Tìm hiểu 04 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu
Cập nhật ngày: 19-09-2024
Dự án Luật Dữ liệu do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV. Luật gồm 07 chương, 66 điều. Nội dung quy định về: xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã đưa ra các thuật ngữ về dữ liệu, xử lý dữ liệu, quản trị dữ liệu, chiến lược dữ liệu, tài nguyên dữ liệu, thị trường dữ liệu, chủ sở hữu dữ liệu, người dùng dữ liệu, dữ liệu quan trọng, dữ liệu cốt lõi, sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu… Qua đó, nhằm điều chỉnh, thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở các nội dung nêu trên, Bộ Công an cũng đề xuất 04 chính sách lớn trong xây dựng Luật Dữ liệu bao gồm:
Bộ Công an tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Dữ liệu
(Nguồn ảnh: internet)
Chính sách 1: Quy định về xây dựng, phát triển, quản trị, xử lý dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu, quản lý nhà nước về dữ liệu.
- Mục tiêu của chính sách: xây dựng quy định điều chỉnh các hoạt động liên quan đến dữ liệu, nhất là các chính sách về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị, bảo vệ dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu, xác định và quản lý rủi ro có thể phát sinh trong chuỗi cung ứng dữ liệu; hợp tác quốc tế dữ liệu để góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về dữ liệu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, xây dựng tiêu chuẩn chung về dữ liệu để áp dụng thống nhất, đồng bộ.
- Nội dung chính sách: quy định về chiến lược dữ liệu; xử lý dữ liệu (gồm các hoạt động thu thập, ghi, phân tích, tổng hợp, xác nhận, xác thực, lưu trữ, chỉnh sửa, cập nhật, điều chỉnh, công khai, kết hợp, truy cập, truy xuất, thu hồi, mã hóa, giải mã, sao chép, chia sẻ, chuyển giao, xóa, hủy dữ liệu hoặc các hoạt động khác có liên quan); quản trị dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, chất lượng dữ liệu, cung cấp dữ liệu; xác định và quản lý rủi ro có thể phát sinh trong chuỗi cung ứng dữ liệu; hợp tác quốc tế về dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu đang có xu hướng phát triển phổ biến trên thế giới như công nghệ trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối, công nghệ truyền thông dữ liệu, công nghệ internet vạn vật và công nghệ dữ liệu lớn…
- Giải pháp thực hiện chính sách
+ Quy định về thu thập, ghi, phân tích, tổng hợp, xác nhận, xác thực, lưu trữ, chỉnh sửa, cập nhật, điều chỉnh, điều chỉnh, công khai, kết hợp, truy cập, truy xuất, thu hồi, mã hóa, giải mã, sao chép, chia sẻ, truyền đưa, chuyển giao, xóa, hủy dữ liệu; chất lượng dữ liệu, cung cấp dữ liệu;
+ Quy định về quản lý nhà nước về dữ liệu; Quy định về chiến lược dữ liệu; Quy định về quản trị dữ liệu; Quy định về bảo vệ dữ liệu; Quy định về xác định và quản lý rủi ro phát sinh trong xử lý dữ liệu; Quy định về hợp tác quốc tế về dữ liệu; Quy định Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia; Quy định về ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu…
- Lý do lựa chọn
+ Đối với cơ quan nhà nước: giảm tải các chi phí trong đầu tư xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong các cơ sở dữ liệu; hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách để xây dựng phát triển dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Thu được các lợi ích kinh tế khi quản lý các nền tảng công nghệ về trí tuệ nhân tạo; điện toán đám mây…
+ Đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân: giảm chi phí trong việc khai thác, sử dụng dữ liệu; có nhiều lựa chọn dịch vụ liên quan ứng dụng dữ liệu trong các hoạt động kinh tế. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức doanh nghiệp trong hoạt động phát triển các nền tảng công nghệ.
Chính sách 2: Quy định về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia
- Mục tiêu chính sách: Quy định về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia để tập hợp, tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan nhà nước và dữ liệu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; dữ liệu tại cơ sở dữ liệu tổng hợp là nền tảng cốt lõi cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, bảo đảm quốc phòng an ninh.
- Nội dung chính sách:
+ Đồng bộ toàn bộ dữ liệu mở, dữ liệu dùng chung từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và đồng bộ dữ liệu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tự nguyện cung cấp hoặc bắt buộc cung cấp về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia trong trường hợp ứng phó với tình trạng khẩn cấp (như trường hợp khẩn cấp về quốc phòng, an ninh, sức khỏe cộng đồng hoặc các thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc do con người gây ra).
+ Hoạt động xử lý, quản trị, chia sẻ dữ liệu liên quan đến Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia;
+ Trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân, tổ chức khác;
+ Mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cổng dịch vụ công quốc gia và cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác;
+ Phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.
- Giải pháp thực hiện chính sách: Quy định về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia trên cơ sở đồng bộ toàn bộ dữ liệu mở, dữ liệu dùng chung từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tự nguyên cung cấp hoặc bắt buộc cung cấp về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia trong trường hợp ứng phó với tình trạng khẩn cấp.
- Lý do lựa chọn:
+ Đối với cơ quan nhà nước: giảm chi phí triển khai cung cấp các dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và chi phí vận hành, quản lý cơ sở dữ liệu điện tử; tận dụng thông tin, dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia để phân tích, đưa ra các giải pháp điều hành phục vụ phát triển kinh tế; tận dụng, phát huy được tối đa lợi ích của dữ liệu để phát triển kinh tế số…
+ Đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân: hạn chế phát sinh chi phí, bảo đảm an ninh, an toàn khi tham gia các hoạt động giao dịch điện tử; khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính.
Trong thời đại công nghệ số, việc bảo mật thông tin
dữ liệu của cá nhân, tổ chức là rất quan trọng
Chính sách 3: Quy định về xây dựng, phát triển, sử dụng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia
- Mục tiêu chính sách: giúp Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực hạ tầng, công nghệ; giải quyết vấn đề hạn chế của các hệ thống thông tin, của việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan; tăng cường hiệu quả, tính minh bạch trong quản lý nhà nước, hiện đại hóa quy trình quản trị quốc gia; tiết kiệm nguồn lực đầu tư của nhà nước và xã hội.
- Nội dung chính sách:
+ Quy định về vị trí, vai trò của Trung tâm dữ liệu quốc gia
+ Quy định về đăng ký, cấp tài nguyên hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia phục vụ hoạt động quản trị cơ sở dữ liệu và hoạt động quản trị hệ thống thông tin khác cửa các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Các cơ quan có thể sử dụng hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia hoặc tự đầu tư hạ tầng theo tiêu chuẩn và đặt tại Trung tâm dữ liệu quốc gia.
+ Quy định về quản trị, vận hành, sử dụng tài nguyên hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia: Trung tâm dữ liệu quốc gia quản lý và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin đặt tại Trung tâm dữ liệu quốc gia. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong quá trình tích hợp, chia sẻ dữ liệu tại vùng dùng chung của Trung tâm dữ liệu quốc gia. Các bộ, ban, ngành, địa phương và tổ chức chính trị xã hội tiếp tục thực hiện việc quản lý cơ sở dữ liệu trong hệ thống của đơn vị mình, phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia bảo đảm an ninh, an toàn thông tin hệ thống, bảo mật dữ liệu tại đơn vị trong quá trình đồng bộ dữ liệu với Trung tâm dữ liệu quốc gia.
+ Quy định về nâng cấp, bảo trì, sửa chữa hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia; quy định về bố trí nguồn vốn để xây dựng, phát triển, nâng cấp và ưu tiên đầu tư trang thiết bị hiện đại cho Trung tâm dữ liệu; quy định về việc sử dung nền tảng chia sẻ và điều phối dữ liệu; quy định về bảo vệ dữ liệu, bảo đảm nguồn lực hoạt động của Trung tâm dữ liệu….
- Giải pháp thực hiện chính sách: quy định về việc xây dựng, phát triển, sử dụng chung hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia phục vụ hoạt động quản trị cơ sở dữ liệu và hoạt động quản trị hệ thống thông tin khác của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
- Lý do lựa chọn:
+ Đối với Nhà nước: giảm chi phí đầu tư về hạ tầng, nguồn lực chuyển đổi số; tập trung đầu tư cho việc phát triển đội ngũ vận hành hạ tầng Trung tâm dữ liệu duy nhất; bảo đảm thống nhất quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ cho hoạt động thu thập, lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng, chia sẻ dữ liệu trong phạm vi cả nước; tiết kiệm kinh phí…
+ Đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân: được đăng ký sử dụng dịch vụ hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia, dịch vụ điện toán đám mây do Chính phủ cung cấp, giảm nguồn lực đầu tư, giảm mối lo ngại về lộ lọt dữ liệu.
Chính sách 4: quy định về sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu
- Mục tiêu của chính sách: Dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là huyết mạch của các cơ quan, tổ chức hiện nay, nó được tạo lập từ nhiều nguồn khác nhau để mở ra không gian hoạt động và phát triển kinh tế - xã hội cho các quốc gia. Việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu hiện nay lại có vai trò rất quan trọng, được xem là yếu tố đột phá để từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu, lấy thị trường dữ liệu làm động lực phát triển dữ liệu và kích thích, thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, các lĩnh vực, tăng năng lực cạnh tranh, bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số ở nước ta.
- Nội dung của chính sách:
+ Trung tâm dữ liệu quốc gia (đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp thuộc Trung tâm) sử dụng nền tảng chia sẻ và điều phối dữ liệu để cung cấp các dịch vụ: Xác thực điện tử đối với dữ liệu không gắn với chủ thể danh tính điện tử; sản phẩm, dịch vụ phân tích và tổng hợp dữ liệu; sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu; sàn giao dịch dữ liệu.
+ Quản lý đối với tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.
- Giải pháp thực hiện chính sách: Quy định về các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu (quy định đối với việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ dựa trên cơ sở dữ liệu do cơ quan nhà nước tạo lập và cơ sở dữ liệu do tổ chức, cá nhân khác tạo lập).
- Lý do lựa chọn:
+ Đối với Nhà nước: Giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu; giúp tái sử dụng những dữ liệu đã có; từ đó, giúp Nhà nước tiết kiệm chi phí, không mất chi phí để thu thập hoặc yêu cầu người dân cung cấp các thông tin đã có trong các cơ sở dữ liệu.
+ Đối với tổ chức, doanh nghiệp: Được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu, dễ dàng chuyển đổi dữ liệu; giảm chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Việc tìm kiếm dữ liệu cần thiết sẽ được thực hiện nhanh chóng, từ đó có cái nhìn đa chiều để đánh giá và lựa chọn dữ liệu phù hợp.
+ Đối với cá nhân: Người dân được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu; được tìm kiếm dữ liệu của bản thân và các thông tin cần thiết khác một cách nhanh chóng với nhiều hình thức đa dạng, đầy đủ ở nhiều lĩnh vực; tiết giảm được các chi phí trong việc đề nghị cơ quan, tổ chức cấp trích lục, chứng thực các loại giấy tờ của bản thân; giảm chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính như chi phí bưu chính, kê khai nhiều loại giấy tờ khác nhau...
Có thể thấy việc ban hành một Luật Dữ liệu là cần thiết nhằm đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ trong việc quản lý, sử dụng thông tin từ các Cơ sở dữ liệu, nhằm phục vụ hiệu quả hơn cho công tác quản lý Nhà nước và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ Công an đã hoàn thành lấy ý kiến văn bản dự thảo Luật Dữ liệu từ ngày 01/7 – 01/9/2024. Đồng thời, tiếp tục hoàn tất các hồ sơ thủ tục, dự kiến trình dự án Luật Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 8./.
Phương Thảo
Các tin khác
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 13275 Trong tuần: 44251 Trong tháng 296023 Tất cả: 16445341