Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài có bài viết “Nguồn lực người Việt ở trong và ngoài nước - Sức mạnh để vươn xa”. Báo Công an nhân dân trân trọng giới thiệu bài viết:
“Mùa Xuân - mùa của đoàn tụ và sum vầy, của niềm tin và hy vọng - lại tràn về trên quê hương Việt Nam. Xuân về, Tết đến, là thời điểm mà dù đang ở nơi đâu trên trái đất này, có lẽ mỗi trái tim Lạc hồng đều thổn thức hướng về đất mẹ, da diết một nỗi nhớ quê hương và niềm mong ước có thể làm điều gì đó để đóng góp cho quê hương yêu dấu.
Đóng góp toàn diện cho các lĩnh vực phát triển đất nước
Phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngay từ khi mới hình thành, luôn đồng hành cùng đất nước trong mọi hoàn cảnh, tạo nên nguồn sức mạnh tổng hợp, góp sức đưa đất nước ta vượt qua mọi phong ba thác ghềnh lịch sử, phát triển vững mạnh đến ngày nay.
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đáp lại tiếng gọi của non sông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào ta ở nước ngoài đã có những đóng góp to lớn cho Tổ quốc. Từ ngày đầu cách mạng non trẻ, bà con đã tập hợp lại trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực xây dựng cơ sở, trực tiếp lãnh đạo và tổ chức phong trào Việt kiều yêu nước nhằm hỗ trợ cho cách mạng trong nước. Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, kiều bào ta không tiếc sức người, sức của, hết lòng ủng hộ cách mạng. Nhiều bà con, nhất là ở Lào và Thái Lan, đã nhiệt thành hưởng ứng “Tuần lễ Vàng” do Bác Hồ kêu gọi và chuyển về nước hàng trăm lượng vàng góp phần xây dựng đất nước. Khi đất nước còn chìm trong nỗi đau chia cắt, kiều bào là lực lượng quan trọng vận động nhân dân và chính giới các nước, hình thành mặt trận nhân dân tiến bộ trên khắp thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Đến ngày Tổ quốc độc lập, non sông thu về một mối, nhiều người lại tình nguyện hồi hương, đem kiến thức và của cải của mình trở về nước trực tiếp tham gia xây dựng đất nước.
Trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đồng bào ta ở nước ngoài cũng luôn hòa cùng dòng chảy của khối đại đoàn kết dân tộc, tham gia đóng góp nguồn lực tri thức, nguồn lực kinh tế và nguồn lực “mềm” cho Tổ quốc.
Kiều bào là nhân tố vô cùng quan trọng đóng góp cho sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào đời sống quốc tế, góp phần thúc đẩy hợp tác, làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các tổ chức và đối tác khác, cùng chung tay huy động những nguồn lực quốc tế cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, nâng cao hình ảnh và vị thế đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.
Kiều bào còn góp sức vào những nỗ lực chung của đất nước trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc như: Tổ chức các Câu lạc bộ vì Trường Sa - Hoàng Sa, thường xuyên tổ chức gặp gỡ, tọa đàm, hội thảo, sưu tập bản đồ… chứng minh chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Các hoạt động này giúp cộng đồng và bạn bè quốc tế hiểu rõ, đúng đắn hơn về Việt Nam và góp phần tranh thủ, vận động thế giới ủng hộ cho Việt Nam, đặc biệt tại các diễn đàn quốc tế.
Hàng triệu kiều bào có mặt ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ chính là những chủ thể giữ gìn, cũng là sứ giả quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Các giá trị truyền thống Việt được bà con ta gìn giữ và phát huy không chỉ là sợi dây kết nối giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình với cộng đồng, với quê hương, mà còn là thông điệp văn hóa sâu sắc truyền tải đến bạn bè quốc tế, giúp bạn bè quốc tế hiểu và tin tưởng chúng ta hơn, góp phần tạo nên “sức mạnh mềm” của Việt Nam.
Với thế mạnh là tri thức và kinh nghiệm, kiều bào còn là nguồn lực chất xám quan trọng đóng góp cho đất nước. Hàng năm có khoảng 500 lượt chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, chủ yếu từ các nước phát triển về nước tham gia tích cực vào các hoạt động xây dựng và hoạch định chính sách, đặc biệt tư vấn cho các ngành, lĩnh vực phát triển mới của Việt Nam. Bà con đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng, cụ thể trong các vấn đề lớn của đất nước như: Khoa học công nghệ, kinh tế xanh, môi trường, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…
Nhiều người tích cực kết nối, hợp tác với trí thức trong nước, hình thành nên những mạng lưới các nhà khoa học không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà còn ở phạm vi quốc tế, sẵn sàng nguồn lực hỗ trợ cho Việt Nam khi cần thiết. Kiều bào cũng trực tiếp tham gia vào công tác nghiên cứu, giảng dạy ở trong nước. Các mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tên tuổi của trí thức kiều bào đã xuất hiện, ghi nhiều dấu ấn trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo của đất nước. Tiêu biểu như: Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ICISE tại Quy Nhơn (Giáo sư Trần Thanh Vân - kiều bào Pháp); Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (Giáo sư Ngô Bảo Châu - kiều bào Mỹ); Viện khoa học và công nghệ tính toán Thành phố Hồ Chí Minh (Giáo sư Trương Nguyện Thành - kiều bào Mỹ); trường Doanh thương Trí Dũng (Tiến sỹ Nguyễn Trí Dũng - kiều bào Nhật)...
Một nguồn lực vô cùng quan trọng khác của kiều bào đóng góp cho sự phát triển của đất nước là nguồn lực về kinh tế. Cho đến nay, kiều bào đã đầu tư về nước hàng nghìn dự án với số vốn hàng tỷ USD, góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước. Kiều hối là nguồn lực quan trọng góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế và bổ sung ngoại tệ cho đất nước.
Trong 3 năm cả thế giới biến động và lao đao vì đại dịch COVID-19, kiều hối gửi về nước vẫn tăng đều đặn khoảng 4-5%/năm, đạt mức 18,1 tỷ USD năm 2021, tương đương gần 5% GDP, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thu hút kiều hối lớn nhất thế giới. Ngoài ra, doanh nhân kiều bào cũng có nhiều đóng góp trong xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư và quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt ở sở tại, đặc biệt là những mặt hàng thế mạnh của ta như may mặc, da giày, nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…
Phát huy truyền thống đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, đồng bào ta ở nước ngoài còn tích cực hỗ trợ, tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo hướng về quê hương, ủng hộ đất nước trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh; giúp đỡ đồng bào trong nước có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng của bão lụt, thiên tai, đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ đồng bào ở các nước gặp khó khăn như tại Ukraine…
Những đóng góp toàn diện trên các lĩnh vực của kiều bào ta ở nước ngoài đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước thời gian qua, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của kiều bào và cũng là kết quả của quá trình triển khai toàn diện công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài luôn phát huy vai trò đầu mối, chủ trì tham mưu cho Đảng, Nhà nước và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Để vươn xa trên con đường phát triển
Với quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030 và 2045. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 - kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để đạt được mục tiêu đó, Đảng và Nhà nước đã đề ra hàng loạt các định hướng và nhiệm vụ cụ thể trên mọi lĩnh vực, trong đó con người là mục tiêu và động lực trong đường lối phát triển. Phải khẳng định lại rằng, người Việt Nam ở trong và ngoài nước chính là “cái gốc”, là động lực để thực hiện mục tiêu và khát vọng “Việt Nam hùng cường” mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra; là nguồn sức mạnh để Việt Nam vươn xa trên con đường phát triển, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.
Thời gian tới, trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng và toàn diện vào khu vực và toàn cầu, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc của người Việt Nam ở trong và ngoài nước không chỉ là bài học thành công của quá khứ, mà còn là nguồn lực vô song để phát triển đất nước, phát triển cộng đồng. Để thực hiện được mục tiêu và khát vọng trên, Việt Nam cần phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, trong đó, sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là không thể thiếu. Lòng yêu nước, tự hào dân tộc sẽ là điểm tựa sức mạnh để kiều bào ta nỗ lực hơn nữa, cùng đồng bào trong nước hiện thực hóa giấc mơ về một Việt Nam phát triển thịnh vượng, có vị thế cao, xứng tầm sánh vai với các cường quốc năm châu.
Đất nước luôn ghi nhận, trân trọng những đóng góp của kiều bào với Tổ quốc; luôn kề vai sát cánh với đồng bào ở nơi đất khách quê người để xây dựng một cộng đồng đoàn kết, ổn định, phát triển vững mạnh, đóng góp tích cực cho nước sở tại và luôn hướng về quê hương.
Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới để phát triển vượt bậc. Tin rằng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và đại đoàn kết dân tộc, tiếp tục có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng vai trò ngày càng lớn hơn nữa trong cuộc chuyển mình của dân tộc”.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 6260 Trong tuần: 45752 Trong tháng 35182 Tất cả: 17128693