Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thế giới vừa đi qua năm 2022 với nhiều biến động chưa có tiền lệ, không chỉ những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt mà cả những cuộc xung đột địa chính trị... Tất cả đã cộng hưởng, tạo nên sức ép to lớn toàn diện và sâu sắc tới kinh tế -xã hội ở mọi quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, “phương Nam”, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, kích hoạt khủng hoảng năng lượng, lương thực, khủng hoảng nợ ở nhiều nước thu nhập còn thấp. Chủ tịch nước cho rằng, năm 2023, dự báo bầu trời kinh tế thế giới thậm chí còn nhiều u ám với những nguy cơ suy thoái gia tăng, lạm phát cao, tài chính-tiền tệ quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, cạnh tranh nước lớn và xung đột địa chính trị rất phức tạp và ngày càng quyết liệt. Việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đứng trước thách thức lớn.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đa khủng hoảng, đa thách thức, đa chuyển đổi đó, chung ta càng phải chung tay củng cố, tăng cường các yếu tố nền tảng của toàn cầu về hòa bình và phát triển thịnh vượng.
Đó chính là: Một là phải đoàn kết, hợp tác quốc tế và duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển. Các tranh chấp cần được giải quyết hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Hai là thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế là động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm với người dân làm trung tâm và “không bỏ ai ở lại phía sau”.
Để tiếng nói phương Nam vang xa, Chủ tịch nước đề xuất các nước phương Nam cần có tiếng nói chung, đóng góp thực chất vào thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, cải tổ Liên hợp quốc dân chủ và hiệu quả hơn, củng cố hệ thống thương mại đa phương với WTO ở vị trí trung tâm, hạn chế tối đa các rào cản thương mại. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam luôn ủng hộ các khuôn khổ hợp tác khu vực và đa phương dựa trên luật lệ, đóng góp cho hoà bình, hợp tác và phát triển. Chủ tịch nước cho biết, là giao điểm của nhiều liên kết kinh tế quan trọng với 15 FTA, Việt Nam sẵn sàng tham gia xây dựng các chuỗi cung ứng toàn cầu tự cường và bền vững. Chủ tịch nước cũng đề xuất các nước phát triển cần thực hiện các cam kết tài chính ưu đãi hướng đến cả yêu cầu cấp bách là xoá, giãn nợ cho các nước nghèo, hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững và xây dựng lộ trình tài chính phát triển sau 2025.
Thông tin về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, Chủ tịch nước cho biết, là một nền kinh tế mở chịu nhiều tác động từ bên ngoài, dù còn nhiều tồn tại phải khắc phục, nhưng Việt Nam đã nỗ lực duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, GDP năm 2022 tăng 8,02% với quy mô vượt 400 tỷ USD, kim ngạch thương mại đạt 732 tỷ đô la Mỹ tăng 10%, an sinh xã hội được bảo đảm.
Chủ tịch nước cho rằng: “Từ thực tiễn Việt Nam, chúng tôi xin chia sẻ bài học hàng đầu là phát huy tốt nội lực, coi đó là cơ sở để: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; Hai là cân bằng giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, kiên định mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội; Ba là lấy người dân là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển; Thứ 4 là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”.
Chủ tịch nước đánh giá cao những thành tựu phát triển và vai trò, vị thế quốc tế ngày càng quan trọng của Ấn Độ, và tin tưởng Ấn Độ sẽ đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch G20 năm 2023 vì hòa bình, hợp tác phát triển tại khu vực châu Á, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn cầu. Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam đang nỗ lực đóng góp vào tiếng nói của Phương Nam, vì một thế giới công bằng, rộng mở, cùng phồn vinh và hạnh phúc.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 6307 Trong tuần: 45799 Trong tháng 35229 Tất cả: 17128740