Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.
Tham dự lễ kỷ niệm còn có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.
Cùng dự lễ kỷ niệm có đồng chí Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành Trung ương, TP Hà Nội; lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; lãnh đạo các địa phương khu vực phía Bắc; đại biểu đại diện cán bộ lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam Anh hùng; đại biểu các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, văn nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, đại diện các tầng lớp nhân dân, nhân chứng lịch sử và Lực lượng vũ trang Thủ đô…
Trình bày diễn văn kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay từ những năm đầu của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, sớm nhận rõ và dự báo chính xác tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định quyết tâm chiến lược, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, động viên quân và dân miền Bắc chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt... Cuối năm 1967, đầu năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Sau thất bại liên tiếp tại chiến trường miền Nam Việt Nam, Mỹ đơn phương tuyên bố hoãn không thời hạn Hội nghị Paris, đồng thời mở cuộc tập kích chiến lược bằng đường không vào miền Bắc nước ta tháng 12/1972, với tên gọi Chiến dịch Linebacker 2 nhằm đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc, gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản có lợi cho Mỹ. Đây là cuộc tập kích huy động lực lượng lớn nhất của Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, với hàng trăm máy bay ném bom chiến lược B-52, được mệnh danh là “Siêu pháo đài bay” - “thần tượng bất khả chiến bại” của không lực Mỹ cùng hàng ngàn máy bay chiến thuật và nhiều tàu sân bay, tàu chiến tối tân, hiện đại.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương, Quân chủng Phòng không - Không quân đã chủ động xây dựng kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B-52 của Mỹ. Ngay từ trận đầu ra quân, đêm 18/12/1972, quân và dân ta đã bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay B-52”, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh tiếp theo.
Trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, với ý chí kiên cường, niềm tin sắt đá, nêu cao tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B-52, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ. Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, “siêu pháo đài bay B-52” thảm bại, không lực Mỹ phải chịu tổn thất nặng nề chưa từng có.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, chiến thắng đã làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước và nhân loại tiến bộ, được thế giới biết đến với tên gọi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Sau thất bại này, nhà cầm quyền Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận quay trở lại bàn đàm phán. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết. Cuối tháng 3/1973, quân đội Mỹ và chư hầu đã phải rút khỏi miền Nam Việt Nam.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng; tạo cục diện mới và là tiền đề quan trọng để quân và dân ta đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975, thực hiện trọn vẹn mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào… Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, hơn 35 năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu và Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
“Thế hệ người Hà Nội hôm nay sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy hào khí “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, truyền thống “Thủ đô anh hùng”; phát huy tinh thần Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, lòng dũng cảm, ý chí quật cường, trí thông minh, sáng tạo và những phẩm chất cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta, sẵn sàng hy sinh tất cả vì nền độc lập của dân tộc, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Anh hùng LLVTND - Trung tướng Phạm Tuân - ôn lại kỷ niệm cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, quân và dân miền Bắc, mà trực tiếp là quân dân Thủ đô Hà Nội với lực lượng nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân đã anh dũng chiến đấu đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của không lực Hoa Kỳ và làm nên chiến thắng vang dội “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Trung tướng Phạm Tuân cho biết, là những người cựu chiến binh đã từng tham gia vào Chiến dịch lịch sử Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, ông rất tin tưởng vào sự phát triển đi lên của Quân chủng Phòng không – không quân. Đồng thời mong muốn lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng tiếp tục quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; cụ thể hóa và vận dụng linh hoạt, sáng tạo những bài học quý báu từ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Vinh dự, xúc động và tự hào khi được đại diện cho thế hệ trẻ phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thiếu tá Bùi Thanh Bình - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 77, Trung đoàn tên lửa 257, Sư đoàn Phòng không 361, Quân chủng Phòng không - Không quân bày tỏ, bản hùng ca bất diệt “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta như một “Bạch Đằng”, “Chi Lăng”, “Đống Đa” của thế kỷ 20… trở thành biểu tượng của ý chí, trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, là thắng lợi của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tư do”.
Kế thừa và phát huy tinh thần chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, thế hệ trẻ nguyện quyết tâm viết tiếp những trang sử vẻ vang, tiếp nối truyền thống cha ông, lấy đó làm lý tưởng sống, làm động lực để phát huy trí tuệ, lòng nhiệt huyết, ra sức xây dựng Quân đội, Quân chủng Phòng không - Không quân “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc, góp phần xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “Giàu mạnh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong ước.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 9714 Trong tuần: 50885 Trong tháng 113013 Tất cả: 17206568