“Sập bẫy” mua xe… tang vật
Anh Nguyễn Đức Nhân (Hà Nội) thấy trên facebook rao bán xe ô tô Mazda 6, màu trắng, BKS: 19A-1xx.24. Do có nhu cầu mua xe nên anh Nhân đã liên hệ theo phương thức liên lạc ghi trên facebook. Người bán xe tự nhận tên Huy, là chủ nhân của xe ô tô, trực tiếp giao dịch, bán xe cho anh Nhân. Để anh Nhân tin tưởng, Huy đã viết giấy bán xe rồi đưa cho anh Nhân giữ kèm theo giấy tờ xe bản chính gồm: Giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận đăng kiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc. Anh Nhân đã đồng ý mua xe của Huy với giá 500 triệu đồng, trả trước cho Huy 470 triệu đồng, số tiền còn lại hẹn khi nào làm xong thủ tục sang tên đổi chủ sẽ trả nốt. Sau khi mua xe, anh Nhân giao xe lại cho anh Phan Quang Long (Phú Thọ) đem xe về Việt Trì quản lý.
Bất ngờ, tháng 12/2022, anh Long được biết chiếc xe trên là tang vật trong một vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, anh Long buộc phải giao nộp chiếc xe trên cho cơ quan điều tra xác minh làm rõ để trả lại cho chủ sở hữu. Sau đó, Phạm Hải Hoàng (Phú Thọ) đã viết đơn xin lại xe ô tô trên và được nhận lại xe theo quy định của pháp luật.
Tương tự như anh Nhân, tháng 6/2021, anh Ngô Văn Dũng nhận được liên lạc của Nguyễn Thị Thu Hà (Phú Thọ) về việc cần bán chiếc xe ô tô KIA Cerato BKS: 19A-3xx.02 cho anh Dũng, với giá 150 triệu đồng. Anh Dũng đồng ý. Hà đã đưa cho anh Dũng 1 giấy bán xe, giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận đăng kiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm. Anh Dũng đã đưa trước cho Hà số tiền 136 triệu đồng, số tiền còn lại khi nào làm xong thủ tục sang tên đổi chủ sẽ trả nốt. Sau đó, anh Dũng bán chiếc xe ô tô trên cùng toàn bộ giấy tờ xe cho anh Nguyễn Toàn Thắng với giá 165 triệu đồng. Đến ngày 28/7/2021, anh Thắng bán chiếc xe ô tô trên cho anh Lê Đức Điển (tỉnh Bắc Ninh) với giá 215 triệu đồng. Bất ngờ, tháng 8/2021, một nhóm đối tượng đi xem định vị thu chiếc xe ô tô trên khi đang đỗ trên vỉa hè thuộc khu vực thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Buộc anh Điển giao lại chiếc xe ô tô trên bởi đây là tang vật của một vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tương tự như những trường hợp trên, tháng 8/2021, anh Nguyễn Mạnh Cầm (Vĩnh Phúc) nhận mua chiếc xe ô tô nhãn hiệu Huyndai Elantra, BKS 19A – 3xx.72 (là xe của Phạm Hải Hoàng đang thế chấp đăng ký xe tại ngân hàng TPBank chi nhánh Phú Thọ), từ Nguyễn Thị Thu Hà với giá 350 triệu đồng. Để anh Cầm tin tưởng mua xe, Hà nói dối rằng chiếc xe trên mua lại của anh Phạm Hải Hoàng. Tin tưởng nên anh Cầm đồng ý mua xe ô tô trên đã đưa trước cho Hà số tiền 337 triệu đồng, số tiền còn lại khi nào làm xong thủ tục sang tên đổi chủ sẽ đưa nốt. Ngày 4/9/2021, anh Cầm cho anh Vũ Văn Kiên (Vĩnh Phúc) mượn chiếc xe ô tô trên để đi lại, thì bất ngờ bị nhóm đối tượng Tuấn, Tiến và Hoàng theo định vị đã thu chiếc xe ô tô trên với lí do đây là xe của Hoàng cho Hà thuê.
“Giăng bẫy” những chủ tiệm cầm đồ
Tháng 3/2021, anh Đào Hải Hưng và Bùi Xuân Mạnh, cùng trú tại Yên Bái chung tiền nhận cầm cố xe ô tô nhãn hiệu Elantra BKS: 19A – 3xx.72 từ Phạm Hồng Thái (Yên Bái) để cho vay 300 triệu đồng. Thái giao xe ô tô cho anh Mạnh cùng 1 giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận đăng kiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm xe ô tô. Ngày 22/5/2021, anh Hưng giao xe cho anh Phạm Đức Tiến. Anh Tiến đỗ xe tại hành lang nhà CT2 Đông Anh, Hà Nội thì một nhóm đối tượng cùng Phạm Hải Hoàng sử dụng chìa khóa phụ thu chiếc xe ô tô trên về. Sau khi phát hiện chiếc xe bị mất, anh Hưng đến Cơ quan CSĐT - Công an huyện Đông Anh, Hà Nội để trình báo sự việc. Cơ quan điều tra đã triệu tập làm việc với Hoàng, Hoàng giao nộp các hợp đồng thể hiện việc Hoàng cho Phạm Hồng Thái thuê xe.
Tháng 7/2021, Nguyễn Quốc Tám (Vĩnh Phúc) nhận cầm cố xe ô tô của Đoàn Thị Hằng để cho vay số tiền 350 triệu đồng. Hằng đã đưa 1 giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận đăng kiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm xe và 1 giấy mượn tiền cho anh Tám. Ngày 4/9/2021, theo định vị Nguyễn Anh Tuấn phát hiện chiếc xe trên ở nhà nghỉ Cát Lợi (Vĩnh Phúc) nên đã cùng Vũ Văn Tiến sử dụng chìa khóa phụ thu giữ chiếc xe trên mang về. Đến hạn, không thấy Hằng trả lại tiền để chuộc lại xe, anh Tám đã viết đơn trình báo với cơ quan công an.
Anh Ngô Văn Dũng (Bắc Ninh) nhận cầm cố chiếc xe ô tô nhãn hiệu Kia Morning, BKS: 19A-2xx.33 (là xe của Nguyễn Anh Tuấn nhờ ông Nguyễn Trọng Đạt (Phú Thọ) đứng tên đăng ký) của Đoàn Thị Hằng để cho vay số tiền 70 triệu đồng. Để anh Dũng tin tưởng cho vay, Hằng nói dối chiếc xe ô tô trên là của người nhà đã đồng ý cho mượn để cầm cố nên anh Dũng đồng ý và thỏa thuận lãi suất 6.000đ/1triệu/1ngày, đến ngày phải trả tiền mà không trả, anh Dũng có quyền bán xe cho người khác. Hằng đồng ý.
Sau khi nhận cầm cố chiếc xe trên, đến hẹn không thấy Hằng chuộc lại xe, anh Dũng nhiều lần liên lạc nhưng Hằng không trả tiền cho anh Dũng để lấy lại xe. Do vậy ngày 27/8/2021, anh Dũng đã bán lại chiếc xe ô tô trên cho anh Đặng Văn Bính (Hà Nội). Sau đó, anh Bính đã bán lại chiếc ô tô trên cho anh Hoàng Đức Hợp (tỉnh Hải Dương). Ngày 21/9/2021, sau khi nhận được thông báo truy tìm vật chứng của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đối với chiếc xe trên, anh Hợp đã tự nguyện giao nộp chiếc xe cùng giấy tờ xe cho Cơ quan điều tra để trả lại cho chủ sở hữu theo quy định.
Chân dung kẻ “cầm đầu”
Hàng loạt các vụ án xảy ra ở nhiều địa bàn khác nhau, nhưng người trình báo là “nạn nhân” lại luôn là Phạm Hải Hoàng và Nguyễn Anh Tuấn, cùng trú tại Phú Thọ, khiến cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ đặt nhiều nghi ngờ về việc, liệu “nạn nhân” có thực sự là “nạn nhân” hay là kẻ “cầm đầu” của đường dây lừa đảo. Bởi trong các vụ án trên, “nạn nhân” trình báo luôn được nhận lại xe vì họ đưa ra các giấy tờ rất hợp pháp, người thiệt hại về tài sản lại chính là những người bỏ tiền ra mua xe và nhận cầm xe.
Bước đầu cơ quan điều tra nhận định, lợi dụng quy định về công tác tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, Nguyễn Anh Tuấn, thường gọi là Tuấn “Tồ” (ở khu 18, xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) đã sử dụng các chiêu trò để qua mặt các cơ quan thi hành công vụ, biến mình thành “nạn nhân” để cơ quan chức năng đi thu giữ tài sản cho các đối tượng.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, tháng 3/2019, Nguyễn Anh Tuấn thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên, lấy tên là Công ty TNHH dịch vụ thương mại và Đầu tư Hưng Vượng cho vợ là Nguyễn Thơ Xuân đứng tên làm giám đốc. Sau khi thành lập công ty, Tuấn là người trực tiếp chỉ đạo điều hành. Tuấn bàn với những người thân ruột thịt và bạn bè thân thiết (gọi tắt là: các anh em) trong đó có Phạm Hải Hoàng (là anh cọc chèo) cùng kinh doanh dịch vụ cho thuê xe ô tô, xe máy tự lái. Bên cạnh việc cho thuê xe ngay thẳng, Tuấn và các đối tượng câu kết với “khách thuê xe” trong đó có Nguyễn Thị Thu Hà và Đoàn Thị Hằng cùng trú tại Phú Thọ mang xe ô tô của Tuấn đi cầm cố hoặc bán nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người nhận cầm cố hoặc mua xe ô tô.
Để không bị ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân khi có vấn đề về việc không thu hồi hoặc lấy lại được xe ô tô, Tuấn chỉ đạo “các anh em” khi tiến hành việc giao xe cho “khách thuê xe” mang đi cầm cố, bán thì lập nhiều Hợp đồng cho thuê xe. Khi thực hiện việc giao xe, Tuấn chỉ đạo “các anh em” đưa “khách thuê xe” đến địa điểm mà trên Hợp đồng thuê xe đã ghi để chụp lại hình ảnh chứng minh việc đã giao xe ô tô, giao giấy tờ xe ô tô đầy đủ cho khách gồm: giấy chứng nhận đăng ký (có cả giấy đăng ký đã được làm giả từ trước), giấy chứng nhận đăng kiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm đều là bản chính để “khách thuê xe” được thuận lợi mang đi cầm cố hoặc bán được giá trị cao.
Trước hoặc sau khi “khách thuê xe” mang xe ô tô đi cầm cố hoặc bán xe thì “khách thuê xe” sẽ phải trả cho Tuấn một khoản tiền tương ứng với khoảng 1/3 giá trị của chiếc xe để Tuấn hưởng lợi gọi là tiền “cọc xe”, cũng có trường hợp Tuấn yêu cầu “khách thuê xe” phải trả thêm cho Tuấn 1 khoản tiền thuê xe. Có những trường hợp “khách thuê xe” không có tiền đặt cọc ngay thì Tuấn cho “các anh em” đi cùng đến khi “khách thuê xe” cầm cố, bán được xe ô tô thì thu luôn số tiền đặt cọc như đã thỏa thuận về giao cho Tuấn. Sau khi “khách thuê xe” đã cầm cố hoặc bán được xe ô tô, Tuấn sẽ đợi hết hạn thuê xe ghi trong hợp đồng thuê xe để cùng “các anh em” đi thu hồi xe ô tô về thông qua hệ thống định vị lắp đặt trên xe ô tô và chìa khóa phụ. Sau khi thu hồi được xe ô tô thì người đã bỏ tiền ra nhận cầm cố hoặc mua chiếc xe ô tô đó sẽ bị mất xe.
Đối với những xe ô tô mà nhóm của Tuấn không tự thu hồi được, Tuấn yêu cầu “khách thuê xe” tắt điện thoại liên lạc và bỏ trốn một thời gian, sau đó Tuấn chỉ đạo “các anh em” trình báo với cơ quan chức năng với vai trò là người bị hại bị “khách thuê xe” chiếm đoạt xe ô tô để yêu cầu cơ quan điều tra đi thu giữ xe ô tô về, rồi làm đơn yêu cầu để được nhận lại xe ô tô. Với thủ đoạn trên Nguyễn Anh Tuấn cùng “các anh em” đã thực hiện 39 vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền trên 3,3 tỉ đồng. Mở rộng điều tra vụ án, Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm còn bị truy tố về nhiều tội danh khác.
TAND tỉnh Phú Thọ đang mở phiên tòa xét xử Nguyễn Anh Tuấn cùng 15 bị cáo. Các bị cáo bị đưa ra xét xử với các nhóm tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Cưỡng đoạt tài sản”; “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, “Đánh bạc”.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3408 Trong tuần: 3632 Trong tháng 255124 Tất cả: 17348693