Theo báo cáo về kết quả công tác phòng, chống mua bán người năm 2023 của UBND TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, địa bàn thành phố đã xuất hiện một số vụ án mua bán người. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn xuất hiện tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, mua bán nội tạng, bộ phận cơ thể, đẻ thuê. Nhiều đường dây tội phạm liên quan đến mua bán người, bộ phận cơ thể thông qua mạng xã hội.
Các đường dây lừa nạn nhân bằng cách giới thiệu tìm việc nhẹ lương cao. Sau đó, các nạn nhân phải làm việc tại quán massage, karaoke, nhà hàng, cà phê, hớt tóc và bị ép ký giấy nợ, buộc phải thực hiện hành vi kích dục, bán dâm để lấy tiền trừ vào "phí tuyển dụng". Ngoài ra, các nạn nhân còn bị lừa sang nước ngoài bằng cách vượt biên hoặc đi tour du lịch, sau đó bán vào cơ sở đánh bạc trực tuyến, kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình, ép bán dâm hoặc bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản…
Điển hình vào cuối tháng 10/2023, Công an TP Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan đã triệt phá đường dây mua bán bộ phận cơ thể người, đồng thời làm rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tổ chức đường dây đã thu lợi bất chính hơn 12 tỷ đồng… Đến nay, các phòng nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh cùng các đơn vị liên quan đang củng cố hồ sơ để đưa ra truy tố, xét xử các đối tượng trong đường dây này. Theo đó, các đối tượng đã bị khởi tố và bắt tạm giam gồm: Bùi Tiến Lực, Nguyễn Thanh Phong, Trần Thanh Hòa và Phan Thanh Hải về tội "Mua bán bộ phận cơ thể người". Các đối tượng này đều bán thận trước đó và nắm được quy trình nên đã thành lập đường dây, lôi kéo nhiều người bán thận để tạo thành "ngân hàng" thận bán cho người cần ghép…
Bước đầu, cơ quan Công an xác định các đối tượng trên đã thực hiện 28 giao dịch mua bán tạng thận, mỗi trường hợp cần mua thận có giá từ 400 triệu đồng đến hơn 1,1 tỷ đồng và người bán thận nhận từ 260 đến 400 triệu đồng. Các đối tượng đã thu lợi bất chính hơn 12 tỷ đồng. Nguồn thận được mua bán trái phép đã được thực hiện kỹ thuật ghép cho người mua chủ yếu diễn ra tại các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Mới đây nhất, liên quan tới vụ việc hai bé gái bị thất lạc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), ngày 12/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Huỳnh Nhật Vi (SN 2003; thường trú huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) về tội "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi" và "Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm".
Bước đầu, cơ quan Công an xác định, Vi móc nối với một đối tượng người nước ngoài, tìm trẻ em từ 6 - 12 tuổi, dùng thủ đoạn để đưa các cháu về nơi Vi ở, ép buộc các cháu thực hiện một số hành động có tính chất khiêu dâm để Vi quay phim, chụp ảnh gửi cho đối tượng người nước ngoài, sau đó đối tượng này sẽ chuyển tiền cho Vi để trả công…
Từ vụ việc này, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh, đã thông tin cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác với loại tội phạm này.
Công an TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường công tác nắm tình hình trên không gian mạng, các hội nhóm kín, ứng dụng số về cho nhận con nuôi, mang thai hộ, hiến tặng thận… Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng cầm đầu lập nhóm phạm tội.
Công an thành phố cũng rà soát các bệnh viện, quản lý tốt thông tin về sản phụ, chứng sinh, khai sinh, chủ động đấu tranh khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn hoạt động phạm tội và tổ chức các buổi học tập để người dân nắm bắt được thủ đoạn hoạt động của các đối tượng mua bán người, từ đó nâng cao cảnh giác.
Các lực lượng thường xuyên nắm tình hình, rà soát, lên danh sách các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em tiềm ẩn nhiều nguy cơ để tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em lợi dụng hoạt động dưới hình thức cho nhận con nuôi…
Ngoài ra, cơ quan chức năng tăng cường rà soát, nắm tình hình người ăn xin, người lang thang cơ nhỡ trên địa bàn và phối hợp với cơ quan liên quan kịp thời xử lý các trường hợp mua bán người.
Ban chỉ đạo 138/TP TP Hồ Chí Minh đưa ra dự báo, năm 2024, tình hình tội phạm mua bán người sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do những biến động của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, khu vực. Nhiều gia đình đời sống kinh tế còn khó khăn, nhiều người trong độ tuổi lao động muốn ra nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội đổi đời dẫn đến tình trạng mua bán người có thể gia tăng.
Do đó, thành phố cần quan tâm giải quyết các vấn đề lao động, việc làm cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Đặc biệt, tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người với vai trò nòng cốt là lực lượng Công an để phát huy hiệu quả phòng, chống tội phạm ngay từ cơ sở, xây dựng tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 6553 Trong tuần: 47433 Trong tháng 298922 Tất cả: 17392479