạn cho ông Putin (trước và sau chiến dịch quân sự ở Ukraine) vấp phải sự bực tức và nghi ngờ của một số quốc gia ở Trung Âu. Chính những chia rẽ về vấn đề Nga - Ukraine hiện là trở ngại lớn nhất đối với tầm nhìn của ông Macron đối với châu Âu. Ở phần lớn Bắc và Trung Âu, Pháp được coi là quá thù địch với sức mạnh của Mỹ và quá quan tâm đến mối hòa giải cùng Nga và khó trở thành một nhà lãnh đạo chiến lược đáng tin cậy.
Ông Ben Judah, thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, lập luận rằng vì chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, nhiều nước EU đang “quan tâm hơn bao giờ hết đến việc giữ Anh và Mỹ trong phòng” khi thảo luận về an ninh châu Âu. Điều đó khiến họ cảnh giác hơn khi Pháp nói về "quyền tự chủ chiến lược" của EU. Tầm quan trọng của NATO cũng được báo hiệu bởi sự quan tâm mới của Phần Lan và Thụy Điển (đều là thành viên EU) trong việc tham gia liên minh. Rõ ràng, ông Macron có cơ hội tuyệt vời để "xây dựng châu Âu" trong 5 năm tới nhưng để đạt được thành công thì đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.
Thách thức mới
Một trong những thách thức lớn cho nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Macron như ông đã tuyên bố hôm 24-4 là thống nhất nước Pháp. Thống kê cho thấy, ông Macron đã giành được 58,54% số phiếu ủng hộ trong khi đối thủ Le Pen giành được 41,46% phiếu bầu. Vào năm 2017, khi hai chính trị gia này tranh đua vòng 2 của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, ông Macron giành chiến thắng với 66,1% phiếu ủng hộ so với 33,9% số phiếu của bà Le Pen.
“Những cử tri bỏ phiếu cho bà Le Pen đa phần thuộc tầng lớp lao động và bà này đã chiến thắng ở nhiều quận nông thôn, ngoại ô. Đây là minh chứng rõ nét cho sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Pháp, điều sẽ khiến nhiệm kỳ thứ hai của ông Macron gặp khó khăn như nhiệm kỳ đầu tiên”, Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Eurasia Group nhận định.
Trong tuần này, dự kiến, Thủ tướng Pháp Jean Castex và toàn bộ Chính phủ Pháp sẽ đệ đơn từ chức, mở đường cho ông Macron chỉ định một chính phủ mới cho nhiệm kỳ 2. Ông Macron sẽ sớm công bố thủ tướng mới. Các nhà phân tích cho rằng, ông Macron có thể bổ nhiệm bà Élisabeth Borne, Bộ trưởng phụ trách công việc, làm thủ tướng, đưa bà là người phụ nữ thứ hai ở Pháp giữ chức vụ này. Những người khác đang được chào mời vào nội các mới gồm Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire, Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin hoặc Bộ trưởng Nông nghiệp Julien Denormandie. Nhưng, việc bổ nhiệm thủ tướng và nội các mới được coi là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn vì ông Macron cần tìm cách thu hút các cử tri cực tả ủng hộ Jean-Luc Mélenchon trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống trong khi phải tránh xa những người ủng hộ Le Pen.
Ông Mélenchon, người suýt đánh bại bà Le Pen trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống, đang kêu gọi cử tri bầu ông làm thủ tướng thông qua cuộc bầu cử lập pháp vào ngày 12 & 19 tháng 6. Theo quy định, Thủ tướng Pháp được bổ nhiệm bởi Tổng thống nhưng Quốc hội có quyền buộc chính phủ từ chức. Vì vậy việc lựa chọn Thủ tướng phải phản ánh ý chí của đa số trong Quốc hội. Hiện các thành viên trong đảng của ông Mélenchon, La France Insoumise (LFI), đang đàm phán với các đảng khác nhằm tìm kiếm liên minh giúp giành đủ số ghế để được trao quyền kiểm soát Hạ viện.
Một cuộc thăm dò dư luận từ Harris Interactive hôm 25-4 cũng dự báo đảng của ông Macron có thể giành được 326 đến 366 ghế, chiếm đa số hoàn toàn trong Quốc hội 577 ghế, với 117 đến 147 ghế cho các đảng cực hữu và phe cực tả đạt từ 73 đến 93 ghế. 3 lực lượng chính trị đã xuất hiện ở Pháp sau sự suy tàn của đảng Cộng hòa trung hữu truyền thống Les Républicains và đảng Xã hội trung tả: một trung tâm thân châu Âu do LREM của ông Macron đại diện, bên cánh trái cấp tiến do ông Mélenchon và bà Le Pen đại diện là cực hữu.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 1383 Trong tuần: 21 Trong tháng 241761 Tất cả: 17335332