Điều đáng lo ngại là, ngoài núp bóng những nhà máy dược chuyên sản xuất thuốc chữa COVID-19 để thu mua hàng ngàn tấn hóa chất, tiền chất để sẵn sàng cho “ra lò” những mẻ ma túy khổng lồ, các lô hàng cấm trị giá hàng chục triệu USD này được các tay trùm ma túy quốc tế sử dụng chiêu thức ngụy trang cực kỳ tinh vi, lần đầu tiên được phát hiện, có thể “qua mặt” tất cả các biện pháp kiểm tra từ soi chiếu bằng các loại phương tiện, máy móc hiện đại tới thô sơ như sử dụng chó nghiệp vụ của lực lượng chức năng.
Đường dây tội phạm nguy hiểm
Đầu tháng 8/2023, qua kênh hợp tác quốc tế, cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) cung cấp cho Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an nguồn tin có hai đối tượng người Đài Loan sang Việt Nam có ý định lợi dụng tàu đánh cá để buôn lậu hàng hóa nghi là ma túy, vận chuyển từ Việt Nam đi nước ngoài tiêu thụ qua tuyến đường biển.
Nhận được thông tin trên, với sự nhạy bén nghiệp vụ và kinh nghiệm đấu tranh, khám phá các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia; sự mưu trí, sáng tạo, kiên trì của lực lượng trinh sát, điều tra viên và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã xác lập chuyên án, chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, cơ quan chức năng và công an địa phương, áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, tập trung lực lượng xác minh, làm rõ toàn bộ hành vi của các đối tượng trong đường dây. Đầu tháng 9/2023, Cục CSĐT tội phạm về ma túy phát hiện 6 đối tượng trong đường dây đã nhập cảnh vào Việt Nam, đặt khách sạn, thuê xe, phiên dịch, thuê kho và mua 100 tấn xi măng tập kết tại kho hàng ở quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Sau khi đảm bảo các điều kiện, các đối tượng trên lại xuất cảnh quay về Trung Quốc. Trong thời gian này, Cục CSĐT tội phạm về ma túy tập trung làm rõ quy luật, thủ đoạn hoạt động của đường dây và xác định, số 100 tấn xi măng trên chỉ để các đối tượng dùng ngụy trang cho lô hàng ma túy trị giá hàng chục triệu USD, đang làm thủ tục xuất đi nước ngoài tiêu thụ qua tuyến đường biển. Ngày 20/9, hai đối tượng chính điều hành đường dây nhập cảnh vào Việt Nam. Ngay sau đó, các đối tượng di chuyển đến kho hàng tại Hải Phòng và chỉ đạo bốc dỡ các bao tải chứa ma túy cất giấu trong kho xi măng. Nhận định thời cơ đến, Cục CSĐT tội phạm về ma túy quyết định phá án.
Sáng 22/9, Cục chủ trì, phối hợp cùng Công an TP Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Viện Khoa học hình sự, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Vụ 4 (VKSND Tối cao), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy số 1 (Bộ Tư lệnh cảnh sát biển), Cục Hải quan TP Hải Phòng đồng loạt bắt các đối tượng liên quan và khám xét khẩn cấp các kho hàng.
Tại kho hàng Công ty TNHH Tường Phát, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, lực lượng chức năng thu giữ 30 bao tải không nhãn mác, mỗi bao khối lượng 25 kg, kết quả giám định 30 bao trên chứa ketamin, tổng khối lượng 750 kg. Ban chuyên án bắt giữ đối tượng cầm đầu đường dây là Liêu Chí Hoài (43 tuổi, quốc tịch Trung Quốc).
Từ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cục CSĐT tội phạm về ma túy tiến hành khám xét kho hàng tại Thái Bình - nơi các đối tượng thuê để cất giấu ma túy, đồng thời mời 5 đối tượng có liên quan về CQĐT để phối hợp làm rõ. Tiếp tục mở rộng vụ án, ngày 24/9 tại Hà Tĩnh, Cục CSĐT tội phạm về ma túy phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ Phạm Duy Khánh (35 tuổi, ở Hà Tĩnh) làm nghề tài xế xe khách. Khánh chính là kẻ được thuê chở các bao tải chứa ma túy từ nước ngoài qua cửa khẩu Cầu Treo về Việt Nam. Khám xét xe, CQĐT thu giữ 22 bao tải giấu trong bình xăng giả và giường nằm của khách, cùng chủng loại với 30 bao tải thu giữ tại Hải Phòng. Kết quả giám định 22 bao là ma túy ketamin, khối lượng 550 kg. Theo tính toán, sau khi nhận 22 bao ketamin, các đối tượng sẽ cất giấu 52 bao chứa 1,3 tấn ketamin lẫn trong các bao xi măng, vận chuyển bằng đường biển sang nước ngoài tiêu thụ. Nếu vận chuyển trót lọt sang Đài Loan, lô hàng này sẽ có giá 1.300 tỷ đồng.
Ngay sau khi bắt giữ các đối tượng, CQĐT đã tập trung lực lượng đấu tranh, khai thác làm rõ hành vi phạm tội, đồng thời củng cố tài liệu mở rộng điều tra vụ án. Thực hiện chủ trương hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, Cục CSĐT tội phạm về ma túy báo cáo và được lãnh đạo Bộ Công an đồng ý, cử tổ công tác phối hợp với Cơ quan đại diện Bộ Công an ở nước ngoài cùng lực lượng chức năng của nước bạn bắt giữ các đối tượng trong đường dây, thu giữ số lượng ma túy đặc biệt lớn.
Quá trình điều tra, CQĐT cũng xác định bằng các tài liệu, chứng cứ điện tử còn lưu lại các thiết bị và đấu tranh, làm rõ, các đối tượng khai nhận, vào tháng 6/2023, chúng đã vận chuyển thành công 500 kg ma túy ketamin (trị giá 500 tỷ đồng) ngụy trang trong các gói cà phê rồi đóng vào container vận chuyển từ cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) qua đường biển đưa sang Đài Loan tiêu thụ. Hiện, CQĐT đã xác định được 2 container chứa ma túy có vận đơn, có thời điểm đã thông quan như trên và đang phối hợp với cơ quan chức năng Đài Loan điều tra, làm rõ. Cục CSĐT tội phạm về ma túy cũng đã tách vụ việc trên thành chuyên án riêng để điều tra về các đối tượng liên quan.
Núp bóng nhà máy dược, sản xuất thuốc chữa COVID-19 để điều chế ma túy
Ngoài số ma túy vận chuyển mỗi lần rất lớn, riêng một chuyến bị lực lượng Công an Việt Nam bắt quả tang đã tới 1,3 tấn, đường dây ma túy quốc tế này còn có thủ đoạn vô cùng tinh vi.
Tại CQĐT, đối tượng cầm đầu Liêu Chí Hoài khai nhận cùng một số đối tượng thuê nhà, thuê xưởng ở một địa điểm tại nước ngoài rồi núp bóng nhà máy dược, chuyên sản xuất thuốc chữa COVID-19 để nhập khẩu các tiền chất, dung môi từ Thái Lan về xưởng và sản xuất ma túy tổng hợp dạng ketamin, sau đó vận chuyển về Việt Nam đưa sang nước thứ ba tiêu thụ. Liêu Chí Hoài sinh ra tại Đài Loan, vốn là kỹ sư hóa chất rất giỏi công nghệ, chính y là kẻ điều hành hoạt động sản xuất ma túy trong đường dây. Vốn đã có vợ con nhưng khi sang Việt Nam, Hoài sống như vợ chồng với một đối tượng nữ người nước ngoài và cả hai đều bị cảnh sát Việt Nam bắt cùng lô ma túy khủng.
Sở dĩ bọn chúng chọn Đài Loan làm địa bàn tiêu thụ là do giá ketamin tại đây rất cao, tới 1 tỷ đồng/kg, trong khi loại ma túy này tại khu vực Tam Giác Vàng chỉ khoảng 200 triệu đồng/kg và đường dây này lại tự nhập nguyên liệu là các hóa chất thông thường với giá rất rẻ, núp bóng dưới danh nghĩa sản xuất thuốc chữa COVID-19 thì đủ thấy mức siêu lợi nhuận chúng có thể thu được. Kết quả điều tra xác định, trong 1 năm qua, công ty của các đối tượng đã được cấp phép nhập khẩu 64 loại tiền chất, hóa chất, dung môi với số lượng gần 9.000 tấn, trị giá hơn 5,7 triệu USD.
Tuy nhiên, việc vận chuyển ma túy sang Đài Loan lại rất khó khăn do đặc điểm địa hình là đảo nên không có đường bộ, chỉ có đường biển và đường hàng không. Do đó, chúng chọn Việt Nam vốn có bờ biển rất dài và lâu nay đường biển thường được các đường dây ma túy quốc tế ưu tiên vận chuyển những lô hàng lớn do biển mênh mông, việc các lực lượng chức năng triển khai phát hiện và bắt giữ rất khó khăn. Cùng với chính sách xuất nhập khẩu khá cởi mở, đường dây này chọn cảng Đình Vũ (Hải Phòng) và cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) là 2 cảng chính để lợi dụng vận chuyển “hàng”. Sau khi sản xuất ở nước ngoài, ma túy thành phẩm được vận chuyển về Việt Nam qua tuyến đường bộ, tập kết ở Thái Bình, sau đó đưa ra Hải Phòng để xuất đi nước thứ ba.
Đặc biệt, đường dây này có thủ đoạn ngụy trang ma túy rất mới, lần đầu tiên được phát hiện. Do là những kỹ sư hóa chất giỏi, nên ngay trong quá trình sản xuất ma túy, chúng đã tìm cách để đối phó với các lực lượng chức năng bằng cách pha trộn thêm một chất vào ma túy thành phẩm trước khi vận chuyển đi tiêu thụ mà nếu bằng các biện pháp kiểm tra ma túy thông thường sẽ không thể phát hiện ra thứ chúng vận chuyển là gì. Để lật tẩy thủ đoạn cực kỳ tinh vi trên, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã phải trưng cầu giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Lực lượng kỹ thuật hình sự phải rất vất vả suốt 9 ngày ròng rã tiến hành giám định, trên cơ sở khai thác cả những clip các đối tượng truyền về cho Lâm Chí Hoài để hỏi về từng công đoạn sản xuất ketamin. Đại tá, PGS.TS Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm giám định ma túy, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cho biết, ma túy được các đối tượng trong chuyên án sản xuất theo 5 công đoạn, 4 công đoạn đầu đã hoàn thành ra sản phẩm ketamin là chất ma túy, nhưng chúng dùng công đoạn tiếp theo là cho một chất khác để pha trộn thành chất mới là N-Boc-Ketamin, chất này lại không nằm trong danh mục ma túy, nhằm ngụy trang trong quá trình vận chuyển ma túy mà các phương pháp nhận dạng, kiểm tra thông thường của ta hiện nay chưa thể phát hiện ra được đó là ma túy. Nhận được đề nghị trưng cầu giám định của ban chuyên án, khi sử dụng các biện pháp giám định thường dùng thì không thể phát hiện ra ketamin, sau đó, lực lượng kỹ thuật hình sự phải dùng nhiều loại trang thiết bị hiện đại, sử dụng nhiều thông tin, tài liệu khoa học quốc tế mới chứng minh được ketamin có trong mẫu giám định tang vật thu giữ trong vụ án, khiến chúng tâm phục, khẩu phục.
Như vậy, trong thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã triệt xóa đường dây sản xuất, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia; khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can tại Việt Nam. Qua hợp tác quốc tế, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã cử tổ công tác hợp tác với nước bạn thu giữ lượng hóa chất rất lớn gồm hơn 400.000 tấn mà các đối tượng trong đường dây dùng để sản xuất ma túy. Mới đây, Trung Quốc tiếp tục thu thêm 100 tấn hóa chất nữa.
Ghi nhận thành tích của các tập thể trong chuyên án, ngày 16/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Thư khen ban chuyên án; Bộ trưởng Bộ Công an cũng có Quyết định thưởng cho các tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong đấu tranh chuyên án. Ngày 24/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trao Thư khen cho Cục CSĐT tội phạm về ma túy và các đơn vị, công an địa phương có thành tích đặc biệt xuất sắc.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2618 Trong tuần: 14297 Trong tháng 363262 Tất cả: 16512553