Theo trình báo của ông Lê Ngọc Th. (trú phường An Hòa, TP Huế), Trưởng Ban quản lý đình làng Đốc Sơ, tối 19/12/2023, kẻ gian đã phá khóa đình làng, lẻn vào bên trong lấy trộm 1 bộ lư đồng, 3 bộ đèn thờ bằng đồng và 1 phèn la bằng đồng. Tiếp đó, ông Lê Nhật (phường Hương Sơ, TP Huế) trình báo với cơ quan Công an, tối 21/12, kẻ gian đã phá khóa, đột nhập nhà thờ họ Lê Văn (tại phường Hương Sơ, TP Huế) lấy trộm 2 bức liễn gỗ; 2 bức hoành bằng gỗ. Tương tự, bà Nguyễn Thị Tân (trú phường Tây Lộc) đến Công an trình báo, tối 30/12, tại nhà thờ họ tại 58 Tăng Bạt Hổ, phường Tây Lộc, kẻ gian đã phá khóa, lấy trộm 2 bộ lư đồng và 2 con hạc bằng đồng.
Điều đáng nói, tối 6/1, kẻ gian đột nhập di tích Điện Voi Ré (tại địa chỉ kiệt 373 Bùi Thị Xuân, Thủy Biều) - vừa là chứng tích một thời của đội Kinh tượng nhà Nguyễn, vừa là một di tích độc đáo thuộc Quần thể di tích cố đô Huế. Theo ông Hoàng Trọng Thọ (trú phường Thủy Biều, TP Huế), nhân viên bảo vệ tại Điện Voi Ré, kẻ gian đã đột nhập cắt khuy khóa, lấy trộm được 1 bức hoành bằng gỗ sơn nền sơn màu đỏ, chữ thếp vàng, trên có khắc chữ, 2 bên có hai dòng chữ Hán, mỗi dòng 5 chữ chay dọc hai bên bức hoành… Ngoài ra, chỉ trong thời gian ngắn, Công an TP Huế tiếp nhận thêm một số vụ trình báo mất cắp tài sản tại các chốn tâm linh, nhà thờ lớn.
Qua thu thập lời khai từ các bị hại và khám nghiệm hiện trường các vụ trộm cắp nói trên, các trinh sát nhận định, các vụ án xảy ra đều do 1 nhóm đối tượng thực hiện. Sau khi thu thập tài liệu, chứng cứ, đến ngày 16/1 vừa qua, Ban chuyên án đã "cất vó", bắt giữ Nguyễn Minh Diệp (SN 1975, trú phường Thuận Lộc, TP Huế) và Trương Minh Thắng (SN 1997, trú thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế).
Bước đầu, 2 đối tượng khai nhận đã gây ra 7 vụ trộm cắp tài sản tại các nơi thờ tự, di tích. Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng và nơi đối tượng tiêu thụ tài sản tại số 31 Ngô Thế Lân, phường Tây Lộc (TP Huế), Công an đã thu giữ nhiều tang vật của vụ trộm và các công cụ dùng để phá khóa, cạy cửa... Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Diệp và Thắng về hành vi "Trộm cắp tài sản". Được biết, Diệp có 2 tiền án về tội "Trộm cắp tài sản" nên quá trình gây án lần này, thủ đoạn của đối tượng rất tinh vi. Còn Thắng nghiện ma túy, có tiền sự về hành vi "Sử dụng trái phép chất ma túy". Vì vậy, quá trình Công an lấy lời khai các đối tượng luôn quanh co, tìm cách chối tội. Thế nhưng, trước các tài liệu, chứng cứ đầy đủ, các đối tượng đã nhận tội.
Theo Công an TP Huế, cách đây hơn 2 năm, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra hàng loạt vụ trộm cắp với thủ đoạn tương tự, trong đó, tài sản mất trộm là đồ vật để thờ cúng rất có giá trị. Điển hình, tại đình làng Dạ Lê, phường Thủy Vân (TP Huế) kẻ gian lấy đi 16 tấm liễn có niên đại hàng trăm năm. Hay tại đình làng Hiền Sỹ, kẻ gian đột nhập lấy trộm lọ lục bình và ché cổ quý hiếm có từ thời Vua Tự Đức. Hay ở Quốc tự Diệu Đế (cạnh sông Gia Hội, 100 Bạch Đằng, TP Huế) cũng bị kẻ gian lẻn vào lấy đi pho tượng quý có tên là Nữ Long Bồ Tát hay ở Chùa Ba Đồn (phường An Tây, TP Huế) cũng từng bị trộm đột nhập "cuỗm" đi 2 quả chuông cổ...
Cơ quan Công an cũng đã triệt phá, bắt giữ nhiều siêu trộm tại các đình làng, chùa, nơi thờ tự thế nhưng đáng ngại là thực trạng này vẫn tiếp tục diễn ra. Nguyên nhân có phần do công tác quản lý, bảo vệ các cổ vật tại nhiều đình làng, chùa, di tích vẫn còn rất lỏng lẻo. Đa số các chốn tâm linh từng bị trộm đột nhập hoặc chưa bị đột nhập đều có đặc điểm là hệ thống tường rào cửa, khóa còn mang tính tạm bợ. Trong khi đó, xuất phát từ nhu cầu sưu tầm cổ vật ngày càng cao, thị trường buôn bán cổ vật vẫn diễn ra rất sôi động; tình trạng "nhòm ngó", trộm cắp cổ vật vì thế cũng diễn biến rất phức tạp.
Theo cơ quan Công an, trước khi gây án, các đối tượng thường khảo sát kỹ giá trị của các đồ thờ cúng, nhất là nắm rõ tình hình lối ra vào, sau đó tìm cách đột nhập vào bên trong, dùng các vật dụng đa năng để cắt khóa cửa hoặc trèo lên mái đình dỡ ngói để vào bên trong lấy cắp tài sản.
Một điều tra viên thuộc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, bên cạnh Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, bám nắm, quản lý địa bàn thật chắc thì các dòng họ, làng xã, nhân viên bảo vệ di tích cũng cần chủ động hơn nữa trong việc nâng cao tinh thần cảnh giác, bảo quản, bảo vệ tài sản của dòng họ mình, tránh để kẻ xấu có cơ hội thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Nếu phát hiện đối tượng tình nghi, cần báo ngay với lực lượng Công an gần nhất để phối hợp xử lý.
Mới đây, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Lê Văn Hòa (SN 1990), Nguyễn Quang Trung (SN 1991, cùng trú phường Phú Hậu, TP Huế) về tội "Trộm cắp tài sản". Theo cáo trạng, đầu tháng 4/2023, Trung chở Hòa đến chùa Bác Vọng Tây ở xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) lấy trộm chuông đồng. Với thủ đoạn tương tự, Trung và Hòa đã 7 lần thực hiện hành vi trộm cắp các vật dụng như: chuông đồng, lư đồng, đèn đồng, bát nhang đồng, hạc đồng,… tại các chùa, nhà thờ họ, đình làng trên địa bàn thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền. Mỗi lần lấy trộm, Trung đứng ngoài cảnh giới, Hòa trực tiếp thực hiện hành vi trộm cắp, sau đó Trung chở Hòa đi tiêu thụ. Tất cả số đồ vật trộm cắp được Trung và Hòa đều đem đến cơ sở đúc đồng trên đường Bùi Thị Xuân (TP Huế) bán với giá rẻ. Số tiền bán được Trung và Hòa chia đều nhau tiêu xài cá nhân. Tại phiên tòa, các bị hại rất bức xúc khi bị trộm các đồ vật, các kỷ vật linh thiêng nơi thờ cúng. Tủ thờ, bức hoành phi, các tấm liễn, cổ vật và một số vật dụng thờ cúng… là những tài sản có giá trị cao về mặt thẩm mỹ, kinh tế mà còn là những bảo vật vô giá của nhà chùa, nhà thờ trong không gian tín ngưỡng. HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Văn Hòa 2 năm tù, Nguyễn Quang Trung 1 năm tù về tội "Trộm cắp tài sản".
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 1118 Trong tuần: 1126 Trong tháng 350081 Tất cả: 16499378