Theo đó, Moscow và New Delhi vừa thực hiện một bước đi nhỏ nhưng vô cùng quan trọng đối với hoạt động đầu tư và thương mại phi USD: ngày 25/3, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã cho phép Nga đầu tư số tiền nội tệ bán vũ khí cho Ấn Độ vào các trái phiếu doanh nghiệp của nước này. Hợp đồng mua bán vũ khí bằng nội tệ Nga - Ấn đã khởi đầu cuộc xung đột với hệ thống USD.
"Vết rạn" nhỏ, ý nghĩa lớn
Tài khoản của Nga tại Ngân hàng Trung ương của Ấn Độ rất nhỏ, với số dư chỉ 262 triệu USD, nhưng lợi thế tiềm năng với cả hai nước là rất lớn. Ấn Độ sẽ thanh toán cho một trong những mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất của mình - vũ khí Nga - bằng nội tệ và Nga sẽ đầu tư số tiền thu được vào một thị trường tài chính an toàn trước các lệnh trừng phạt.
Theo Bloomberg, Ấn Độ đã thay đổi các quy định về vay thương mại nước ngoài để phù hợp với đề xuất của Nga. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã phong tỏa dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga cũng như tài sản của các nhà tài phiệt Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2. Đó là một vết rạn nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn trong khuôn khổ hệ thống dự trữ USD.
Saudi Arabia cũng được cho là sẽ chấp nhận thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ cho các đơn hàng dầu xuất sang Trung Quốc, khách hàng lớn nhất của nước này. Điều đó ngụ ý rằng, Saudi Arabia sẽ duy trì một phần đáng kể dự trữ của mình bằng tiền Trung Quốc, có thể theo một thỏa thuận giống như thỏa thuận vừa qua giữa Ấn Độ và Nga về tái đầu tư số tiền bán vũ khí.
Sau khi dự trữ của Nga ở nước ngoài bị phong tỏa, Saudi Arabia đã rất dè chừng với việc cất giữ của cải của mình ở những nơi mà Mỹ và các chính phủ phương Tây có thể kiểm soát. Việc đa dạng hóa nguồn dự trữ, với đồng Nhân dân tệ là một giải pháp thay thế hợp lý. Trong khi đó, Nga đã yêu cầu thanh toán các lô hàng khí đốt đến các quốc gia "không thân thiện" bằng đồng ruble, buộc các khách hàng khí đốt châu Âu phải mua đồng ruble trên thị trường mở. Nhờ thế, đồng ruble Nga đã tăng từ mức thấp 140 ruble /USD vào ngày 8/3 lên 100 ruble /USD vào 25/3.
Sau khi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản phong tỏa hơn một nửa trong tổng số 630 tỷ USD của Nga, Moscow có rất ít nơi an toàn để biến nguồn thu từ dầu và khí đốt thành USD và ruble. Bằng cách chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble, Nga đã giữ được tỉ giá hối đoái và giảm áp lực lạm phát gia tăng do nội tệ mất giá.
Vị thế trung tâm của USD lung lay?
Các lệnh trừng phạt chống Nga được Goldman Sachs dự báo sẽ khiến nền kinh tế nước này sụt giảm 10%, sau đó sẽ tăng trưởng 3-4% trong năm 2023 và 2024. Với doanh thu bán dầu và khí đốt ước tính khoảng 1,1 tỷ USD mỗi ngày, Nga có thể sẽ chứng kiến thặng dư tài khoản vãng lai tới 200 tỷ USD trong năm nay, cao hơn một chút so với mức thặng dư niên hóa 165 tỷ USD trong quý IV/2021. Lúc này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổ chức tài chính quốc tế được thành lập vào năm 1944 nhằm quản lý tiền tệ thế giới theo một tiêu chuẩn kết hợp giữa vàng và USD đang phải lo lắng. Quy định "vàng bản vị" của tiêu chuẩn này được bãi bỏ vào năm 1971, khi Mỹ đơn phương ngừng thanh toán cho khoản thâm hụt vãng lai của mình trong các giao dịch vàng.
Tuy nhiên, vai trò trung tâm của đồng USD thì đã được tái khẳng định vào năm 1974, khi Saudi Arabia và các nhà sản xuất dầu ở Vùng Vịnh khác đồng ý duy trì giao dịch dầu lửa bằng USD để đổi lại đảm bảo an ninh từ Mỹ. Nhưng tất cả điều đó có thể thay đổi - IMF cảnh báo hôm 15/3: "Chiến tranh có thể thay đổi căn bản trật tự địa chính trị và kinh tế toàn cầu nếu thương mại năng lượng thay đổi; chuỗi cung ứng được định hình lại, mạng lưới thanh toán bị phân mảnh, và các quốc gia xem xét lại đồng tiền dự trữ của họ".
Một chỉ dấu cho những nghi ngờ về vai trò dự trữ trung tâm của đồng USD là giá vàng tăng. Giao dịch vàng thường gắn chặt với lợi tức của các loại chứng khoán được Bộ Tài chính Mỹ bảo đảm chống lạm phát. Cả hai đều nhằm phòng ngừa trước cú sốc lạm phát và mất giá đồng tiền. Bộ Tài chính Mỹ hôm 24/3 cho biết, các lệnh trừng phạt hiện tại nhằm ngăn cản Nga bán vàng dự trữ (trị giá khoảng 40 tỉ USD) với giá thị trường hiện tại là khoảng 1.960 USD/ounce. Truyền thông đã dự báo về lệnh phong tỏa dự trữ vàng Nga, nhưng hóa ra điều này hoàn toàn sai lệch. Nga không cần phải bán vàng để lấy tiền mặt, vì họ đang thu 1,1 tỉ USD mỗi ngày từ bán năng lượng.
Các ngân hàng trung ương thực hiện giao dịch bên ngoài hệ thống USD, như Nga, Ấn Độ, có thể sử dụng vàng để thanh toán. Nếu Nga xuất khẩu sang Ấn Độ nhiều hơn Ấn Độ xuất khẩu tới Nga theo các hợp đồng thanh toán nội tệ, Moscow có thể đầu tư tiền vào tài sản của New Delhi - theo thỏa thuận mới với Ngân hàng dự trữ Ấn Độ. Đổi lại, Ấn Độ cũng có thể bán vàng cho Nga để thanh toán khoản chênh lệch.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 9349 Trong tuần: 50234 Trong tháng 301722 Tất cả: 17395279