Việc siết chặt biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19 đang đe dọa làm gián đoạn sản xuất và thương mại tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng như đối với toàn cầu.
Nhiều trung tâm sản xuất “đóng băng”
2 khu vực có số ca mắc COVID-19 đáng lo ngại nhất ở Trung Quốc là tỉnh Quảng Đông và tỉnh Cát Lâm. Đây là 2 địa phương có các thành phố lớn: Thâm Quyến và Thượng Hải (2 thành phố chiếm hơn 16% xuất khẩu của Trung Quốc) và Trường Xuân (thủ phủ tỉnh Cát Lâm - trung tâm công nghiệp phía Đông Bắc). Đây đều là những trung tâm sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới.
Một nửa thành phố Thượng Hải bắt đầu bị phong tỏa từ ngày 28-3 khi số ca nhiễm COVID-19 tại đây tăng cao. Từ ngày 28-3 đến sáng 1-4, toàn bộ khu vực phía Đông và Nam sông Hoàng Phố, gồm quận tài chính Phố Đông và các vùng lân cận, bị phong tỏa để xét nghiệm trên diện rộng. Từ sáng 1-4 đến sáng 5-4, quy định tương tự sẽ được áp dụng tại phần phía Tây của sông Hoàng Phố. Giao thông công cộng tại những khu vực bị ảnh hưởng sẽ ngừng hoạt động, người dân phải ở nhà và chỉ có những công ty thiết yếu được làm việc theo quy trình khép kín hoặc nhân viên làm việc tại nhà.
Những hạn chế ở Thâm Quyến, thành phố với hơn 17 triệu dân, cũng chặt chẽ không kém. Các dịch vụ tàu điện ngầm và xe buýt bị đình chỉ. Các khu nhà ở và khu công nghiệp bị phong tỏa. Mọi người đều phải làm việc tại nhà hoặc hoàn toàn không làm việc, trừ khi giúp cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.
Trung Quốc đang trải qua đợt bùng phát dịch lớn nhất trong 2 năm và nước này vẫn kiên trì với chính sách “Zero COVID” (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng), dù đi kèm những ảnh hưởng về kinh tế, xã hội. Trong một chuyến thăm tới Cát Lâm vào ngày 13-3, Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan cho biết các tỉnh của Trung Quốc cần tuân theo chiến lược “Zero COVID”, không có sự thỏa hiệp nào khác.
Cản đà tăng trưởng
Năm nay Trung Quốc đề ra mục tiêu tăng trưởng là 5,5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,1% của năm ngoái. Các nhà lãnh đạo nước này cam kết sẽ cắt giảm thuế cho các doanh nhân và chi tiêu cao hơn cho việc xây dựng các công trình công cộng. Điều đó có thể giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái trong lĩnh vực sản xuất.
Tuy nhiên, sự gia tăng các ca lây nhiễm mới nhất, do biến thể lây lan nhanh Omicron, đang thách thức mục tiêu kinh tế vốn đã được điều chỉnh khiêm tốn của Trung Quốc. Trên thực tế, doanh số bán lẻ của Trung Quốc gần đây đã cho thấy những dấu hiệu đáng mừng, khi tăng 4,9% trong tháng 1 và tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa có thể khiến quá trình phục hồi này bị dừng lại và buộc Bắc Kinh phải thỏa hiệp với một số mục tiêu kinh tế.
Chuyên gia Jingyang Chen thuộc Ngân hàng Hong Kong & Shanghai Banking Corp (HSBC) nhận định làn sóng dịch COVID-19 hiện nay không chỉ làm tổn thương ngành dịch vụ mà còn cả hoạt động sản xuất và tăng trưởng thương mại. Bà cho rằng đồng NDT sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới và có thể giảm xuống mức 6,45 NDT đổi 1 USD vào cuối năm nay.
UBS Group AG, ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính của Thụy Sĩ, đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay từ 5,4% xuống còn 5%. Ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ 5,3% xuống 5,1% do lo ngại về ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế COVID-19 đến nền kinh tế. Morgan Stanley cho rằng, GDP của Trung Quốc có thể không tăng trưởng trong quý đầu tiên, so với 3 tháng trước đó.
Nền kinh tế có thể sẽ phục hồi vào cuối năm nay nhưng nếu Trung Quốc muốn đạt gần tới mục tiêu tăng trưởng của mình, trước tiên nước này phải nới lỏng chính sách kiểm soát dịch bệnh.
Đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu
Việc Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa các thành phố lớn đang gây ra mối đe dọa rõ ràng đối với chuỗi cung ứng của thế giới. Thâm Quyến chiếm gần 16% xuất khẩu công nghệ cao của Trung Quốc. Foxconn, công ty sản xuất iPhone, đã tạm ngừng hoạt động tại các nhà máy của mình trong khu vực này. Các liên kết khác trong chuỗi cung ứng công nghệ, chẳng hạn như Unimicron Technology, công ty sản xuất bảng mạch in, cũng đã tạm dừng sản xuất. Ở khu phố Huaqiangbei của Thâm Quyến, các chợ điện tử bán buôn, địa danh của “toàn cầu hóa cấp thấp”, cũng không còn nhộn nhịp nữa.
Các nhà máy ở Trung Quốc đang lắp ráp hầu hết điện thoại thông minh và máy tính trên thế giới, cũng như phần lớn các thiết bị và hàng hóa khác. Năm ngoái, cảng container quốc tế Diêm Điền của Thâm Quyến hoạt động chậm lại 1 tháng đã gây ra tình trạng tồn đọng hàng nghìn container vận chuyển và gây ra một làn sóng đình trệ chấn động các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Johannes Schlingmeier, Giám đốc công ty cho thuê container Container xChange, cảnh báo những đợt phong tỏa mới nhất sẽ “gây ra sự gia tăng về chi phí vận tải vốn đã tăng cao. Việc tăng giá vận chuyển sẽ được cảm nhận ở hầu hết mọi nơi trên thế giới”.
Các nhà sản xuất ô tô Volkswagen và Toyota, nhà lắp ráp iPhone Foxconn và các công ty nhỏ hơn đã thông báo sẽ ngừng sản xuất tại một số nhà máy. Nguy cơ đóng cửa rộng hơn đang gia tăng. Nhiều nhà sản xuất đã chuyển sang các khu vực rẻ hơn của Trung Quốc hoặc nước ngoài.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 902 Trong tuần: 56987 Trong tháng 308474 Tất cả: 17402032