Câu hỏi lớn
Thôn Thanh Bình (xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) vốn là vùng đất khẩn hoang của người dân miền Bắc từ cuối những năm 1970 của thế kỷ trước, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước đi xây dựng vùng kinh tế mới.
Ở nơi tha phương, sinh hoạt quần tụ, sinh sống với nghề nương rẫy, nên người dân nơi đây có sự gắn kết, đùm bọc nhau. Bởi vậy, sự việc 3 bà cháu (là mẹ và 2 con của anh Đàm Văn Quyết – Bí thư đoàn xã Tân Thanh) đột ngột mất tích giữa ban ngày ban mặt, dù gia đình và hàng xóm đã đỏ mắt tìm mà không thấy, khiến lòng người trĩu nặng lo âu.
Tiếp nhận tin báo về vụ mất tích bí ẩn, ông Trần Quang Thế - (Phó Trưởng Công an xã Tân Thanh) đã huy động lực lượng Công an xã cùng gia đình nạn nhân và người dân tiếp tục tỏa đi các hướng để tìm kiếm. Lúc đó là chiều ngày 24/5/2019. Người mất tích được xác định là bà Hoàng Thị Vượng (sinh năm 1948) cùng 2 cháu nhỏ là Đàm Đức Tiến (sinh năm 2015) và Đàm Thị Nguyên Thảo (sinh năm 2016).
Địa hình vùng này có nhiều ao, hồ, suối sâu, nên giả thuyết 3 bà cháu trong quá trình đi lại chẳng may ngã xuống đâu đó rồi tử vong được đặt ra, nhưng kỳ lạ là điện thoại của bà Vượng khi gọi đến vẫn chưa tắt máy, chỉ là không biết đang ở đâu. Tiến hành nắm tình hình, một chủ tiệm tạp hóa trong thôn cho biết khoảng hơn 9h sáng hôm đó bà Vượng có dẫn hai cháu nhỏ tới mua đồ. Trong lúc nói chuyện, bà bảo sẽ dẫn cháu đến chơi nhà ông Bế Văn Sơn cách đó vài trăm mét. Hỏi ông Sơn thì được biết khoảng 10h sáng, ba bà cháu họ có đến chơi nhà một lúc rồi ra về.
Cuộc tìm kiếm tiếp tục mà không thu được thêm thông tin gì. Sự khó hiểu càng lúc càng tăng, đến mức người ta nghĩ đến khả năng họ đã bị bắt cóc. Dù vùng này chưa từng xảy ra chuyện đó, nhưng không thể loại trừ khả năng đó vì an ninh trật tự tại khu vực Tây Nguyên vẫn luôn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp. Tuy vậy, kể cả nếu xảy ra vụ bắt cóc thì cũng phải có thông tin. Đằng này lại không ai có phát hiện gì bất thường. Vậy ba bà cháu họ đã đi đâu trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến cuối giờ chiều mà không để lại dấu chân?
Trời mỗi lúc một khuya, thấy sự việc quá kỳ lạ và nếu họ thực sự bị bắt cóc thì sự việc đã vượt quá khả năng, thẩm quyền giải quyết của chính quyền xã. Vụ việc liền được báo cáo lên Thượng tá Trần Văn Trà – (Phó Trưởng Công an huyện Lâm Hà). Ngay trong đêm, các đội nghiệp vụ Công an huyện đã hành quân xuống địa bàn tiến hành nắm tình hình, ghi nhận thông tin từ người dân về hành trình di chuyển của 3 bà cháu, cũng như các quan hệ đáng chú ý, các mâu thuẫn nếu có trong đời sống của gia đình nạn nhân.
Manh mối bất ngờ
Sáng hôm sau, lấy nhà ông Bế Văn Sơn là điểm cuối cùng ghi nhận việc 3 bà cháu xuất hiện, các trinh sát tổ chức rà soát dọc theo cung đường trở về gia đình họ. Điều này đã làm bật lên một thông tin quan trọng. Đó là ông Lục Thế Bưu ở cùng thôn cho biết vào buổi trưa hôm trước (tức ngày 24/5) ông trông thấy ba bà cháu họ ở trong vườn nhà mình.
“Anh Bưu cung cấp cho chúng tôi rằng vào trưa hôm đó trong khi anh phát cỏ sau vườn nhà, anh nhìn thấy ba bà cháu đang hái đậu với vợ của mình là Nghiêm Thị Nhi. Thấy việc hàng xóm đến chơi là chuyện bình thường nên anh tiếp tục phát cỏ, không nghĩ gì nhiều” - Đại úy Ngô Chí Hiếu – (Phó Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an huyện Lâm Hà) kể.
Xác minh được biết trong nhà ông Bưu thời điểm đó còn có một cậu con trai đang chơi điện tử. Cậu ta cũng xác nhận trưa ngày 24/5, khi đang chơi game trong nhà thì nghe thấy tiếng chó sủa, sau đó thấy ba bà cháu bà Vượng đi vào và mẹ mình ra đón nói chuyện trước sân. Điều khó hiểu là cả ông Bưu và cậu con trai đều không biết 3 bà cháu rời đi lúc nào. Quan trọng hơn cả là tại thời điểm trinh sát đến nhà hỏi han thông tin thì bà Nhi (vợ ông Bưu) vắng nhà, gia đình không biết bà này đi đâu. Họ phỏng đoán có thể bà Nhi đến thăm nhà bà con ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng).
Sự vắng mặt của ai đó tại địa bàn xảy ra sự việc đang điều tra luôn là mối quan tâm đặc biệt của những người làm án. Lập tức những nghi vấn về bà Nhi được đặt ra. Một tổ công tác liền được cử đi Đức Trọng để tìm kiếm người đàn bà này, trong khi mũi trinh sát khác chịu trách nhiệm dựng quan hệ và hành tung trong ngày 24/5 của bà ta.
Cùng lúc đó, hoạt động tìm kiếm các dấu vết nghi vấn được tiến hành tại khu vườn được cho là nơi ba bà cháu đã hái đỗ, và rồi những điều bất thường đã lọt vào mắt các trinh sát.
Trung tá Nguyễn Thế Anh – (Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, Công an huyện Lâm Hà) nhớ lại: “Chúng tôi đi tỏa ra kiểm tra tỉ mỉ nhiều địa điểm trong nhà, vườn nhà ông Bưu. Kết quả đã phát hiện tại vị trí ngay chỗ cây cà phê và cây bơ có dấu vết màu đỏ dạng giọt bắn nghi là máu người hoặc động vật. Sau khi xem xét, bằng kinh nghiệm chúng tôi nhận định đây rất có thể là máu người chứ không phải máu động vật. Đi sâu kiểm tra, tiếp tục phát hiện có dấu vết lông tóc dính trên lá cà phê. Đó là những sợi tóc dài và ngắn. Qua kiểm tra, chúng tôi nhận định đó là tóc người”.
Có thể nói đây là manh mối đặc biệt quan trọng, làm phơi bày một tội ác kinh hoàng đã xảy ra trong ngày hôm trước.
Trực tiếp chỉ đạo cuộc điều tra, Thượng tá Trần Văn Trà – (Phó Trưởng Công an huyện Lâm Hà) cho biết, từ những dấu vết đã phát hiện Công an huyện nhận định có khả năng đã xảy ra một vụ án mạng mà hiện trường có thể chính tại khu vườn của nhà ông Bưu. Yêu cầu cấp bách lúc này là phải tìm cho ra thi thể của các nạn nhân. Có tìm được họ thì sự thật vụ án mới được làm sáng tỏ. Trinh sát liền bấm máy gọi bà Vượng thì vẫn thấy có tín hiệu, nhưng không nghe tiếng chuông điện thoại.
Song hành cùng hoạt động kiểm tra hiện trường, tổ trinh sát nắm tình hình địa bàn nhận được nguồn tin rất quan trọng. Anh Nguyễn Văn Út Nhỏ ở cùng thôn Thanh Bình cho biết, vào chiều hôm ba bà cháu mất tích, khi đang đi xe máy trên đường thì anh gặp bà Nhi đi bộ. Bà ta có nhờ anh chở mình ra huyện Đức Trọng cách đó hơn 50km.
Trên đường đi, bà Nhi kể với anh Nhỏ lý do đi một mình là vì hai vợ chồng bà ta mới cãi lộn nên bà muốn đi chơi ít bữa cho khuây khỏa.
Tại nhà ông Bưu, sau nhiều giờ mở rộng tìm kiếm, phát hiện tại một hố cây cà phê cách vị trí tìm thấy máu và tóc khoảng 10m, có dấu hiệu bị cào xới, phía trên lớp đất phủ nhiều cành lá.
Khi gạt lớp đất ra thì phát hiện một mảng da người, đủ cơ sở xác định đã có án mạng xảy ra. Sự việc được Công an huyện Lâm Hà lập tức báo cáo lên Công an tỉnh Lâm Đồng. Lực lượng điều tra và khám nghiệm của Công an tỉnh ngay sau đó đã xuống hiện trường để tiến hành các hoạt động điều tra.
Kết quả khám nghiệm đã phát hiện thêm nhiều dấu vết máu, nhất là đã thu được một con dao kim loại, lưỡi sắc, sống dao có dính chất dịch màu nâu đỏ dạng quệt trong vườn cà phê nhà ông Bưu.
Và rồi bên dưới một hố cà phê được phủ đất và cành lá bên trên, qua kiểm tra đã phát lộ ra 3 thi thể người chết với những nhát chém chí mạng ở vùng đầu, cổ, mặt và tay chân. Tiến hành nhận dạng xác định họ chính là mẹ và 2 cháu bé con anh Đàm Văn Quyết. Lúc này mũi trinh sát đi Đức Trọng truy tìm Nhi cũng đã xác định được nơi trốn của thị tại nhà người em gái ở thị trấn Liên Nghĩa, nên tiếp cận khống chế, đưa Nhi về cơ quan điều tra để đấu tranh xét hỏi.
Động cơ “lãng xẹt”
Tại cơ quan điều tra, Nghiêm Thị Nhi có thái độ lỳ lợm, bất hợp tác, phủ nhận sự liên quan của mình đối với vụ án mạng. Để có thêm căn cứ đấu tranh, xác định mâu thuẫn giữa Nhi và gia đình nạn nhân, một tổ trinh sát đã xuống làm việc với chính quyền xã Tân Thanh thì được biết từ vài năm trước, do thông tin trên chứng minh nhân dân bị sai nên Nhi đã nhiều lần gặp anh Đàm Văn Quyết khi đó là Trưởng thôn Thanh Bình để đề nghị Quyết giúp sửa đổi. Vì việc này vượt quá khả năng và chức trách nên anh Quyết đã hướng dẫn Nghiêm Thị Nhi đến làm việc trực tiếp với UBND xã Tân Thanh. Sau nhiều lần lên xã nhưng vướng mắc chưa được giải quyết, nên Nhi nảy sinh bức xúc và đổi lỗi cho Quyết đã không giúp mình, khiến gia đình Nhi gặp khó khăn trong công việc. Đây rất có thể là nguyên nhân khiến thị xuống tay tàn bạo với người nhà của anh Quyết.
Trung tá Phạm Ngọc Đằng – (Đội trưởng Đội phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm nhân thân, Phòng CSHS, Công an tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Trước thái độ ngoan cố của nghi phạm, chúng tôi tổ chức hội ý, đánh giá diễn biến tâm lý, nhận định những vướng mắc trong nội tâm đang cản trở đối tượng khai báo sự thật, trên cơ sở đó tính toán phương pháp xét hỏi hợp lý để buộc nghi can thay đổi thái độ, chấp nhận khai báo về hành vi của mình. Kiên trì giáo dục, cảm hóa, động viên kết hợp với sử dụng chứng cứ, sử dụng mâu thuẫn trong lời khai để đấu tranh, vạch trần thái độ khai báo quanh co, gian dối của đối tượng. Cuối cùng tổ xét hỏi đã buộc đối tượng phải thừa nhận tội ác ghê rợn đã gây ra đối với ba bà cháu”.
Theo đó, khoảng hơn 10h ngày 24/5 trong lúc làm cỏ trước nhà Nghiêm Thị Nhi gặp 3 bà cháu bà Hoàng Thị Vượng đang trên đường về nhà. Bà Vượng ngỏ ý xin rau và 2 trái bơ rồi họ đi vào vườn rau của Nhi. Trong lúc bà Vượng hái bơ, Nhi có nhắc lại việc anh Quyết con trai bà đã không giúp mình sửa thông tin trên căn cước công dân và chuyện một vài người thân trong gia đình bà Vượng nói Nhi ăn trộm điện thoại, dẫn đến lời qua tiếng lại giữa hai người. Tức khí, bà Vượng và Nhi xông vào xô đẩy nhau khiến cả hai đều ngã. Trong lúc nóng giận, ức chế, Nhi đã vơ luôn con dao làm cỏ dựng gần đó chém liên tiếp nhiều nhát vào đầu, cổ bà Vượng khiến bà gục tại chỗ.
Chưa nguôi giận, Nhi tiếp tục xuống tay chém chết hai cháu bé. Việc xô xát diễn ra trong vườn nên không có ai chứng kiến. Thấy 3 bà cháu đã chết, Nhi vào nhà lấy cây cuốc cào đất ở một hố cây cà phê rồi kéo xác từng người từ vị trí cây bơ đến vất xuống cái hố mới đào rồi phủ đất, cành lá cây khô lên trên. Hung khí gây án Nhi giấu trong vườn, còn đồ đạc của nạn nhân Nhi gói vào một túi bóng rồi vất ở khu vực giáp ranh với vườn nhà hàng xóm bên cạnh. Gây án xong, Nhi vào nhà thay đồ rồi bỏ trốn. Trên đường Nhi gặp người hàng xóm tên Út Nhỏ và nhờ anh này đưa đến huyện Đức Trọng.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 14493 Trong tuần: 38484 Trong tháng 289978 Tất cả: 17383539