Chúng tôi gặp Trung tá Phạm Quang Dũng khi anh vừa được Công an tỉnh Ninh Thuận lựa chọn điển hình tiên tiến chuẩn bị tham dự Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác tuyên truyền phong trào Toàn dân BVANTQ và Ngày hội Toàn dân BVANTQ khu vực miền Trung – Tây Nguyên giai đoạn 2016-2022. Tham luận của anh tại hội nghị này với chủ đề “Kinh nghiệm trong công tác vận động các chức sắc tôn giáo tham gia phong trào Toàn dân BVANTQ trên địa bàn Ninh Thuận”.
Trung tá Dũng chia sẻ: “Duyên nghiệp đưa tôi đến với ngành Công an sau chuyến đi thăm người anh trai là sĩ quan quân đội ở sân bay Thành Sơn năm 1992. Nghe tin Công an tỉnh Ninh Thuận tuyển chọn thanh niên vào lực lượng Công an, tôi đăng ký và được đưa về huấn luyện tại Phòng Cảnh sát bảo vệ - cơ động lúc đó. Hai năm sau tôi được giao phụ trách tiểu đội bảo vệ một tuyến hầm trong đường ống thủy lực Nhà máy thủy điện Đa Nhim. Địa bàn phức tạp, công tác bảo vệ luôn vấp phải nhiều khó khăn trở ngại, trong khi trải nghiệm thực tế chưa nhiều nên để xảy ra một vụ cắt trộm dây điện chiếu sáng. Sau sự cố đó, tôi bị kiểm điểm trách nhiệm, “treo” lương một năm, nhưng lại là bài học cần thiết sau này trong công tác”.
Trung tá Phạm Quang Dũng kể tiếp rằng, sau 2 năm (2000-2002) được đào tạo tại Trường Trung cấp ANND II, anh về nhận công tác ở Đội An ninh Công an huyện Ninh Sơn gần 7 năm thì được bổ nhiệm chức vụ Phó Đội trưởng; đến năm 2009 được điều về Đội Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ. Gần 13 năm gắn bó với công tác xây dựng phong trào, anh cùng đồng đội đã nghiên cứu, tham mưu cho UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ninh Sơn cùng các tổ chức đoàn thể, tôn giáo, doanh nghiệp, trường học… xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả 15 mô hình ANTT. Nổi bật là các mô hình “Tộc họ tự quản”, “Xứ đạo bình yên”, “Giáo họ tự quản về ANTT”, “Chi hội Tin Lành bình an”, “Khu dân cư tôn giáo an toàn về ANTT”, “Làng Chăm an toàn về ANTT”, “Doanh nghiệp an toàn về ANTT”, “Trường học an toàn về ANTT và không có ma túy”. Ngoài ra, anh và đồng đội còn tham mưu xây dựng 14 đội xung kích bảo vệ ANTT tại 14 trường học, cơ quan, doanh nghiệp, 22 câu lạc bộ phụ nữ phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và 61 tổ hòa giải chủ động phối hợp chính quyền, Công an cùng các đoàn thể giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp dân sự từ cơ sở, hạn chế khiếu kiện phức tạp kéo dài hoặc phát sinh tội phạm. Đặc biệt trong số đó có 4 mô hình được tỉnh Ninh Thuận nhân rộng đến nhiều huyện, thành phố là “Làng Chăm an toàn về ANTT”, “Xứ đạo bình yên”, “Trường học an toàn về ANTT” và “Đội tự quản liên thế hệ giữ gìn ANTT”.
Nói về kỷ niệm sâu sắc trong nghề, Trung tá Phạm Quang Dũng nhớ lại: Khi tham mưu xây dựng mô hình “Xứ đạo bình yên” ở Giáo xứ Triệu Phong, anh cùng đồng đội vấp phải khó khăn do một số người chưa đồng thuận. Với quyết tâm huy động giáo dân cùng tham gia bảo vệ ANTT, các anh bám cơ sở gần 4 tháng, cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ninh Sơn tranh thủ tiếp cận trao đổi thông tin với Linh mục Trần Văn Hải, Chánh xứ Triệu Phong tổ chức tuyên truyền vận động, thuyết phục một số thành viên trong Hội đồng Giáo xứ Triệu Phong và các giáo họ. Đến khi mô hình ra mắt, có người còn chưa tin tưởng về hiệu quả, nên các anh phải thường xuyên cung cấp thông tin cho giáo dân về những thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, phối hợp Công an xã Quảng Sơn tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nhanh các nguồn tin liên quan đến ANTT, đồng thời phối hợp chính quyền, đoàn thể ở địa phương hòa giải ổn thỏa nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp dân sự; cảm hóa giáo dục một số thanh thiếu niên có dấu hiệu vi phạm pháp luật… Từ đó, mô hình “Xứ đạo bình yên” không chỉ hoạt động hiệu quả, mà giáo dân còn tích cực tham gia xây dựng 2 đội thanh niên xung kích tuần tra bảo vệ ANTT, duy trì “Tiếng kẻng an ninh”, chấp hành tốt quy ước của Giáo xứ, góp phần bảo đảm ANTT và bình yên cuộc sống gắn với xây dựng nông thôn mới.
Để tạo thêm niềm tin yêu cảm phục đối với người dân, trong năm 2022, Trung tá Phạm Quang Dũng cùng các chức sắc tôn giáo vận động xây dựng 2 căn nhà tình thương cho người nghèo có tổng trị giá 120 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa; tham mưu UBND huyện Ninh Sơn tổ chức cho Công an, Kiểm lâm, Quân sự, Lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ ký kết quy chế phối hợp bảo đảm ANTT và bảo vệ rừng với huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT” ở xã Quảng Sơn; xây dựng “Xã điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ” ở xã Hòa Sơn…
Với những nỗ lực tích cực trong công tác, những năm qua Trung tá Phạm Quang Dũng được Chủ tịch UBND, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, UBND huyện Ninh Sơn tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Và điều đáng trân trọng ghi nhận là anh được nhiều chức sắc tôn giáo cùng đông đảo người dân tin yêu, cảm phục bởi những hành động và hiệu quả cụ thể trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở huyện miền núi Ninh Sơn.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 7483 Trong tuần: 48650 Trong tháng 110778 Tất cả: 17204333