Đột biến nguy hiểm
Tuần dương hạm tên lửa Moscow, một trong những soái hạm trong Hạm đội Biển Đen của Nga bốc cháy, bị hư hại nặng rồi chìm trong khi đang được lai dắt về cảng. Phía Nga nói một bất cẩn sơ ý đã khiến kho đạn trên tàu phát nổ làm tàu hư hại nghiêm trọng dẫn tới bị chìm trong khi Ukraine vội vã thông báo quân đội nước này đã phóng tên lửa chống hạm Neptune trúng tàu Moscow để loại con tàu này ra khỏi vòng chiến.
Chưa biết nguyên nhân thực sự của vụ tàu Moscow bị chìm nằm ở đâu nhưng ngay sau đấy, Moscow đã tuyên bố rằng nếu Kiev tiếp tục các hành động mà Moscow gọi là "phá hoại và khủng bố" bên trong lãnh thổ Nga thì phía Nga sẽ không loại trừ khả năng tấn công trực diện vào giới lãnh đạo hoạch định chính sách của Ukraine, điều mà từ khi bắt đầu phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Moscow đã kiếm chế, không thực hiện...
Đấy là những diễn biến căng thẳng đột biến trong cuộc xung đột ở Ukraine đã kéo dài nhiều tuần lễ và chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Với mức độ nghiêm trọng của những tuyên bố đó và các hệ lụy (chính trị) nặng nề có thể có nếu chúng được thực hiện trên thực địa, cuộc chiến ở Ukraine đang bước vào giai đoạn leo thang cực kỳ nguy hiểm. Tất cả đều biết năng lực vượt trội về vũ khí trang bị của quân đội Nga, với những tên lửa đạn đạo được dẫn đường cực kỳ chính xác, có thể đánh trúng mục tiêu từ những cự ly xa không tưởng.Điều gì sẽ xảy ra nếu như bộ chỉ huy chiến lược của Ukraine trở thành mục tiêu của một vụ tấn công bằng vũ khí chính xác?
Quả thật không một ai có thể hình dung hậu quả của một vụ việc như thế. Nó cho thấy cuộc chiến ở Ukraine cần phải nhanh chóng chấm dứt hay ít ra là cũng phải giảm căng thẳng mức độ xung đột.
Nhưng, như thế thì cũng có nghĩa là phải tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: bằng cách nào mà cuộc xung đột ở Ukraine có thể chấm dứt?
Sân khấu đẫm máu
Cuộc chiến có khả năng chấm dứt khi một bên giành được thắng lợi quyết định nào đó. Nhưng, vấn đề ở đây không nằm ở Nga hay Ukraine sẽ giành được thắng lợi quyết định, mà thực chất, xung đột trong nhiều tuần lễ qua là cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây, đứng đầu là Mỹ.
Nếu nhìn nhận một cách logic như vậy thì mới thấy là cuộc chiến Ukraine, về bản chất đã được nâng lên một tầm mức mới khi Ukraine chỉ là sân khấu đẫm máu cho cuộc chiến địa chính trị giữa hai địch thủ thời Chiến tranh Lạnh. Mà nếu đã là cuộc chiến giữa hai địch thủ lớn, vốn từng thử sức ngang ngửa với nhau suốt mấy chục năm Chiến tranh Lạnh, thì hà cớ gì giờ đây lại có thể kết thúc một cách chóng vánh?
Nhưng, nói gì thì nói, chiến trường vẫn là Ukraine. Có nghĩa là mục tiêu của cả Nga và Ukraine trên chiến trường sẽ định hình tiến trình các cuộc đàm phán dẫn tới kết thúc xung đột.
Mà mục tiêu của Nga thì đã nhiều lần được tuyên bố công khai: Kiev phải công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea; bảo vệ các nước cộng hòa tự xưng được Moscow công nhận chỉ vài ngày trước khi nổ ra cuộc chiến; bảo đảm quy chế trung lập cho Ukraine; phi quân sự hóa, phi phát xít hóa Ukraine.
Kèm theo là một tuyên bố chính thức được nhắc đi nhắc lại: Nga không có ý định chiếm đóng Ukraine. Mà đúng ra, với khoảng 200.000 quân Nga tham chiến, con số tối đa cho tới lúc này, việc chiếm đóng một đất nước rộng lớn như Ukraine rõ ràng là bất khả. Đấy là chưa kể việc quân số của toàn bộ quân đội Ukraine dùng để chống lại Nga cũng gần tương đương. Cho dù lực lượng không quân, hải quân của Ukraine có bị Nga đánh cho tê liệt thì cách đánh du kích và phân tán lực lượng của phía Ukraine cũng không dễ cho lực lượng của Nga có thể chiếm được các thành phố lớn mà không bị sa lầy trong các cuộc bộ chiến đô thị.
Thế nên hợp lý nhất là Nga tuyên bố những mục tiêu của giai đoạn 1 đã đạt được và giờ đây, dồn quân cho mục tiêu thứ hai là "giải phóng Donbass". Một "chiến thắng" ở Donbass có thể coi như một cách để Nga tuyên bố đã hoàn thành các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt và như vậy, có thể dễ đi tới thỏa thuận với Kiev.
Donbass - mặt trận quyết định
Ukraine tuyên bố mục tiêu đánh nhanh thắng nhanh của Moscow đã thất bại với việc quân Nga rút khỏi khu vực quanh Kiev.Trước mắt, Ukraine cũng sẽ buộc phải điều chỉnh lực lượng về mặt trận Donbass cho cuộc chiến quyết định ở đây.
Trong cuộc chiến này, Tổng thống Zelensky hoàn toàn trông chờ vào sự viện trợ quân sự của Mỹ và phương Tây bởi vì rõ ràng, về mặt trang bị vũ khí, Ukraine thua thiệt hơn rất nhiều so với đối thủ. Mới nhất, Mỹ đã công bố gói viện trợ bổ sung trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, bao gồm nhiều loại vũ khí hạng nặng như 11 trực thăng Mi-17 trước đây định dành cho Afghanistan, 18 khẩu pháo Howitzer 155mm và 300 máy bay không người lái Switchblade cùng các hệ thống radar.
Những vũ khí này thích hợp cho tác chiến trên địa hình vùng Donbass, bù đắp phần nào cho sự chênh lệch về ưu thế vũ khí giữa Ukraine với Nga.Điều đó cũng có nghĩa là mặt trận Donbass sẽ mang ý nghĩa quyết định đối với cả hai bên. Một khi Ukraine được trang bị càng nhiều vũ khí của phương Tây để kéo dài cuộc chiến thì Nga càng bị sa lầy.
Đó có thể cũng là lý do khiến cho phía Nga tố Ukraine bị phương Tây "định hướng" để kéo dài đàm phán, từ việc thay đổi các điều khoản đã đạt được trong đàm phán ở Istanbul cho tới việc đưa ra những đòi hỏi về việc thỏa thuận với Nga chỉ có thể thông qua các cuộc trưng cầu dân ý, một quá trình có thể kéo dài vô tận.
Trong quá trình đàm phán, Ukraine đã không dưới một lần thể hiện quan điểm chấp nhận những điều kiện Nga đưa ra như về quy chế trung lập, không gia nhập NATO (nhưng vào EU).
Tuy nhiên, với những vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia như Crimea hay Donbass, rất khó để Ukraine chính thức thừa nhận theo đòi hỏi của Nga. Nếu những khúc mắc mang tính nguyên tắc này được giải quyết theo một cách nào đó cho phía Ukraine (mà một trong những phương án khả dĩ nhất là phản đối công khai nhưng chấp nhận trên thực tế) thì khi ấy mới hy vọng gỡ được nút thắt trong các cuộc đàm phán giữa hai bên để đi tới một thỏa thuận chấm dứt xung đột.
Sức nặng của những lệnh trừng phạt kinh tế?
Còn có một khả năng nữa để đi tới giải pháp chấm dứt xung đột Ukraine: tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Nói cho đúng hơn, phải có điều kiện cần và đủ để giải pháp này có thể xảy ra: trong khi chờ đợi các lệnh trừng phạt ngặt nghèo tác động đủ mạnh đối với nền kinh tế Nga thì Ukraine phải tiếp tục cầm cự được với các lực lượng của Nga trên chiến trường. Một thế giằng co đủ lâu khiến nền kinh tế Nga không thể chịu đựng nổi sẽ tác động đến chính sách của Moscow đối với Ukraine.
Thế nhưng, trên thực tế, dường như Nga đã chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống này. Trong số các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây, đáng kể nhất là việc "ngắt" kinh tế Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, vốn cho phép chuyển khoản tài chính an toàn và hiệu quả. Nga lập tức tìm kiếm những công cụ thanh toán mới (đã có) của nước này và của Trung Quốc.
Đòn nặng nhất giáng vào kinh tế Nga là biện pháp phong tỏa khoảng một nửa trong 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga đang lưu giữ bên ngoài nước Nga, chủ yếu là ở phương Tây. Nga đã phản đòn bằng cách buộc các khách hàng (từ các nước "không thiện chí") mua dầu lửa, khí đốt của Nga phải thanh toán bằng đồng ruble, nếu không Nga sẽ khóa vòi bơm khí đốt sang các nước châu Âu, thời hạn thực hiện chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Đây là một phản đòn "nhất tiễn hạ song điêu" bởi vì nếu thiếu dòng năng lượng từ Nga thì vấn đề không phải là người dân một số nước châu Âu chỉ cần mặc thêm một chiếc áo len chống rét là đủ, mà nền công nghiệp của nhiều nước, chẳng hạn như Đức hoặc Hungary, đơn giản là sẽ lao đao. Trong khi đó thì quyết định này của Nga cũng đã kịp thời vực dậy giá trị của đồng ruble, vốn trước đấy bị mất giá trầm trọng so với đồng USD do Nga khó tiếp cận với đồng USD.
Lịch sử cho thấy các lệnh trừng phạt nhiều khi mang đến những hậu quả không lường trước được.Các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhằm vào nước Nga không có tác động tức thời làm tổn thương nền kinh tế tới mức buộc Moscow phải sớm chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.Chúng cần phải có đủ thời gian để tác động và như thế, khả năng kéo dài cuộc chiến ở Ukraine đến đâu dường như phụ thuộc vào mức độ chống chịu của nền kinh tế Nga.
Có nghĩa là trong khi nền công nghiệp quốc phòng của Ukraine đã bị phá hủy hầu như hoàn toàn bởi chiến tranh khiến nhiều nước phương Tây phải liên tục tiếp sức qua các gói viện trợ quân sự, thì ngành công nghiệp quốc phòng của Nga vẫn tiếp tục hỗ trợ được cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine!
Mà như thế thì cuộc chiến sẽ còn kéo dài.Giải pháp tối hậu cho xung đột Ukraine còn mờ mịt.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2492 Trong tuần: 164 Trong tháng 242876 Tất cả: 17336446