Chiều 14/9, dưới sự chủ trì của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 06 của Bộ Công an, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị giao ban Tổ công tác triển khai Đề án 06 Quý III/2022 và nhiệm vụ trọng tâm Quý IV, gắn với triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06.
Dự hội nghị có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06 của Bộ Công an, cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành có liên quan.
Đẩy mạnh 21/25 dịch vụ công thiết yếu
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin sơ bộ kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06, đồng thời nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chỉ đạo điều hành ở một số bộ, ngành chưa thực sự được lãnh đạo các cấp quan tâm. Nhiều phần việc, văn bản vẫn còn chậm so với tiến độ. Dịch vụ công trực tuyến tỷ lệ xử lý hồ sơ vẫn chưa cao. Tiến độ số hóa những hồ sơ, giấy tờ phục vụ nhân dân còn chậm. Nhân lực ở nhiều đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai phục vụ Đề án 06.
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Cơ quan thường trực điểm lại ngắn gọn kết quả, thành tích, cần tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế, nguy cơ để các ban, bộ, ngành nắm rõ, có phương hướng triển khai giải quyết hiệu quả những nhiệm vụ trong Quý IV. Trên cơ sở những đánh giá, thảo luận, các đơn vị cùng làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nhìn nhận những nguy cơ có thể chậm tiến độ ở một số phần việc để tìm biện pháp giải quyết.
Trong quý III, Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị có liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2022/NĐ CP, ngày 5/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử. Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 48/2022/TT-BTC, ngày 03/8/2022 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí/giá khai thác từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện nay, Bộ Công an tiếp tục xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân; Thông tư hướng dẫn trao đổi thông tin, dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các bộ, ngành, địa phương.
Các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh 21/25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử. Bộ Công an đẩy mạnh các dịch vụ công cấp hộ chiếu online; phân cấp đăng ký, cấp biển số xe ô tô và mô tô tại cấp huyện, cấp xã tạo tiện ích, thuận lợi cho người dân. Phối hợp với TP Hồ Chí Minh triển khai Kế hoạch thực hiện mô hình điểm dịch vụ công tại 3 điểm, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử và thực hiện các thủ tục hành chính; cấp CCCD gắn chip. Tổ chức khảo sát 2 khu công nghiệp tại thành phố Cần Thơ để triển khai mô hình điểm dịch vụ công. Nhiều địa phương có kết quả cao trong công tác triển khai dịch vụ công như Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ…
Về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác, trong Quý III/2022, Bộ Công an đã kết nối giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về Giấy phép lái xe, cơ sở dữ liệu đăng kiểm phương tiện của Bộ Giao thông Vận tải. Tính đến 12/9/2022, đã kết nối chính thức với 12 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương. Tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, triển khai sổ sức khỏe điện tử trên VNEID.
Bộ Công an đã có văn bản gửi Hội người cao tuổi, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh hướng dẫn quy trình số hóa, nhập dữ liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tính đến 5/9/2022, có 2 đơn vị gửi văn bản về Bộ Công an theo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cụ thể: Hội Nông dân Việt Nam đề nghị hỗ trợ về hạ tầng, thiết bị và quản trị dữ liệu; Hội Phụ nữ Việt Nam đề nghị hỗ trợ nâng cấp phần mềm quản lý cán bộ hội viên, đồng bộ dữ liệu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hội Nông dân và Hội người cao tuổi Việt Nam đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị thu thập, nhập dữ liệu Hội viên. Tổ chức xác thực dữ liệu người dùng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác: Đã tiến hành xác thực thông tin thuê bao với 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone để làm sạch dữ liệu, thông tin người dùng.
Bộ Công an đẩy mạnh ứng dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử, tài khoản định danh điện tử. Sau 3 tháng triển khai thí điểm sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ ATM tại một số chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội và Quảng Ninh, đã có 762 lượt công dân sử dụng thẻ CCCD để giao dịch với tổng số tiền trên 22,73 tỷ đồng. Đã có 11.171/13.150 cơ sở y tế sử dụng thẻ CCCD gắn chip tích hợp BHYT trong công dân sử dụng thẻ CCCD khám chữa bệnh, đạt tỷ lệ 84,9% với 1.675.330 gắn chip đi khám chữa bệnh. Tính đến 12/9/2022, tổng số hồ sơ định danh tiện tử đã được truyền lên trung ương 9.914.067 hồ sơ, trong đó số lượng hồ sơ được phê duyệt 8.649.199 hồ sơ (đạt 87.24% so với tổng số hồ sơ được thu nhận). Công tác cấp CCCD gắn chip tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay, đã cấp 70.060.116 thẻ CCCD gắn chip cho công dân.
Ngày 30/8/2022, Bộ Công an đã họp với các đơn vị (Cục người có công, Cục bảo trợ xã hội, Văn phòng quốc gia giảm nghèo, Trung tâm tin học Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước; Kho bạc Nhà nước; Ngân hàng BIDV, Vnpost) để thống nhất phương án cấp, quản lý tài khoản an sinh xã hội. Hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang hoàn chỉnh Chỉ thị chuyển đổi số, trình Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện. Sau khi Chỉ thị được ban hành, Bộ Công an sẽ triển khai cấp tài khoản an sinh cho công dân. Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành kiểm tra an ninh, an toàn thông tin hệ thống công nghệ thông tin của 26/37 hệ thống (thuộc 23/26 đơn vị); 61/63 địa phương, trong đó có 31 địa phương, 16/26 hệ thống đảm bảo đáp ứng về an ninh, an toàn.
Trong lĩnh vực nhóm tiện ích phục vụ chỉ đạo điều hành, quý III/2022, Bộ Công an đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế, UBND các tỉnh, Thành phố căn cứ danh sách thống kê số lượng công dân đã tiêm chủng, chưa tiêm mũi 4 vaccine phòng COVID-19 do Bộ Công an chuyển để làm cơ sở xây dựng Kế hoạch phân bổ mũi tiêm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ danh sách thống kê số lượng công dân theo các độ tuổi đi học trên toàn quốc do Bộ Công an chuyển để xây dựng Kế hoạch, phương án đào tạo, tuyển sinh các cấp và bố trí trang thiết bị, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực giáo viên phù hợp với điều kiện thực tế.
Chủ động phối hợp hiệu quả, “đả thông” những điểm nghẽn
Chủ trì thảo luận, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị đại diện các bộ, ban, ngành cần tập trung thực hiện, hoàn tất các nhiệm vụ được giao theo lộ trình Đề án 06 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Đề án 06; đồng thời đề nghị các đại biểu thảo luận, thống nhất hoàn thiện thể chế, ban hành Thông tư hướng dẫn trao đổi thông tin, dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành (hoàn thành trong tháng 9/2022).
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc lưu ý vấn đề hết sức cấp thiết, quan trọng, đó chính là bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo Luật Cư trú, đồng thời yêu cầu đại diện các đơn vị khẩn trương rà soát 21 Nghị định, Thông tư có liên quan. Bộ Công an và các bộ, ban, ngành có liên quan tham mưu với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành một Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định có nội dung quy định phải xuất trình sổ hộ khẩu trong giải quyết thủ tục hành chính, theo trình tự thủ tục rút gọn có hiệu lực từ 15/12/2022 để giải quyết các vấn đề về thủ tục hành chính cho người dân mà không cần xuất trình sổ hộ khẩu từ 1/1/2023.
“Các văn bản giấy tờ liên quan đến xác nhận truyền thống phải nhanh chóng được sửa đổi, thay thế bằng môi trường số, điện tử. Các bộ, ngành cần phải thực hiện theo trách nhiệm, phần việc của mình, chịu trách nhiệm trước nhân dân, với Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo hiệu quả, đúng thời gian, lộ trình đã định, làm đến đâu chắc đến đó. Hiện nay, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội, Bộ Công an đã thống nhất tập trung xây dựng dữ liệu cho Bộ Y tế phục vụ phòng, chống bệnh tật trong trường hợp cấp bách; phục vụ nhân dân. Những dữ liệu nào, trường thông tin nào đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì các bộ, ngành không xây dựng nữa, tránh trùng lắp, lãng phí. Những điểm kết nối các điểm khám chữa bệnh của Bộ Y tế không qua cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư dễ dẫn tới lộ, lọt, mất an toàn thông tin”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ.
Trên cơ sở gợi mở và định hướng những nội dung thảo luận của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, đại diện các đơn vị gồm: Văn Phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam… đã tập trung thảo luận làm rõ những nguyên nhân, tồn tại, vướng mắc, khó khăn dẫn đến chậm hoàn thành những nhiệm vụ được phân công theo lộ trình của Đề án 06. Đại diện các bộ, ngành cũng thống nhất cao trong Quý IV cần “tăng tốc” giải quyết hiệu quả những phần việc, nhiệm vụ đơn vị phụ trách trong Đề án 06.
Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên từng lĩnh vực, bộ, ngành được giao thực hiện, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thống nhất những nội dung thảo luận tại hội nghị, đồng thời đề nghị đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, đảm bảo các điều kiện về an ninh, an toàn thông tin, phục vụ kết nối, sử dụng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với nhóm tiện ích phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội, cùng với những phần việc được giao, Bộ Công an đề nghị các bộ, ban, ngành, đơn vị khẩn trương phối hợp, chủ động triển khai hiệu quả những phần việc được giao, hoàn thành đúng theo lộ trình đặt ra trong Đề án 06 ở các nhóm phục vụ phát triển công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên lĩnh vực bộ, ngành, địa phương phụ trách …
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: "Chúng ta phải xác định đây là thời gian rất quan trọng để hoàn thành những nhiệm vụ của Đề án trong năm 2022, đồng thời tạo tiền đề hoàn thành những mục tiêu của các năm tiếp theo". Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành quán triệt tinh thần kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06; ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 22/8/2022 và ngày 13/9/2022 để bổ sung hoàn thiện những nhiệm vụ công tác theo chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành. Riêng Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên Môi trường cần khẩn trương đăng ký nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình thực hiện trong những tháng cuối năm 2022 gửi về Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ trước 20/9/2022 để tập hợp, theo dõi, đôn đốc.
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp lý để triển khai các nhiệm vụ của đề án đúng tiến độ, nhất là việc bỏ sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1/1/2023. “Từ ngày 31/12/2022, sổ hộ khẩu không còn giá trị sử dụng, đương nhiên phải bỏ, chính vì vậy cần phải xây dựng những Thông tư, Nghị định để phục vụ cho thời điểm này. Thực tế, nhiều năm qua, cứ phải có sổ hộ khẩu mới giải quyết công việc cho người dân là quá khổ cho dân”- Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Lấy ví dụ về việc học của học sinh, sinh viên, nhiều địa phương cũng dựa và căn cứ vào hộ khẩu để làm thủ tục đăng ký nhập học, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc làm trên của các đơn vị chức năng đã gây khó khăn và mệt mỏi, phiền hà cho các bậc phụ huynh, gia đình, nhà trường và xã hội. Nhiều thứ “ăn theo” sổ hộ khẩu cũng gây khó dễ cho người dân, cần phải bỏ. Các bộ, ngành cần nâng cao công tác quản trị, quản lý bằng môi trường số, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc kết nối dữ liệu phải đồng bộ, thông suốt, nếu không kết nối được thì rất phức tạp, thậm chí cản trở dòng chảy của thủ tục hành chính. Chia sẻ những vất vả, khó khăn với các bộ, ban, ngành, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Bộ Công an đã rất nỗ lực trong hoàn tất dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư, cấp CCCD gắn chip. Đến giai đoạn cuối này, còn khó khăn trong việc hoàn thiện cấp CCCD gắn chip, hoàn chỉnh dữ liệu của một số bộ phận nhỏ người dân, nhưng với tinh thần không quản ngại gian khó, tập trung, quyết tâm nhất định chúng ta sẽ làm được.
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục thúc đẩy những dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình Quý IV đã đặt ra trong Đề án 06. Văn phòng Chính phủ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thực hiện dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn các bộ, ngành chức năng áp dụng, triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử trên dịch vụ công Quốc gia để giải quyết thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng khó khăn khi đăng ký tài khoản dịch vụ công bằng số điện thoại. Các bộ, ngành thực hiện ngay và hoàn thành những yêu cầu trong nhóm nhiệm vụ trên.
Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an đôn đốc các đơn vị khẩn trương nâng cấp hệ thống, kết nối để tích hợp với phần mềm dịch vụ công liên thông, chạy thử để rút kinh nghiệm trước khi triển khai thí điểm tại Hà Nội, Cần Thơ, Hà Nam, Thái Nguyên. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai trên toàn quốc đối với 2 dịch vụ công cấp đổi, cấp lại Giấy phép lái xe và Thủ tục đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ), hoàn thành trong quý III. Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thành triển khai dịch vụ công liên thông thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, hoàn thành trước 30/9/2022.
Các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp sử dụng thông tin công dân thay thế sổ hộ khẩu phù hợp với các thủ tục hành chính (gồm: CCCD, thiết bị đọc QRCode, tra cứu trên cổng dân cư, phiếu thông tin dân cư, VNEID, khẩn trương thúc đẩy kết nối sử dụng thông tin dân cư). Văn phòng Chính phủ triển khai hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương sử dụng tài khoản định danh điện tử trên Cổng dịch vụ công Quốc gia để giải quyết thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng khó khăn khi đăng ký tài khoản dịch vụ công bằng số điện thoại; đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu, kết nối.
“Văn phòng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu đã được xác định trong Đề án và 29 dịch vụ công theo Quyết định 422 ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt tối thiểu 30%”- Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 16587 Trong tuần: 59832 Trong tháng 210760 Tất cả: 17304326