Báo cáo do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày cho biết, về dự kiến nội dung kỳ họp, Chính phủ đề nghị bổ sung các nội dung sau: Trình Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Đồng thời, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; trình Quốc hội xem xét giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT.
Chính phủ cũng gửi các báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu, gồm: Việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; tiến độ hoàn thành một số dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị rút: Báo cáo việc thực hiện Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa XHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (Hiệp định EVIPA) vì tính đến nay, Hiệp định này chưa có hiệu lực.
"Ngoài ra, tại phiên họp chiều ngày 12/9/2022 của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH yêu cầu Chính phủ báo cáo về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương. Ban Công tác đại biểu đề nghị bổ sung nội dung về công tác nhân sự", Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị UBTVQH xem xét, đồng ý với các đề nghị, đồng thời, đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu theo đúng quy định để UBTVQH xem xét, quyết định việc bổ sung vào chương trình kỳ họp. Riêng đối với nội dung xem xét giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương gửi hồ sơ tài liệu theo quy định để UBTVQH có căn cứ xem xét, quyết định.
Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tiếp và bố trí liền mạch từ phiên khai mạc đến phiên bế mạc...
Qua thảo luận, UBTVQH cơ bản đồng tình với nội dung chương trình do Tổng Thư ký Quốc hội đưa ra.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, một số nội dung gửi tài liệu, báo cáo chậm, còn thiếu về quy trình, thủ tục phải rút ra khỏi chương trình Kỳ họp thứ 4 như: Tổng kết Nghị quyết 30; tổng kết Nghị quyết 54 và các quy hoạch tổng thể quốc gia. "Sau Kỳ họp thứ 4 chúng ta sẽ tính tiếp phương án, tinh thần là phải tiếp tục cố gắng, đảm bảo chất lượng những dự án, nội dung quan trọng này", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân đối nội dung chương trình theo hướng, những nội dung phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau thì bố trí thời gian nhiều hơn; những dự án luật quá trình chuẩn bị công phu, đã xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách mà thấy đồng thuận cao thì có thể bố trí thời gian ít hơn. Như dự án Luật đất đai (sửa đôi) cần bố trí thảo luận 1,5 ngày; có thể linh hoạt bố trí thêm thời gian thảo luận Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nếu cần...
"Bố trí họp thêm hai ngày thứ 7 để kết thúc kỳ họp đúng ngày 18/11. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các cơ quan chức năng phải chủ động có phương án xử lý; có phương án bảo đảm ANTT cũng như các điều kiện phục vụ kỳ họp", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 5951 Trong tuần: 41538 Trong tháng 390517 Tất cả: 16539806