Trong thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Bát Xát xuất hiện tình trạng lao động bị các đối tượng lừa, đưa sang Campuchia theo con đường bất hợp pháp làm "việc nhẹ, lương cao". Các chiêu thức chủ yếu là đăng tải các thông tin tuyển dụng lao động trên mạng xã hội hoặc trực tiếp gặp gỡ, rủ rê, lôi kéo người lao động xuất cảnh sang Campuchia để làm việc với mức lương cao nhưng thực chất là bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Từ thực trạng trên, Công an huyện Bát Xát đã tham mưu; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đang nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trên.
Gửi tiền từ Việt Nam sang để chuộc thân
"Mỗi ngày, tôi phải làm việc từ 10-14 tiếng; nếu không làm đủ chỉ tiêu sẽ bị trừ lương theo từng cấp độ; nếu có thái độ chống đối thì bị bán qua công ty khác… Nếu muốn trở về nước thì phải tìm cách bỏ trốn hoặc nhờ người thân gửi tiền từ Việt Nam sang để chuộc thân", anh N.V.Đ (trú tại xã Trịnh Tường), một nạn nhân vừa trở về từ Campuchia bàng hoàng nhớ lại.
Khi đại dịch COVID-19 tạm lắng xuống, cũng như nhiều người dân trong xã, anh N.V.Đ cũng muốn tìm một việc làm ổn định, có thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình. Qua mạng xã hội, anh tình cờ đọc được thông tin về việc tuyển dụng người sang Campuchia lao động. Lời mời hấp dẫn "việc nhẹ, lương cao" đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của anh N.V.Đ. Vì thế, sau khi tham khảo thông tin, anh đã để lại số điện thoại ở phần bình luận. Một thời gian sau đó, có một người tự xưng là "nhà tuyển dụng" gọi điện thoại cho anh N.V.Đ.
Qua trao đổi, người này đưa ra nhiều thoả thuận hấp dẫn. Theo đó, anh N.V. Đ sẽ được nhận mức lương 500 USD/tháng; công việc nhàn hạ, mọi chi phí đi lại đều do nhà tuyển dụng cung cấp… Nếu bình tĩnh, suy xét một cách kỹ lưỡng, nạn nhân N.V.Đ sẽ dễ dàng nhận thấy "sự bất thường" trong lời chào mời hấp dẫn trên. Bởi thực tế cho thấy, chẳng có cái gì từ trên trời rơi xuống, công việc nhàn hạ và thu nhập lại cao như vậy? Nhưng rồi, vì nhẹ dạ, anh đã tin theo những lời hứa hẹn của các đối tượng, đồng ý sang Campuchia. Khi đặt chân đến nơi đất khách, quê người, anh thực sự vỡ mộng…
Sau khi sang Campuchia, anh N.V.Đ bị đưa vào một sòng bạc trực tuyến, công việc hằng ngày là quản lý khách chơi. Mỗi ngày, anh phải làm việc từ 10-14 giờ; nếu không làm đủ chỉ tiêu sẽ bị trừ lương theo từng cấp độ hoặc có thái độ chống đối thì bị bán qua công ty khác… Sau một thời gian làm việc, anh Đ biết công việc của mình đang làm vi phạm pháp luật; phần khác không chịu được sự quản lý gắt gao của đối tượng sử dụng lao động đã gọi điện thoại về nhà cầu cứu gia đình gửi tiền sang Campuchia chuộc thân.
Vì sự nhẹ dạ, cả tin, anh L.V.B (trú tại xã Bản Qua, huyện Bát Xát) cũng trở thành nạn nhân của một đường dây đưa người sang Campuchia lao động. Anh L.V.B cho biết: Qua giới thiệu của một người bạn, vào thời điểm đó đang sinh sống ở Campuchia, anh L.V.B biết đến thị trường lao động này. "Theo lời giới thiệu của người bạn thì tôi sẽ làm việc tại một cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử, với mức lương từ 30-40 triệu đồng/tháng. Vì tin tưởng vào người bạn học, tôi đã đồng ý đi…"- Anh L.V.B cho biết. Khi sang đến Campuchia, anh mới biết rằng công việc của mình không như được giới thiệu. Anh và một số người Việt Nam có cùng cảnh ngộ bị ép phải làm việc trên các ứng dụng hẹn hò trực tuyến; nhằm lôi kéo người tham gia đầu tư tiền điện tử. Khi biết rõ tính chất công việc, anh B mong muốn được về nước thì chủ cơ sở sử dụng lao động đã bộc lộ rõ dã tâm của bọn chúng.
Anh B nhớ lại: Trước khi sang Campuchia lao động, đối tượng nói rằng sau khi sang Campuchia, nếu anh B muốn về nước thì chỉ phải nộp tiền phạt là mấy chục triệu đồng. Nhưng sau khoảng hơn 2 tháng làm việc, khi anh muốn về Việt Nam thì chủ cơ sở lao động yêu cầu phải nộp tiền đền bù là 4.000 USD thì mới được về nhà. Khi ấy, anh đành phải liên hệ với gia đình, đồng thời gom góp số tiền lương có được để đến bù cho công ty.
Cá biệt có nhiều gia đình, chỉ khi nhận được điện thoại "cầu cứu" của người thân, mới biết rằng họ đang lưu lạc ở Campuchia. Trường hợp của chị L mẹ của P.Đ.C là một ví dụ. Trước đó, chị L chỉ biết là con đi làm thuê, còn cụ thể ở đâu cũng không rõ… Cho đến một hôm, chị nhận được điện thoại của một người phụ nữ gọi đến. Sau khi nhận điện thoại, chị L mới biết rằng con của mình bị lừa đưa sang qua Campuchia làm việc với lời mời hấp dẫn "việc nhẹ, lương cao". Khi nghe giọng nói khẩn khoản của con trai, chị L vô cùng đau xót… Số tiền 100 triệu đồng để "chuộc thân" cho con trai quả là một khoản không nhỏ với một gia đình thuộc diện nghèo, thu nhập chỉ trông chờ vào nông nghiệp như chị. Song vì lo lắng cho tính mạng của con, những ai có thể vay được tiền, chị đều tìm đến để mượn tiền, chuộc con về…
Nỗ lực đấu tranh, ngăn chặn
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì hiện trên địa bàn huyện Bát Xát có 159 công dân đang lao động tại Campuchia. Các lao động chủ yếu là người dân tộc thiểu số tập trung ở các xã Quang Kim, Bản Xèo, A Mú Sung, Trịnh Tường, Cốc mỳ, Bản Vược..., với độ tuổi dao động từ 18 đến 37. Thông qua việc tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội, hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu, một số trường hợp đi làm ở các tỉnh khác như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Sau một thời gian lại thông báo cho gia đình đã ở Campuchia. Thủ đoạn của các đối tượng đã đưa ra những lời hứa hẹn về việc làm ổn định, lương cao (có thể lên tới 30-40 triệu đồng/tháng) kèm theo những chế độ đãi ngộ hấp dẫn, thậm chí còn lo chi phí xuất cảnh, khiến rất nhiều người lao động nhẹ dạ, cả tin mắc bẫy.
Trước thực trạng trên, Công an huyện Bát Xát và các ngành chức năng đã và đang triển khai nhiều biện pháp và khuyến cáo người dân có nhu cầu tìm kiếm việc làm, nhất là giới trẻ thường xuyên tiếp cận và sử dụng thông tin trên mạng xã hội cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao". Khi có nhu cầu đi lao động nước ngoài cần tìm hiểu kỹ, liên hệ cơ quan chức năng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh, xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc hoặc nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan chức năng để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.
Trước đó, Công an huyện Bát Xát đã điều tra, làm rõ một đường dây đưa người nhập cảnh trái phép vào việt Nam. Trước đó, vào đêm 8/8, rạng sáng 9/8, các đối tượng gồm Nguyễn Hoàng Minh Đức, Hoàng Bá Được, Trần Nguyên Hưng, Đỗ Văn Tiệp, Lý A Mong và Cao Hoàng Vũ đã cùng nhau thực hiện hành vi tổ chức cho 2 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Trong đó, Đỗ Văn Tiệp, Lý A Mong là người liên hệ trực tiếp thực hiện việc đưa 2 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Theo nhiệm vụ được phân công, Tiệp và Mong bơi qua sông Hồng khu vực xã A Mú Sung, huyện Bát Xát để đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Các đối tượng Hoàng Bá Được, Trần Nguyên Hưng và Cao Hoàng Vũ đã trực tiếp liên hệ với đối tượng Nguyễn Hoàng Minh Đức để thực hiện việc đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhiệm vụ của Được, Hưng, Vũ là cảnh giới, dùng xe máy chở người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đức có thỏa thuận trả cho Hưng, Được, Vũ từ 1-3 triệu đồng/lần đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Đối tượng Nguyễn Hoàng Minh Đức là người liên hệ trực tiếp với đối tượng còn lại về việc tổ chức cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đức khai được trả cho số tiền từ 3-4 triệu đồng/lần tổ chức cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Đối với 2 người đàn ông có quốc tịch Trung Quốc là Đoàn Sỹ Phi và Chu Lâm, ban đầu xác định, do có nhu cầu đến Việt Nam để tìm lấy vợ nên Chu Lâm đã rủ Đoàn Sỹ Phi đến Việt Nam. Lâm và Phi thông qua một người đàn ông trên mạng xã hội (không rõ tên, tuổi địa chỉ) thỏa thuận nhập cảnh trái phép vào Việt Nam với giá tiền khoảng 1 vạn Nhân dân tệ. Đêm 8/8, Phi và Lâm được các đối tượng liên hệ để nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thì bị Cơ quan Công an phát hiện.
Thượng tá, Doãn Thanh Sơn, Trưởng Công an huyện Bát Xát cho biết: Thời gian tới Công an huyện tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu và thấy rõ được những âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo người lao động xuất cảnh trái phép, đặc biệt đối với địa bàn Campuchia. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3313 Trong tuần: 55861 Trong tháng 117990 Tất cả: 17211548