Liên quan đến vụ án trên, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã thực hiện lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 6 đối tượng; thu giữ tang vật gồm 604 phôi bằng giả các loại, 13.106 tem giả, 151 loại giấy tờ giả đã in ấn và 5 bộ máy tính, 10 điện thoại di động, 14 máy in màu, máy scan, máy ép nhựa, 97 con dấu giả phục vụ cho các hoạt động sản xuất văn bằng chứng chỉ giả của các đối tượng.
Trước đó, ngày 17/8, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự đã triển khai đồng loạt 7 tổ công tác, khám xét khẩn cấp 7 địa điểm tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; thực hiện lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 6 đối tượng liên quan đến hành vi sản xuất, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả trên không gian mạng.
Đây là đường dây phạm tội có tổ chức, do đối tượng Nguyễn Ngọc Hiệp, (SN 1989, trú tại số 592/27/14 đường Nguyễn Văn Quá, khu phố 1, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Ngọc Thuận (SN 1994, trú tại số 356, đường số 1, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cầm đầu.
Đường dây trên có sự tham gia giúp sức đắc lực của các đối tượng: Nguyễn Nhựt Long, Phạm Viết Luật, Trần Đức Thiên, Nguyễn Ngọc Hà. Các đối tượng đã tạo lập Fanpage “Chuyên làm cavet” để rao bán, nhận làm nhiều loại bằng cấp, giấy tờ giả, gồm: hộ chiếu, bằng lái xe, đăng ký xe, bằng đại học, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm ngân hàng…
Khi khách hàng có nhu cầu sẽ liên hệ với các số điện thoại do đối tượng đưa lên fanpage để liên hệ trao đổi thông tin thỏa thuận giá cả cụ thể. Nhóm đối tượng trên nhận làm nhiều loại giấy tờ, văn bằng chứng chỉ giả với giá thành từ 500.000 đồng đến 6.000.000 đồng, trong nhóm có sự phân công nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, đối tượng Hiệp chuyên làm giả bằng lái, đăng kiểm xe ô tô, xe máy và hộ chiếu, Thuận chuyên làm giả đăng ký xe, sổ tiết kiệm ngân hàng; đối tượng Long chuyên làm giả bằng đại học, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đối tượng Luật chuyên làm giả chứng chỉ nghề. Khi có khách hàng đặt làm giấy tờ, tài liệu giả, các đối tượng điều hành sẽ chia sẻ đơn hàng lên nhóm zalo chung, đơn hàng thuộc mảng công việc của đối tượng nào thì đối tượng đó sẽ chủ động sản xuất, in ấn và giao cho khách hàng bằng nhiều hình thức gồm giao hàng qua đơn vị vận chuyển công nghệ.
Với hình thức này, khách hàng sẽ thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng được mở bằng CMND giả hoặc thu tiền qua đơn vị vận chuyển; giao hàng qua người có mối quan hệ thân quen từ trước; giao hàng qua hệ thống chân rết, đại lý ở các tỉnh, khi khách hàng đặt hàng sẽ liên hệ và chuyển tiền cho đại lý, đối tượng đại lý sẽ trao đổi thông tin và thanh toán cho đối tượng trực tiếp làm giả giấy tờ, tài liệu.
Kết quả đấu tranh ban đầu, các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi sản xuất, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả trên không gian mạng; trong đó đối tượng Nguyễn Ngọc Hiệp và Nguyễn Ngọc Thuận giữ vai trò chủ mưu, điều hành toàn bộ hoạt động của đường dây.
Hiện, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự đấu tranh, mở rộng vụ án, làm rõ hoạt động vi phạm pháp luật của các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đề nghị người dân nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng nêu trên; không đăng tải hình ảnh các loại giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ… lên các trang mạng xã hội, vì rất có thể đó là khởi nguồn để tội phạm lợi dụng làm giả giấy tờ để lừa đảo. Việc tham gia các hoạt động mua bán, sản xuất tài liệu con dấu của các cơ quan tổ chức là hành vi vi phạm pháp luật.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3277 Trong tuần: 24 Trong tháng 144033 Tất cả: 17237596