Chiều 21/12, tại Phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nội dung quan trọng nhất được trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần 2 diễn ra vào đầu tháng 1/2023.
Hình thành các vùng động lực quốc gia
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch tổng thể quốc gia định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu.
Trong đó tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, khai khoáng, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu... Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ mới. Phát triển các ngành công nghiệp xanh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên. Về dịch vụ, xây dựng các trung tâm thương mại, tài chính... mang tầm khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, gắn với phát triển các vùng động lực, hành lang kinh tế.
Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với phát triển các trung tâm công nghiệp chế biến. Đối với các ngành hạ tầng kỹ thuật thì tập trung các nguồn lực phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng để hỗ trợ hình thành các hành lang kinh tế và sớm hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực.
Về hạ tầng xã hội, quy hoạch ưu tiên đầu tư các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, các vùng động lực. Liên quan định hướng phát triển các vùng động lực quốc gia, hành lang kinh tế, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, quy hoạch lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các vùng động lực quốc gia. Đó là: Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); vùng động lực phía Nam (TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu); vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) và vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên.
Phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030: Hành lang kinh tế Bắc - Nam và 2 hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu. Phát triển các vùng biển dựa trên phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hoá, tính đa dạng của hệ sinh thái; bảo đảm hài hòa, gắn kết và bổ trợ lẫn nhau giữa các ngành, lĩnh vực trên biển và trên đất liền.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch cũng như nhiều định hướng phát triển (đặc biệt riêng định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội đã bao gồm 4 vùng động lực quốc gia, 10 hành lang kinh tế, 2 khu vực lãnh thổ cần bảo tồn và vùng hạn chế phát triển, 3 ngành quan trọng cần phát triển) cho thấy khối lượng công việc, nhiệm vụ cần phải triển khai, thực hiện là rất lớn, đòi hỏi nguồn lực đầu tư phải tương xứng, không chỉ về nguồn vốn mà cả về nhân lực được đào tạo phải đủ trình độ để ứng dụng tiến bộ của khoa học, công nghệ. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cân đối các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Có phương án xử lý giảm dần khu công nghiệp nhà máy có nguy cơ ô nhiễm cao
Nêu ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, đây là vấn đề khó, mới, chưa có tiền lệ nhưng Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã rất nỗ lực, hồ sơ thể hiện sự công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội; đồng thời phân tích, phát triển không gian biển chưa được phác hoạ rõ nét, nhất là vận tải biển và dịch vụ hàng hải, trong khi nước ta có tiềm năng, thế mạnh cần được quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phân tích, quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng bao gồm những gì, còn nội dung chi tiết nằm ở các quy hoạch khác như quy hoạch đất đai, biển, vùng, ngành, tỉnh... Những quy hoạch này đang làm và có sự kết nối với nhau. “Quy hoạch tổng thể định hướng, tạo hành lang để các quy hoạch khác phải theo, có kết nối, cộng hưởng, phát huy. Quy hoạch này cũng là giới hạn không gian để quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh... không được phá vỡ” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý quy hoạch phải có “động”, “mở” để có thể điều chỉnh, bổ sung trong quá trình phát triển, đề nghị làm rõ phân cấp, phân quyền trong điều chỉnh quy hoạch, “không nên sửa tên một dự án cụ thể cũng phải trình Quốc hội”.
Góp ý vào dự thảo nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị quy hoạch cần chú trọng kết nối các hành lang kinh tế của Việt Nam với các hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế vì hiện chưa thật nổi bật. Từng hành lang kinh tế không có nghĩa phải đầu tư đồng bộ, toàn diện ngay mà nên có những đoạn, tuyến quan trọng, cần phải ưu tiên nguồn lực phát triển trước vì đầu tư cả hành lang cần nguồn lực rất lớn. Về phát triển hệ thống nông thôn, lưu ý nghiên cứu bổ sung nội dung chủ trương phát triển mỗi xã 1 sản phẩm OCOP trong phát triển nông nghiệp; tập trung xử lý môi trường nhất là rác thải, nước thải, mục tiêu đạt 90% đạt chuẩn nông thôn mới… khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn. Hệ thống chỉ tiêu cơ bản tán thành với dự thảo phải tính đến trong điều kiện bình thường, các chỉ tiêu này phù hợp với kết luận Trung ương và có dự phòng trong trường hợp có các cú sốc.
Về phát triển kết cấu hạ tầng đề nghị nhấn mạnh phát triển đồng bộ hiện đại hạ tầng kỹ thuật, thông tin, năng lượng và hạ tầng số quốc gia; xác định cụ thể khung kết cấu hạ tầng quốc gia, bên cạnh đường bộ chú trọng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và đa phương thức vận tải khác; phát triển hạ tầng cho kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường; bổ sung chỉ tiêu về xanh hóa, phát triển đô thị xanh và bền vững… Nhấn mạnh, mục tiêu phát triển giáo dục cần ưu tiên cao.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị chú trọng hơn đến kết nối khu vực và quốc tế, có sự chọn lọc những tuyến quan trọng để ưu tiên đầu tư phát triển trước; đề nghị nhấn mạnh hơn đến tạo lập trung tâm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng, chú trọng hạ tầng, môi trường, tài nguyên, sản phẩm và doanh nghiệp du lịch; nghiên cứu bổ sung để nhấn mạnh công nghiệp hỗ trợ phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Nên đặt vấn đề bố trí không gian có phương án xử lý giảm dần khu công nghiệp nhà máy có nguy cơ ô nhiễm cao, cần có lộ trình để thực hiện; bổ sung định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, thông minh, phát triển vùng sản xuất lớn, chuyên canh hữu cơ, bố trí không gian nông nghiệp gắn với hạ tầng giao thông, gắn với phát triển tiêu thụ, xuất khẩu…
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến các nội dung phát triển các vùng không gian, phát triển văn hóa, chú ý phát triển hạ tầng giao thông gắn với phát triển đô thị; về danh mục dự án quan trọng quốc gia cần nêu dự kiến; tính toán bổ sung các nguồn lực; phát triển nhân lực cần gắn với phân bổ dân cư…
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 1196 Trong tuần: 1205 Trong tháng 350160 Tất cả: 16499456