Kho thuốc giả khủng trong bãi giữ xe
Cách đây khoảng gần 1 tháng, trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an quận 8 phát hiện một nhóm người có nhiều biểu hiện nghi vấn. Các đối tượng thường lén lút ra vào vào một nhà kho có lớp bảo vệ bên ngoài và được gắn rất nhiều camera cảnh giới nằm cuối bãi đậu xe ôtô trên đường Cao Lỗ, quận 8. Qua xác minh, trinh sát đã làm rõ được các đối tượng gồm Nguyễn Xuân Cường, sinh năm 1976; Ao Vạn Hạnh, sinh năm 1997; Trương Phong Hào, sinh năm 1998; Trương Thùy Trinh, sinh năm 1973, cùng ngụ quận 8 sản xuất thuốc tân dược giả.
Trưa 13/12/2022, các trinh sát ập vào bãi xe này bắt quả tang Cường, Hạnh, Hào, Trinh đang sản xuất thuốc giả. Qua khám xét nhanh, phát hiện và thu giữ hơn 8.500 hộp thuốc giả mang nhãn hiệu Terpin – Codein, Decotyl, Asmascort, Glotal (đây là các loại thuốc kháng sinh, trị ho, hen suyễn, giảm đau, bổ phế…) đã được đóng gói thành phẩm, dãn nhãn mác chờ mang đi tiêu thụ. Ngoài ra còn có rất nhiều lọ thuốc đã được đóng gói nhưng chưa dán nhãn mác, cùng một số bao chứa tem và giấy có in nội dung hướng dẫn sử dụng thuốc. Tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng không cung cấp được các loại hóa đơn chứng từ liên quan và cũng không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của tất cả các loại thuốc tân dược này.
Khai thác nhanh từ các đối tượng, ngay trong ngày, cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt trong tình trạng khẩn cấp đối với Huỳnh Nhật Khoa, sinh năm 1998 và Phạm Quốc Quyền, sinh năm 1979, cùng ngụ quận 10, TP Hồ chí Minh. Khám xét nơi ở của hai đối tượng này, các trinh sát thu giữ gần 10.000 hộp thuốc tân dược giả gồm các loại: Gold 500, Celecod 200, Cephalexin 500, Terpin Codein viên nang, Terpin Codein viên nén, Ciproxacin 500, Decotyl, Asmacort, Cepha Pharmacy 500, Cefadroxil 500, amoxicillin 500. Trong số này có nhiều loại thuốc đặc trị và thuốc kháng sinh liều cao chỉ bán theo đơn chỉ định của bác sĩ.
Mở rộng điều tra, ngày 14/12, Công an quận 8 kiểm tra một xưởng sản xuất thuốc giả tại TP Biên Hòa, Đồng Nai và bắt quả tang Đặng Văn Hóa, sinh năm 1982 đang sản xuất thuốc tân dược giả. Qua khám xét, thu giữ 2.706 hộp thuốc chữa bệnh có nhãn hiệu Ciproxacin 500 và Augbactam. Đây là 2 loại thuốc kháng sinh đặc trị nhiễm trùng và nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu Nguyễn Xuân Cường khai rằng do từng làm thuê cho chủ cửa hàng tại một vài chợ thuốc tây ở TP Hồ Chí Minh nên biết chút ít về hoạt động mua bán thuốc trôi nổi không rõ nguồn gốc rất sôi động và mang lại nguồn lợi lớn. Sau thời gian nghỉ việc vì dịch bệnh, Cường đã rủ Hạnh, Hào, Trinh, Hóa cùng tham gia sản xuất thuốc tân dược giả và tất cả cùng nhất trí tham gia thành chuỗi những mắt xích trong đường dây. Cũng từ mối quen biết trước đó, Cường tìm gặp hai đối tượng chuyên cung cấp các loại thuốc tây cho các cửa hàng bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh là Phạm Quốc Quyền và Huỳnh Nhật Khoa để bàn bạc thủ đoạn đưa các loại thuốc tân dược giả vào danh mục thuốc để tuồn ra thị trường và được hai “đối tác” này đồng ý khi có được tỷ lệ ăn chia lợi nhuận hợp lý.
Cường tự mình thiết kế và đặt khuôn mẫu, máy dập viên thuốc, máy cán màng, vỉ đựng thuốc, nhãn mác giả một số nhãn hiệu thuốc tây đang hót trên thị trường, giấy in nội dung hướng dẫn sử dụng… rồi thuê một nhà kho nằm sâu trong bãi xe trên đường Cao Lỗ làm xưởng sản xuất. Các đối tượng còn lại chịu trách nhiệm mang mẫu thiết kế do Cường chuẩn bị sẵn đi đặt sản xuất chai, lọ nhựa và thủy tinh sao cho trùng khớp cả về hình dáng lẫn màu sắc vỏ chai những loại thuốc chính hiệu đang lưu hành trên thị trường.
Để có nguyên liệu, Cường chủ động tìm đến một số tay cò tìm mua nguyên liệu, vật tư trôi nổi trên thị trường mang về nhào trộn rồi đưa vào máy ép thành phẩm, dán nhãn mác trước khi tung ra thị trường. Cũng theo lời khai của Cường, do ngày càng có nhiều đơn hàng đặt mua thuốc tân dược giả nên Cường đã chủ động bàn bạc và liên kết với một người bạn cũ là Đặng Văn Hóa lập thêm một xưởng sản xuất ở tỉnh Đồng Nai. Hóa là người đầu tư máy móc, khuôn mẫu và quản lý, vận hành, chủng loại thuốc, mẫu mã, bao bì, nhãn mác và nguyên liệu do Cường cung cấp, khi sản xuất ra thành phẩm thì Cường sẽ cho người xuống tận nơi vận chuyển về giao cho Huỳnh Nhật Khoa và Phạm Quốc Quyền đánh tráo vào kho sản phẩm được phép lưu hành trước khi giao cho cửa hàng bán lẻ, chợ thuốc tây…
Tuy nhiên, những gì Cường khai mới chỉ là một phần sự thật. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, trước đây, Cường từng có thời gian dài tham gia hoạt động mua bán thuốc tân dược ở một số chợ thuốc tại TP Hồ Chí Minh. Thời gian buôn bán lương thiện thì ít, còn lại hắn chủ yếu tập trung vào các loại thuốc trôi nổi không rõ nguồn gốc và chuyển sang sản xuất thuốc tân dược giả. Việc làm của Cường cùng một số đối tượng tay chân rất nổi tiếng trong giới kinh doanh thuốc tân dược, được các đối tượng mua bán thuốc trôi nổi thường xuyên tìm đến đặt hàng. Hoạt động trên đã lọt vào tầm ngắm của công an một số địa phương có chợ thuốc tây hoạt động. Tuy nhiều lần bị hỏi thăm, nhưng Cường và đồng bọn luôn thoát khỏi chế tài của pháp luật bởi hắn chỉ sử dụng máy móc thô sơ chứ không bao giờ đầu tư thiết bị hiện đại, thường xuyên thay đổi địa chỉ đặt xưởng sản xuất, không in nhãn mác, bao bì ở một nơi cố định và luôn sử dụng nhiều lớp bảo vệ cùng camera cảnh giới để đối phó với cơ quan chức năng.
Đặc biệt, Cường không trực tiếp cung cấp các loại thuốc tân dược giả ra thị trường, mà móc nối với tầng trung gian là những cơ sở làm ăn bất chính đánh tráo vào các loại thuốc chính hiệu được cấp phép lưu hành để các cơ sở này tuồn vào các cửa hàng thuốc, chợ thuốc… Ngoài ra, tất cả các mắt xích trong đường dây đều phải hoạt động theo sự chỉ đạo của Cường, nếu phát hiện bị theo dõi hoặc sản phẩm đã tung ra thị trường bị cơ quan chức năng kiểm tra thì báo ngay về để Cường đề ra biện pháp đối phó chứ không tự ý xử lý. Với những thủ đoạn tinh vi, trong thời gian dài, Cường cùng tay chân đã tung ra thị trường hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu sản phẩm thuốc tân dược giả và không loại trừ đã có nhiều người phải tiền mất, bệnh thêm nặng vì sử dụng phải thuốc giả do Cường cùng đồng bọn sản xuất.
Mang họa vì uống thuốc giả
Tiến sỹ, bác sỹ Trần Văn Thái, giảng viên Đại học Y TP Hồ Chí Minh cho biết, theo Luật Dược, thuốc giả gồm các loại có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn, không đúng theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu. Một số loại khác có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ, khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu. Chính vì vậy mà sự nguy hại gây ra cho người bệnh là rất lớn, người bệnh có thể phải tốn kém rất nhiều tiền bạc để trả tiền mua thuốc nhưng bệnh tật không thuyên giảm, dẫn đến tình trạng lờn thuốc, gây tâm lý hoang mang lo sợ cho người bệnh vì cứ nghĩ rằng mình đã hết thuốc chữa…
Thuốc giả còn gây khó cho công tác điều trị của chính các bác sỹ đối với bệnh nhân vì thuốc giả có thể làm vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị bởi nếu người bệnh nặng cần phải sử dụng các loại thuốc đặc trị, thuốc kháng sinh mà gặp phải thuốc giả không đủ hàm lượng thì thời điểm vàng trong việc cứu sống bệnh nhân sẽ trôi qua dẫn đến hậu quả là bệnh ngày càng nặng thêm hoặc tử vong. Ngoài ra, người bệnh nếu dùng phải thuốc giả có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc, buộc bác sỹ điều trị phải thay đổi quy trình điều trị, thời gian vì thế cũng kéo dài và người bệnh phải chi phí rất tốn kém.
Trường hợp những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn… cần phải dùng thuốc thường xuyên và trong thời gian lâu dài, nếu dùng phải thuốc giả thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng vì quá trình điều trị không hiệu quả, bệnh ngày càng nặng hơn. Thuốc giả cũng thường xuyên gây những tác dụng phụ trên người bệnh như dị ứng thuốc, ngộ độc… làm cho bác sỹ khó kiểm soát vì không xác định chính xác thành phần hoạt chất trong thuốc giả. Một số trường hợp thuốc giả chứa hoạt chất, dược chất kém chất lượng do quy trình sản xuất bằng phương pháp thủ công, người sản xuất pha trộn thêm nhiều loại tạp chất khác, thậm chí có thể lẫn cả độc chất thì người dùng thuốc có thể tử vong. Các kim loại nặng và các chất độc có thể gây triệu chứng nhiễm độc, thay đổi chức năng tim, biến đổi nồng độ đường huyết, khó thở hay suy giảm chức năng của các cơ quan trọng của cơ thể, gây suy giảm miễn dịch….
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 4320 Trong tuần: 25460 Trong tháng 176382 Tất cả: 17269944