Trong suy nghĩ và hành động của người đứng đầu Công an tỉnh Lai Châu, việc đưa công an chính quy về xã là một mảnh ghép vô cùng quan trọng và cùng với phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, thôn, bản sẽ góp phần chuyển hóa mạnh mẽ địa bàn, đảm bảo bình yên nơi phên giậu Tổ quốc.
Làm “nguội” những “điểm nóng”
Cùng Đại tá Tao Văn Trường, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, chúng tôi đến xã Tà Tổng, huyện Mường Tè vào một ngày đầu thu, nắng vàng như rót mật. Con đường dẫn vào trung tâm xã, một số đoạn bị sạt lở bởi những trận mưa rừng đầu tháng. Công an các xã dọc trên tuyến chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng san lấp, sửa lại mặt đường.
Thượng úy Lý Phùy Chóng, Trưởng Công an xã dáng người vững chãi, rắn chắc như cây lim giữa rừng dẫn tôi vào bản Giàng Ly Cha. Trên con đường chừng 9km từ trung tâm vào bản, chiếc xe máy lắc lư, chồm lên, ngụp xuống qua bao đèo dốc. Mất gần một tiếng đồng hồ với nhiều đoạn phải dắt bộ, chúng tôi mới tới nơi.
Cách đây chưa lâu, bản Giàng Ly Cha là điểm nóng về an ninh, trật tự khi một số đối tượng xấu lôi kéo người dân tụ tập thành lập cái gọi là vương quốc Mông ở núi Ao Rồng. 100% người dân ở đây là người dân tộc Mông. Trình độ nhận thức của đa số bà con còn hạn chế, đời sống kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn nên khi bị đối tượng xấu lừa gạt, hứa hẹn và cho tiền, nhiều người đã tin theo. Công an huyện Mường Tè đã chủ động cùng công an xã bám địa bàn, nắm tình hình và phối hợp với các Công an tỉnh Lai Châu phát hiện, xử lý.
Nhiều đối tượng cầm đầu trong vụ án trên đã bị bắt giữ. Người dân nơi đây được các cán bộ công an xã vận động, tuyên truyền, từ đó đã hiểu những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật, trở về nẻo thiện để chăm lo lên nương làm rẫy, xây dựng bản làng thoát nghèo. Công an xã Tà Tổng cũng phát huy được vai trò của những cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư, làng bản để phối hợp tuyên truyền, vận động người dân nắm vững, hiểu các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; không tin, nghe theo lời kẻ xấu, đồng thời tích cực hỗ trợ lực lượng Công an trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, bảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.
Giúp dân phát triển kinh tế - xã hội
Pa Ủ là một trong những xã xa nhất của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Để đi từ trung tâm thành phố đến xã, chúng tôi phải vượt qua không biết cơ man nào là đèo dốc, mất chừng hơn một ngày đường mới có thể tới nơi. Cả xã có hơn 838 hộ với khoảng trên 3.300 nhân khẩu. Hầu hết trong số đó là người dân tộc La Hủ. Dẫn chúng tôi xuống nhà dân để tìm hiểu về cuộc sống của bà con nơi đây, đồng chí Trưởng Công an xã Pa Ủ trầm ngâm cho biết: Pa Ủ hiện là xã vùng III, vùng cao biên giới, đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 63,4%.
Mênh mông đồi núi, rừng cây, diện tích tự nhiên rộng lớn ấy chủ yếu là đất dốc, đồi núi cao, nhiều khu vực đất bạc màu, khó có thể canh tác. Dẫu vậy, bà con nơi đây bằng đức tính cần cù chịu thương chịu khó, cùng với sự hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn của chính quyền và Công an xã Pa Ủ đã chăm lo trồng trọt rau màu, cây công nghiệp như sa nhân, quế, dong riềng... Những chăm chỉ vượt khó của người dân Pa Ủ đã dần được đền đáp bởi hoa trái trên nương ngày một nhiều hơn, góp phần giúp cho đời sống của người dân nơi đây vơi đi những vất vả, khó khăn. Tương tự, ở xã Huổi Luông, cán bộ, chiến sĩ công an chính quy cũng đã có mặt, tuyên truyền, vận động bà con nơi đây chăm lo lao động, không tin lời kẻ xấu, đồng thời tham gia tích cực vào các phong trào đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
Một trong những điểm sáng về công tác tuyên truyền, vận động người dân tránh xa ma túy, phát huy các mô hình làm kinh tế mới từ du lịch cộng đồng phải kể tới xã Hồ Thầu của huyện Tam Đường. Bản Sì Thâu Chải chủ yếu là người dân tộc Dao sinh sống trên đỉnh những ngọn núi cao của dãy Hoàng Liên Sơn. Thiếu tá Giàng Văn Hảo, Trưởng Công an xã Hồ Thầu đã trở thành người con của dân bản thực thụ khi “4 cùng” với bà con. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng chung nỗi lo, suy nghĩ của người dân bản là làm thế nào để thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống đầm ấm từ chính quê hương, từ chính những cánh rừng xanh biêng biếc của làng bản cứ luôn thôi thúc trong người chỉ huy Công an xã Hồ Thầu.
Dưới sự tham mưu của Công an xã, UBND xã Hồ Thầu đã hướng dẫn người dân làm du lịch để thoát nghèo. Thay vì than vãn bởi những điều kiện tự nhiên đầy khó khăn thì chính người dân và chính quyền nơi đây lại biến bất lợi đó thành một bản sắc riêng của địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Anh Lù Văn Páo dù mới 24 tuổi đời, nhưng đã 5 năm tuổi Đảng và đã có hơn 1 năm giữ chức Bí thư Chi bộ bản Sì Thâu Chải, không chỉ làm tốt công tác xã hội mà còn là tấm gương điển hình về làm kinh tế, du lịch cộng đồng.
Kể về quá trình xây dựng và phát triển bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, anh Páo cho biết, những ngày đầu, chi bộ và chính quyền, đoàn thể phải vận động bà con tham gia xây dựng và phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Bà con dân bản với tập quán canh tác nông nghiệp theo kiểu tự cấp, tự túc, chưa bao giờ nghĩ đến việc biến các sản phẩm nông nghiệp thành các sản phẩm du lịch và càng không nghĩ đến việc biến nơi ăn chốn ở của mình thành nơi ăn ở của những người xa lạ. Nhưng, được cán bộ thường xuyên tuyên truyền về lợi ích của việc làm du lịch và được hướng dẫn cách thức làm du lịch cộng đồng nên bà con đã dần nghe theo. Ban đầu là việc làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm ra xa khu nhà ở, rồi đến việc tu sửa, chỉnh trang nhà cửa cho gọn gàng. Bản cũng thành lập các tổ vệ sinh, thường xuyên quét dọn đường làng, ngõ xóm. Chi bộ và chính quyền, đoàn thể cũng hướng dẫn bà con tạo cảnh quan xung quanh nhà như trồng hoa, làm tường đá, làm cổng nhà bằng các nguyên vật liệu thân thiện môi trường như gỗ, tre, nứa. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền từ tỉnh xuống xã, mỗi hộ dân đã được hỗ trợ 15 triệu đồng để lát nền nhà, những hộ làm homestay được hỗ trợ 50 triệu mua trang, thiết bị phục vụ du khách. Đến nay toàn bản đã có 10 hộ làm homestay, có khả năng đón tiếp 300 khách lưu trú mỗi ngày, trong đó hộ Lù A San có thể đón lượng khách lớn nhất, khoảng 50-60 khách lưu trú/đêm.
Ấn tượng của du khách khi đến với Sì Thâu Chải là sự thanh bình, yên ả, là khí hậu trong lành, cảnh quan tươi đẹp. Dưới những tán cây xanh mát, sum sê là nhưng ngôi nhà gỗ đặc trưng của người Dao, với những chiếc cổng được tạo dáng khác nhau. Trong các khu vườn nhà, người dân trồng rất nhiều loại hoa và cây ăn quả như hoa hồng, địa lan, đào. Hoa cũng được trồng dọc hai bên đường đi, bên những bức tường đá.
Đặc biệt, nơi đây có một rừng lê rộng tới 5 ha, được dân bản trồng chung để phục vụ du lịch. Mùa xuân, hoa lê nở trắng cả một vùng đồi núi, du khách như lạc vào chốn tiên cảnh, không muốn rời. Cuối hè, đến Sì Thâu Chải, du khách sẽ được thưởng thức vị ngọt mát của những quả lê ngay trong khu rừng rộng lớn.
Vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, sinh hoạt, lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy sau khi được điều động đã nỗ lực triển khai các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Tình hình an ninh, trật tự tại các xã, thị trấn đều có những chuyển biến tích cực; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội giảm rõ rệt. Chất lượng công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về bảo đảm an ninh, trật tự được nâng cao.
Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự được thực hiện bài bản hơn, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Lực lượng Công an xã, thị trấn đã đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, cấp căn cước công dân gắn chip. Qua đó, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 243 Trong tuần: 249 Trong tháng 349204 Tất cả: 16498500